Tờ Washington Post cho biết, họ lạc quan thận trọng rằng “Ông ấy [Donald Trump – chú thích của biên tập viên] có thể hành động nhanh hơn và quyết đoán hơn Tổng thống Joe Biden".
Cờ Hoa Kỳ (trước) và cờ Ukraine (sau). Ảnh: Atlantic Council
Kiev hy vọng chứng minh rằng Ukraine không phải là gánh nặng tài chính, mà là một khoản đầu tư kinh tế và địa chính trị có lợi, mang lại sự thịnh vượng và an toàn cho nước Mỹ cùng các lợi ích của nước này.
Để đạt được điều đó, Ukraine dự định tận dụng phong cách ngoại giao mang tính giao dịch của ông Trump, bao gồm việc cung cấp các cơ hội kinh doanh hấp dẫn cho các công ty Mỹ, với kỳ vọng vị tổng thống mới sẽ giúp chặn đứng bước tiến của Nga.
Kiev đặt cược vào việc thuyết phục ông Trump
Theo Washington Post, các quan chức Ukraine vẫn nuôi hy vọng rằng ông Trump có thể giúp chấm dứt cuộc chiến theo các điều kiện có lợi cho Kiev, bất chấp những tuyên bố trước đây của ông và nhiều cộng sự cho rằng cuộc xung đột này khiến người dân Mỹ tiêu tốn quá nhiều thuế và cần sớm giải quyết. Những phát biểu này làm dấy lên lo ngại rằng ông Trump có thể đột ngột chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine và thúc ép nhượng bộ lãnh thổ cho Nga.
Tuy nhiên, giới chức Kiev bày tỏ sự thất vọng với tiến độ hỗ trợ chậm chạp từ chính quyền Biden. Nhiều người Ukraine bỏ qua các nhận xét tiêu cực của ông Trump gần đây, thay vào đó nhấn mạnh rằng ông là tổng thống Mỹ đầu tiên bán vũ khí sát thương cho Ukraine.
Những vũ khí sát thương đầu tiên đến từ ông Trump
Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Ukraine đã nhận được các tên lửa Javelin - hệ thống chống tăng di động mà trước đó chính quyền Obama từ chối bán trong thời gian dài. Những vũ khí này đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn quân Nga tiến vào thủ đô vào đầu năm 2022. Ông Trump sau đó nhấn mạnh các giao dịch này như minh chứng cho việc ông có lập trường cứng rắn hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin so với các đảng viên Dân chủ.
Dmytro Kuleba, người giữ chức Ngoại trưởng Ukraine cho đến tháng 9 vừa qua, chia sẻ: “Những vũ khí đầu tiên mà Ukraine nhận được từ Mỹ là của một tổng thống vốn không ưa Ukraine." Tuy nhiên, ông Kuleba nhận định rằng, sự khó lường của ông Trump có thể mang lại thay đổi tích cực cho Ukraine.
Để giành được sự ủng hộ của ông Trump lần này, Kiev cần tạo ra "những tình huống khiến việc ủng hộ Ukraine trở thành biểu tượng cho sức mạnh của ông Trump," ông Kuleba nói. Ông cũng cho rằng nếu mục tiêu của ông Trump là thể hiện sức mạnh và khẳng định rằng “tôi giỏi hơn Biden, Biden thất bại còn tôi đã kết thúc chiến tranh,” thì việc “bán rẻ Ukraine” không phải là hướng đi đúng.
Chuyển đổi chiến lược đối với Mỹ
Người Ukraine cho rằng cách tiếp cận thận trọng của chính quyền Biden trong viện trợ đã làm suy yếu uy tín của Mỹ như một nhà bảo đảm an ninh toàn cầu. Trong những tuần gần đây, Ukraine bắt đầu kêu gọi một kỷ nguyên mới trong chính sách của Mỹ đối với quốc gia này, dựa trên nguyên tắc "hòa bình thông qua sức mạnh". Họ kỳ vọng thông điệp này sẽ hấp dẫn ông Trump hơn là ông Biden.
Cố vấn Văn phòng Tổng thống Ukraine, Mykhailo Podolyak, cho biết Kiev cần giải thích với ông Trump sự thực dụng chính trị trong việc ủng hộ Ukraine. "Chúng tôi cần cung cấp cho ông Trump và các đại diện trong chính quyền của ông những thông tin đầy đủ nhất về logic của tiến trình này", ông nói.
Ông Podolyak cũng nhấn mạnh: "Chỉ cần đầu tư một khoản nhỏ vào Ukraine từ vũ khí, tài chính đến sản xuất, các bạn sẽ làm tiêu tan tiềm lực quân sự của Nga. Và sau đó, các bạn sẽ nắm thế thượng phong".
Nguồn tài nguyên của Ukraine liệu có trở thành đích ngắm?
Cuộc chiến toàn diện tại Ukraine đã kéo dài gần ba năm. Trong bối cảnh Nga đe dọa leo thang chiến tranh nhằm đáp trả các quyết định của chính quyền Biden nới lỏng một số hạn chế quân sự đối với Ukraine, Kiev tiếp tục yêu cầu gia nhập NATO - liên minh quân sự mà ông Trump từng dọa rút lui,
Các chuyên gia Ukraine nhận định, một trong những cách để thuyết phục Tổng thống Donald Trump là nhấn mạnh vào các lợi ích kinh tế. Ông Volodymyr Vasiuk, chuyên gia công nghiệp cho biết: “Việc kiểm soát lithium đồng nghĩa với việc kiểm soát nền kinh tế tương lai”. Ông cho rằng việc tài nguyên này nằm trong tay một quốc gia thân thiện như Ukraine sẽ có lợi hơn cho phương Tây.
Ukraine hiện sở hữu lượng lithium đủ để sản xuất 15 triệu pin xe hơi, dù một số mỏ đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga hoặc gần khu vực giao tranh.
Cùng lúc đó, Oleksii Chernyshov, Chủ tịch công ty nhà nước NaftoGaz, khẳng định thị trường khí đốt của Ukraine là một trong những thị trường sinh lời nhất thế giới và đang thu hút sự quan tâm từ các công ty Mỹ. "Tôi tin rằng các công ty Mỹ có một tương lai tươi sáng tại Ukraine ngay bây giờ, không phải ngày mai", ông nhấn mạnh.
Dũng Phan (Theo Daily Wrap)