Tên lửa được phóng thử từ Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS). Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Forbes ngày 27/5, quyết định lịch sử của các nước phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc xung đột. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Kiev còn bao nhiêu tên lửa tầm xa trong kho vũ khí và liệu động thái này có đủ để thay đổi cục diện chiến trường?
Thủ tướng Đức Friedrich Merz hôm 26/5 đã tuyên bố một thay đổi chính sách quan trọng: Đức, cùng với Anh, Pháp và Mỹ, đã dỡ bỏ các giới hạn về tầm bắn đối với vũ khí cung cấp cho Ukraine. Điều này có nghĩa là Kiev giờ đây có thể tự do nhắm mục tiêu vào các cơ sở quân sự ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Nga. Ông Merz khẳng định: "Không còn bất kỳ hạn chế nào về tầm bắn đối với vũ khí được chuyển giao cho Ukraine nữa – cả từ phía Anh, phía Pháp, phía chúng tôi và phía Mỹ".
Mặc dù đây là một tin mới đối với Ukraine, nhưng cũng có một thực tế phũ phàng: quân đội Ukraine có thể đã sử dụng gần hết các tên lửa tầm xa được cung cấp trong giai đoạn 2023-2024. Tuy nhiên, triển vọng này có thể cải thiện đáng kể nếu Đức cuối cùng quyết định chuyển giao loại vũ khí mà Kiev đã mong mỏi bấy lâu.
Các loại tên lửa tầm xa
Các loại vũ khí tầm xa nổi bật nhất bao gồm tên lửa phóng từ trên không SCALP-EG/Storm Shadow của Pháp và Anh, cùng với tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp, được phóng từ mặt đất bằng hệ thống HIMARS và M270.
Bất chấp những cảnh báo hạt nhân từ Tổng thống Nga Vladimir Putin, cả ATACMS và Storm Shadow đều đã được sử dụng để tấn công các mục tiêu ở Nga vào tháng 8/2024, sau khi Pháp, Anh và Mỹ lần đầu tiên cho phép sử dụng chúng nhằm vào mục tiêu trên lãnh thổ Nga trong những điều kiện cụ thể (thường nhắm vào các tài sản quân sự liên quan đến các cuộc tấn công trực tiếp).
Về mặt lý thuyết, Ukraine có thể sử dụng những vũ khí này để tấn công nhiều mục tiêu quân sự hơn, nhưng vấn đề về số lượng vũ khí vẫn còn bỏ ngỏ. Một số ước tính cho thấy Ukraine đã nhận được "ít hơn 50" ATACMS (bao gồm cả tên lửa M39 cũ, tầm ngắn hơn và các biến thể mới hơn) vào mùa thu năm 2024 và có thể đã sử dụng nhiều trong số đó trong hơn mười cuộc tấn công đã biết.
Trong khi đó, Pháp, Italy và Anh ban đầu đã mua tổng cộng 1.600 tên lửa Storm Shadow/SCALP (chia theo tỷ lệ 500/200/900). Một số đã được sử dụng trước năm 2022 và một phần trong số đó hiện có thể cần được cải tiến lại. Ukraine được cho là đã nhận được vài trăm tên lửa Storm Shadow, bao gồm 40 tên lửa do Pháp giao vào tháng 1 vừa qua.
Mặc dù có thể nhận được thêm, cả Pháp và Anh đều muốn giữ lại hàng trăm tên lửa cho lực lượng không quân của họ để đề phòng xung đột trong tương lai. Chuyên gia tên lửa Fabian Hoffman ước tính rằng sản xuất SCALP tại nhà máy sẽ vào khoảng 50 tên lửa mới mỗi năm (và không có khả năng hơn 100), mặc dù khoản phân bổ gần đây của Paris là 2 tỷ euro để tăng đáng kể tỷ lệ sản xuất tên lửa có thể cải thiện con số đó.
Thủ tướng Merz cũng nhắc lại rằng Berlin sẽ ngừng công bố việc chuyển giao vũ khí cho Kiev, ngụ ý rằng một đợt chuyển giao vũ khí tầm xa mới cho Ukraine có thể đang diễn ra hoặc sắp xảy ra mà không được công khai.
"Con voi còn lại trong phòng" chính là tên lửa hành trình KEPD-350 Taurus của Đức. Loại tên lửa này đã nằm trong danh sách mong muốn của Ukraine từ lâu, nhưng chính phủ tiền nhiệm của ông Merz, do Olaf Scholz đứng đầu, đã từ chối cung cấp. Mặc dù ông Merz trước đây đã ủng hộ việc chuyển giao Taurus, ông vẫn còn mơ hồ về chủ đề này kể từ khi nhậm chức thủ tướng.
Tên lửa Taurus nặng 3,5 tấn được Đức và Thụy Điển phát triển chung, sở hữu hệ thống dẫn đường chống nhiễu, đầu đạn phá boongke/cầu hai tầng và có tầm bắn trên 500km nhờ động cơ phản lực cánh quạt Williams F122 tiết kiệm nhiên liệu. Đức đã mua tổng cộng 600 tên lửa Taurus, nhiều trong số đó cần được tân trang. Tuy nhiên, một đơn đặt hàng tiềm năng sắp tới của Thụy Điển có thể mở lại dây chuyền sản xuất Taurus hiện đang đóng cửa, mà trước đây sản xuất 40-60 tên lửa mỗi năm, theo chuyên gia Hoffman.
Nếu được phóng từ vùng Chernihiv của Ukraine, Taurus và SCALP tầm xa trên lý thuyết có thể vươn tới các mục tiêu xung quanh Moskva cách xa khoảng 480 km. Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu phóng từ độ cao thấp hơn để tránh phòng không của Nga có thể làm giảm tầm bắn.
Tên lửa hành trình không đối đất Taurus. Ảnh: AFP/TTXVN
Tác động của các cuộc tấn công tầm xa
Forbes lưu ý, Ukraine đã đạt được một số thành công khi sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công lực lượng Nga ở các vùng lãnh thổ Ukraine do Moskva kiểm soát. Ví dụ, các cuộc tấn công của ATACMS đã phá hủy ít nhất 20 máy bay trực thăng của Nga tại các căn cứ tiền tuyến và tiếp đó phá hủy một hệ thống phòng không S-400.
Theo thời gian, Nga đã thích nghi với vũ khí tầm xa của Ukraine bằng cách kéo các tài sản dễ bị tấn công ra khỏi phạm vi tấn công dễ dàng và phân tán rộng rãi hơn các hệ thống phòng không cũng như gây nhiễu định vị vệ tinh. Do đó, các mục tiêu mà Kiev muốn nhắm đến trên lãnh thổ Nga có thể ít bị tổn thương hơn so với 2-3 năm trước.
Tuy nhiên, việc các căn cứ không quân và kho đạn dược trên lãnh thổ Nga bị tấn công bằng tên lửa khó đánh chặn hơn, nhanh hơn và có sức hủy diệt lớn hơn nhiều so với thiết bị bay không người lái cảm tử tầm xa của Ukraine, có khả năng gây ra nhiều "sự đau đầu" cho Moskva.
Ukraine có thể đặc biệt hưởng lợi từ việc nhắm mục tiêu vào các căn cứ máy bay ném bom chiến đấu của Nga được sử dụng cho các cuộc tấn công ném bom lượn ở tiền tuyến, hoặc vào các máy bay ném bom chiến lược, hệ thống phóng tên lửa đạn đạo và thiết bị bay không người lái cảm tử đang tấn công các thành phố của Ukraine. Những mối đe dọa này có thể bị vô hiệu hóa hiệu quả hơn trên mặt đất so với trên không, theo phương châm "nhắm vào cung thủ, không phải mũi tên".
Câu hỏi từ quan điểm của Ukraine vẫn là chính xác họ đã "tích lũy" hoặc "để dành" được bao nhiêu tên lửa tầm xa? Và Kiev có thể nhận thêm bao nhiêu nữa trong năm nay hoặc năm sau, đặc biệt là hướng đến tên lửa Taurus vẫn "chưa được khai thác" của Đức? Liệu có thêm vũ khí tầm xa nào từ Mỹ, có thể được mua thông qua nguồn tài chính của châu Âu - cho dù là ATACMS hay thậm chí là tên lửa hành trình AGM-158 JASSM tương thích với máy bay chiến đấu F-16?
Trừ khi Ukraine đã tìm cách để dành nhiều đạn dược hơn so với ước tính chung, việc dỡ bỏ các hạn chế nhắm mục tiêu có thể có tác động ban đầu hạn chế. Tuy nhiên, nếu có sự duy trì đối với việc chuyển giao tên lửa tầm xa cho Ukraine, điều này có thể mở rộng khả năng của Kiev gây nguy hiểm cho các tài sản quan trọng trong phạm vi vài trăm km của Ukraine - ít nhất là có chọn lọc.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc