Hướng đi mới của Ukraine để có được vũ khí Mỹ
Cụ thể, cách tiếp cận mới của Ukraine là đề nghị Mỹ cho phép châu Âu mua vũ khí của Mỹ rồi cung cấp lại cho Ukraine, theo 6 nguồn tin biết về vấn đề này.
Chiến thuật mới trên của Kiev đang được thảo luận cùng thời điểm với việc chính quyền ông Trump xúc tiến ngừng cung cấp viện trợ quân sự đã được phân bổ từ trước đó cho Ukraine, bao gồm các hệ thống phòng không Patriot và đạn pháo có sức công phá mạnh. Động thái này của Mỹ đã gây bất ngờ cho giới chức cấp cao Ukraine. Trong khi đó, châu Âu cam kết tăng chi tiêu quốc phòng và tìm kiếm những phương thức sáng tạo để đạt mục đích đó.
Theo cam kết mới, chính phủ một số nước châu Âu đang khám phá các phương thức mua vũ khí do Mỹ chế tạo bằng ngân sách quốc phòng của mình rồi chuyển giao lại cho Ukraine. Số tiền này sẽ được tính vào số chi tiêu phòng thủ mới của NATO, nhưng chưa có cam kết chắc chắn nào. Những chuyển giao này sẽ phải nhận được sự phê chuẩn của Mỹ, các chi tiết về việc này vẫn đang được thảo luận, theo một người thạo tin giấu tên.
Hỏa lực phòng không của Ukraine. Ảnh: Libkos.
Trong bối cảnh viện trợ từ Mỹ cạn kiệt còn Nga đang trong chiến dịch tiến công mùa hè nhằm vào thành phố Sumy và đã chiếm được những mỏ khoáng sản trọng yếu, Tổng thống Ukraine Zelensky buộc phải thay đổi cách tiếp cận về tìm kiếm vũ khí mới. Một quan chức Ukraine bộc bạch: “Chúng tôi không còn sự lựa chọn nào”.
Một trở ngại tiềm tàng là các hạn chế mà Mỹ vốn áp lên các đồng minh sử dụng vũ khí của Mỹ. Thời Tổng thống Mỹ Biden, các tên lửa Storm Shadow của Anh đã bị cấm cung cấp cho Ukraine vì các tên lửa này vẫn chứa các linh kiện Mỹ. Quan chức Ukraine nói trên cho hay, đàm phán sẽ bao gồm cả nội dung xử lý vấn đề này.
Vũ khí Mỹ nổi tiếng là mất nhiều thời gian để chế tạo và vận chuyển sang các đồng minh. Tuy nhiên, bù lại vũ khí Mỹ được Ukraine đánh giá cao về chất lượng và hiệu quả thực chiến.
Kiev điều chỉnh yêu cầu, Washington cảm thông hơn
Chính quyền ông Trump có vẻ như nghiêng nhiều hơn về phương án gửi cho Kiev các vũ khí mang tính phòng thủ nhiều hơn, điều này được thể hiện trong cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Ukraine Zelensky và người đồng cấp Mỹ Trump bên lề thượng đỉnh NATO ở Hà Lan vào tuần trước. Một người trực tiếp được thông báo về cuộc gặp này đã cho rằng đây là một diễn biến “thực sự tích cực” và lưu ý thêm rằng ông Trump có vẻ “đồng cảm”. Người thứ 2 biết về cuộc gặp đã gọi sự kiện là “mang tính xây dựng” và diễn ra “rất tốt đẹp”.
Người thứ 2 nói trên cho biết, ông Zelensky đã cập nhật với ông Trump về tình hình chiến sự và vạch ra những dạng ủng hộ mà Ukraine có thể cần ở Mỹ trong tương lai.
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Roger Wicker, nói rằng ông có nghe thấy Tổng thống Zelensky điều chỉnh đề nghị của mình, từ chỗ xin viện trợ quân sự sang xin mua vũ khí gián tiếp. Ông Wicker không dự thượng đỉnh NATO mặc dù một phái đoàn lưỡng đảng Dân chủ và Cộng hòa có gặp gỡ với các đồng minh châu Âu tại đó.
Nghị sĩ Wicker nói: “Tôi được thông báo rằng yêu cầu của Tổng thống Zelensky hiện nay ít liên quan đến viện trợ tài chính từ Mỹ mà thiên về sử dụng tiền bạc châu Âu để mua súng và đạn dược từ Mỹ”.
Hiện Văn phòng Tổng thống Zelensky chưa phản ứng lại các câu hỏi liên quan đến kế hoạch mới của Ukraine hoặc những gì được thảo luận giữa hai nguyên thủ Mỹ và Ukraine.
Sau khi khá thất vọng trong những tuần gần đây trước việc Tổng thống Nga Putin thiếu mặn mà với đề xuất ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt xung đột Ukraine, Tổng thống Mỹ Trump ngày càng tỏ ra thông cảm với Ukraine hơn. Ông Trump cũng không loại trừ gửi thêm hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Tại buổi họp báo vào cuối thượng đỉnh NATO, ông Trump phát biểu: “Họ thực sự muốn có tên lửa chống tên lửa, chúng tôi sẽ xem xem liệu có cung cấp một số cho họ hay không”.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa có động thái cụ thể nào để đưa thêm vũ khí của họ sang Ukraine. Vấn đề chuyển giao vũ khí cho Ukraine càng trở nên cấp bách khi trong tuần này thông tin Lầu Năm Góc ngưng cung cấp đạn dược cho Ukraine đã được công khai hóa. Giới chức quốc phòng Mỹ quan ngại kho vũ khí Mỹ đã ở mức thấp và ra lệnh đóng băng một phần đối với việc cung cấp vũ khí ra ngoài. Trong khi đó, nỗ lực cung cấp gói viện trợ mới cho Kiev đã ngừng lại tại Quốc hội Mỹ.
Tuần trước, Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho hay, Anh, Canada và các nước châu Âu khác đã cùng tăng viện trợ cho Ukraine lên mức gần 23,5 tỷ USD trong 3 tháng đầu tiên của năm 2025 và sẽ cung cấp thêm 40,6 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine trong phần còn lại của năm nay. Thế nhưng, châu Âu bị giới hạn về các vũ khí chủ chốt, đặc biệt là phòng không, mà họ được phép cung cấp cho Ukraine. Và do vậy, một quan chức Ukraine cho biết, nước ông vẫn buộc phải tìm cách mua những loại vũ khí đặc chủng từ Mỹ.
Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Politico