Binh sĩ Ukraine nã pháo về phía các lực lượng Nga tại vùng Donetsk ngày 27/9/2024. Ảnh: Reuters/TTXVN
Trong cuộc chiến hiện đại, khi các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) ngày càng trở nên phổ biến và mang tính hủy diệt, Ukraine đã tìm thấy một giải pháp bất ngờ cho bài toán phòng không khó khăn nhất của mình: pháo tự hành Gepard do Đức sản xuất, một hệ thống từ thời Chiến tranh Lạnh. Theo tờ báo trực tuyến Euromaidan Press (EP) của Ukraine ngày 20/7, loại pháo phòng không tự hành (SPAAG) này đang có một "sự nghiệp thứ hai đầy kịch tính", trở thành vũ khí tiêu diệt hàng đầu các UAV của Nga.
Khi các đợt tấn công bằng UAV của Nga có quy mô ngày càng lớn hơn, thường xuyên hơn và mang tính phá hủy hơn ở Ukraine, hiệu quả của các loại vũ khí phòng không trở thành yếu tố then chốt, đặc biệt với UAV Shahed nặng 200 kg, mỗi chiếc mang theo "đầu đạn" 90 kg và có khả năng bay hàng nghìn km dưới sự dẫn đường của vệ tinh. Trong bối cảnh đó, pháo tự hành Gepard, mỗi khẩu được trang bị 2 nòng tự động Oerlikon 35 mm dẫn đường bằng radar, đã chứng tỏ là một trong những hệ thống phòng thủ hiệu quả.
Một nhà phát triển phòng không Ukraine chỉ ra rằng: "Hệ thống pháo 35 mm tự động tạo ra 'những đám mây' đạn dày đặc. Hàng chục khẩu Gepard của Ukraine, cùng với một số lượng nhỏ pháo Skynex hiện đại hơn, mang lại khả năng phòng thủ tầm trung quan trọng" trước các cuộc tấn công của Shahed. Một khẩu Gepard của Đức đã từng bắn hạ nhiều UAV chỉ bằng một loạt đạn".
Theo Taras Tymochko, đại diện của tổ chức "Come Back Alive" của Ukraine, việc đánh bại những UAV trên là "ưu tiên hàng đầu" ở Kiev. Kể từ khi phóng chiếc Shahed đầu tiên vào Ukraine gần ba năm trước, Nga đã sử dụng tổng cộng khoảng 29.000 UAV mang theo chất nổ, theo các nhà phân tích Ukraine. Một UAV Shahed có thể có giá từ 50.000 đến 150.000 USD.
Tốc độ và quy mô các cuộc tấn công bằng UAV cũng đang gia tăng đáng kể. Không quân Ukraine báo cáo một cuộc tấn công vào ngày 4/7 vừa qua có sự tham gia của hơn 500 UAV Shahed và UAV mồi nhử. Mặc dù hơn 1 nửa trong số này bị bắn hạ và khoảng 200 UAV bay chệch hướng (có thể do hệ thống gây nhiễu của Ukraine), nhưng hơn 60 UAV vẫn tấn công thành công các mục tiêu ở Ukraine. Sáu ngày sau, vào ngày 10/7, gần 400 UAV đã nhắm mục tiêu vào Ukraine, với khoảng 30 UAV vượt qua được phòng tuyến. Hai ngày tiếp theo (12/7), một con số đáng kinh ngạc là gần 600 UAV (cả mồi nhử) đã bay về phía Ukraine, trong đó hơn 570 UAV bị bắn hạ hoặc đánh lạc hướng, nhưng 20 UAV vẫn trúng đích.
Bài toán kinh tế trong phòng không của Ukraine
Tỷ lệ trúng đích thấp không làm các nhà hoạch định chiến lược Nga lo ngại. Moskva sẵn sàng mất nhiều UAV – khoảng 75% trong số chúng thất bại – nhưng chúng được sử dụng để làm suy yếu hệ thống phòng không của Kiev. Nếu lực lượng Ukraine đánh chặn mọi UAV bằng tên lửa đất đối không, toàn bộ kho tên lửa của Ukraine có thể cạn kiệt trong vài tuần hoặc vài tháng.
Trong khi đó, việc sản xuất tên lửa phòng không là một quá trình tốn kém và chậm chạp. Nhà sản xuất tên lửa Mỹ Lockheed Martin chỉ có công suất khoảng 600 tên lửa Patriot trị giá hàng triệu USD mỗi năm. Ukraine phải tiến hành một chiến dịch ngoại giao chuyên sâu để đảm bảo 6 -7 khẩu đội Patriot của nước này luôn có nguồn tên lửa với tầm bắn 145 km. Tên lửa phòng không nhỏ hơn cũng không rẻ hơn đáng kể: Anh đã cho Ukraine vay 3,4 tỷ USD để mua 5.000 tên lửa đa năng hạng nhẹ (LMM), mỗi tên lửa nặng 13 kg và tầm bắn 8 km, tương đương khoảng 680.000 USD mỗi tên lửa. Rõ ràng, một UAV Shahed rẻ hơn nhiều so với một tên lửa LMM.
Ngược lại, khoảng 80 khẩu Gepard của Ukraine và những khẩu pháo Cheetah SPAAG – tất cả đều do Đức sản xuất nhưng một số do Mỹ gửi đến – đều có giá thành rẻ. Những khẩu pháo này đã được sản xuất từ hàng thập kỷ trước, đang trong giai đoạn thải loại, đồng thời đơn giản nhưng vẫn đáng tin cậy theo tiêu chuẩn ngày nay.
Về chi phí chính để vận hành một khẩu Gepard: Sau khi chuyển giao toàn bộ số đạn của Gepard từ thời Chiến tranh Lạnh cho Ukraine vào năm 2023, Đức đã trả cho nhà sản xuất đạn dược Rheinmetall 181 triệu USD để tái sản xuất loại đạn 1,5 kg này và sản xuất thêm một lô 300.000 viên. Chỉ cần một vài viên đạn là đủ để bắn hạ một UAV. Một hợp đồng tiếp theo với Đức nhằm cung cấp 180.000 viên đạn pháo Gepard dự kiến sẽ được chuyển đến Ukraine vào năm sau, đảm bảo pháo Gepard của Ukraine sẽ có đủ đạn để bắn mỗi khi Shahed vượt biên giới.
Đối với một kíp pháo thủ Gepard, chi phí bắn hạ một UAV Shahed có thể chỉ vài nghìn USD. Chính điều đó, cùng với độ chính xác của pháo di động, là lý do tại sao Gepard được đặt ở tuyến đầu trong chiến dịch phòng thủ của Ukraine chống lại Shahed. Trong bối cảnh cuộc chiến tiêu hao, nơi Nga sẵn sàng sử dụng số lượng lớn UAV giá rẻ để làm cạn kiệt kho tên lửa đắt đỏ của Ukraine, Gepard đã trở thành một giải pháp phòng không hiệu quả và kinh tế, giúp Ukraine giải được bài toán khó trong phòng không hiện đại.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc