Mòn mỏi chờ đợi sửa chữa
Xe tăng Leopard 2 của lực lượng vũ trang Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Lính pháo binh Ukraine Bohdan Nahaj đã dành những lời có cánh để ca ngợi pháo tự hành bánh xích Panzerhaubitze 2000 (PZH 2000) do Đức cung cấp cho lữ đoàn của anh. Nahaj đánh giá Panzerhaubitze 2000 là tốt nhất và chính xác nhất, tuy nhiên, có một vấn đề. Loại pháo tự hành này bị sử dụng nhiều đến mức chúng dễ bị hỏng.
Vấn đề thường gặp phải nhất là lỗi phần mềm và hệ thống điều khiển, nòng súng quá nhiệt. Anh Nahaj cho biết, đôi khi, có tới 2/3 số pháo của Đức không hoạt động do những vấn đề này. Ngay cả khi các kỹ thuật viên Ukraine có thể sửa chữa tại chỗ một số trục trặc, chẳng hạn như thay nòng, thì họ cũng vấp phải trì hoãn bởi không có phụ tùng. "Thời gian sửa chữa phụ thuộc vào phụ tùng thay thế: từ 2 đến 6 tháng", anh Nahaj cho biết.
Các bước gỡ nút thắt
Quân nhân Ukraine tại lễ chuyển giao các thiết bị quân sự và vũ khí hạng nặng tại Kiev. Ảnh tư liệu: Getty Images/TTXVN
Vấn đề vẫn chưa được giải quyết, nhưng ít nhất đã có một số cải tiến. Ví dụ, tập đoàn vũ khí Pháp-Đức KNDS, đã mở một công ty con và văn phòng tại Kiev vào đầu tháng 10/2024 để sửa chữa các hệ thống do họ sản xuất như xe tăng Leopard 1 và 2, pháo tự hành CAESAR, xe thiết giáp AMX10 RC, Panzerhaubitze 2000, pháo phòng không tự hành Flakpanzer Gepard. Điều này giúp cải thiện phối hợp với các cơ quan chức năng và xưởng sửa chữa của Ukraine.
Bên cạnh đó, KNDS cho biết họ sẽ hợp tác với phía Ukraine để sản xuất đạn pháo cỡ nòng 155 mm tại nước này và sản xuất phụ tùng thay thế theo công nghệ mới nhất.
Bộ Quốc phòng Ukraine xác nhận với kênh DW (Đức) rằng điều này sẽ tối ưu hóa việc cung cấp và sản xuất các bộ phận cần thiết. Bộ Quốc phòng Ukraine còn tin tưởng rằng việc thành lập các liên doanh và đại diện của nhà sản xuất vũ khí tại nước này sẽ giúp đẩy nhanh việc sửa chữa thiết bị của EU.
Chính phủ Đức cũng tiết lộ rằng việc triển khai phụ tùng thay thế sẵn có, công cụ đặc biệt và nhân viên chuyên nghiệp tại Ukraine để sửa chữa vũ khí sẽ góp phần giảm chậm trễ. Bộ Quốc phòng Đức nêu rõ: "Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục nỗ lực cung cấp cho lực lượng vũ trang Ukraine các vật liệu toàn diện để họ có thể tự tìm lỗi và bảo trì. Về mặt công nghiệp, chúng tôi liên tục nghiên cứu phương pháp sản xuất mới, khả năng hợp tác và giải pháp kỹ thuật khả thi để giảm thiểu vấn đề thiếu phụ tùng thay thế”.
Thủ tục hành chính cũng là yếu tố khiến sửa chữa thiết bị quân sự bị chậm lại. Ở Đức, phải xin giấy phép xuất khẩu vũ khí riêng cho từng phụ tùng, việc này có thể mất nhiều tháng. Do đó, các nhà sản xuất ủng hộ sự ra đời của "Khu vực Schengen quân sự", như đề xuất gần đây của thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Các cuộc phỏng vấn với quân nhân Ukraine cho thấy tất cả vũ khí phương Tây đều có vấn đề về sửa chữa. Do đó, kỹ thuật viên Ukraine cũng chủ động tự tìm kiếm các bộ phận thay thế phù hợp. Tuy nhiên, điều này không thể thực hiện được với các bộ phận công nghệ cao.
Hà Linh/Báo Tin tức (Theo DW)