Máy bay tiêm kích Su-27 của Ukraine mang theo bom Mk-83 nặng 1.000 pound được trang bị bộ điều khiển JDAM-ER. Ảnh cắt từ clip của Không quân Ukraine
Theo The Aviationist ngày 3/2, hai năm sau khi bom dẫn đường JDAM-ER (bom tấn công trực tiếp phổ quát - Tầm bắn mở rộng) loại nặng 500 pound (GBU-62) lần đầu tiên được báo cáo nằm trong danh sách vũ khí cung cấp cho Ukraine, có vẻ như nước này hiện đã nhận được một biến thể mới nặng 1.000 pound, vốn chưa từng được biết đến trước đây.
Đây là loại vũ khí đặc biệt nguy hiểm trên chiến trường vì gây ra sức tàn phá lớn khi tấn công mục tiêu.
Một video gần đây do Lữ đoàn Hàng không Chiến thuật số 39 của quân đội Ukraine công bố cho thấy một máy bay tiêm kích Su-27 Flanker của Không quân nước này thả hai quả bom JDAM-ER loại nặng 1.000 pound vào các mục tiêu của Liên bang Nga.
Một nhà phân tích mã nguồn mở OSINT đã kiểm tra đoạn video và so sánh kích thước của các quả bom treo dưới cánh Su-27 với hình ảnh trước đó của bom 500 pound, kết luận rằng các quả bom mới xuất hiện có kích thước lớn hơn đáng kể, nhưng vẫn nhỏ hơn loại bom nặng 2.000 pound.
Dù vậy, theo cây bút Sakshi Tiwari của trang tin quân sự Eurasian Times, bom Mk-83 có sức công phá lớn gấp đôi so với bom Mk-82. Điều này đồng nghĩa nó có thể gây ra thiệt hại nặng hơn với các mục tiêu quân sự và hạ tầng của Liên bang Nga dọc tiền tuyến.
The Aviationist cho biết thêm trước diễn biến này thì bộ dẫn đường JDAM-ER được xác nhận chỉ dành cho bom nặng 500 pound (GBU-62) và bom nặng 2.000 pound (GBU-64), nhưng chưa có thông tin chính thức về phiên bản dành cho bom nặng 1.000 pound.
GBU-62 phát triển trên nền tảng bom Mk-82 nặng 500 pound (227 kg) đã được triển khai trên cả Su-27 Flanker và MiG-29 Fulcrum. Trong khi đó, loại vũ khí mới, có thể mang mã GBU-63 nhưng chưa được xác nhận, được phát triển trên nền tảng bom Mk-83 nặng 1.000 pound (454 kg). Cho đến nay, các biến thể JDAM-ER được biết đến chỉ bao gồm GBU-62 và GBU-64, trong đó GBU-64 được phát triển trên nền tảng bom Mk-84 nặng 2.000 pound (907 kg).
Cả hãng Boeing và quân đội Mỹ đều chưa từng đề cập đến sự tồn tại của biến thể JDAM-ER cho bom Mk-83 nặng 1.000 pound, nhưng đoạn video cho thấy Ukraine có thể đã tự phát triển hoặc điều chỉnh hệ thống để phù hợp với lực lượng không quân của mình.
Xem video Không quân Ukraine lần đầu sử dụng bom lượn nửa tấn để tập kích mục tiêu của Liên bang Nga. Nguồn: Không quân Ukraine
Bộ điều khiển JDAM-ER
Bộ điều khiển JDAM tiêu chuẩn bao gồm một phần đuôi chứa Hệ thống Định vị toàn cầu/Kiểm soát Quán tính (GPS/INS) và các cánh để tăng độ ổn định cũng như khả năng nâng. JDAM-ER bổ sung một bộ cánh gấp giá rẻ để mở rộng tầm bắn của JDAM lên hơn 64 km.
Theo các quan chức của Boeing, bộ điều khiển JDAM-ER được phát triển trên nền tảng bom đường kính nhỏ GBU-39 (Small Diameter Bomb - SDB). Năm 2015, Beth Kluba, khi đó là Phó Chủ tịch Hệ thống Vũ khí và Tên lửa của Boeing, cho biết: “Bộ cánh JDAM-ER tận dụng máy bay trang bị JDAM tiêu chuẩn và công nghệ lượn của bom đường kính nhỏ”.
JDAM-ER ra đời trong giai đoạn 2006-2008, khi Boeing và Tổ chức Khoa học & Công nghệ quốc phòng Australia (DSTO) cùng phát triển và thử nghiệm bộ cánh gấp cho bộ điều khiển JDAM dành cho bom GBU-38/B loại nặng 500 pound.
Loại bom lượn ra đời từ sự kết hợp này giúp tăng gấp ba lần tầm bắn của JDAM, với một số nguồn tin cho biết nó có thể vươn tới mục tiêu trong phạm vi 80 km khi được phóng từ độ cao lớn. GBU-62 JDAM-ER chính thức đi vào hoạt động trong Không quân Hoàng gia Australia vào năm 2016.
Năm 2009, một nỗ lực tương tự đã được Boeing và công ty Times Aerospace Korea (TAK) của Hàn Quốc thực hiện để phát triển bộ cánh JDAM-ER cho bom GBU-31/B loại nặng 2.000 pound. Dự án này dự kiến kéo dài 40 tháng, nhưng ngày triển khai chính thức vẫn chưa được tiết lộ.
Ứng dụng duy nhất của JDAM-ER trong quân đội Mỹ là đối với thủy lôi Quickstrike Mk-62 và Mk-64 của Hải quân - một loại vũ khí triển khai ở vùng nước nông để chống lại tàu mặt nước và tàu ngầm.
Việc triển khai bom GBU-62 JDAM-ER tại Ukraine
Ukraine lần đầu tiên nhận được bom JDAM-ER GBU-62 vào năm 2023, trang bị chúng trên các máy bay tiêm kích của mình nhờ các giá treo đặc biệt. Điều này được tiết lộ lần đầu tiên bởi Tướng James Hecker, Tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu (USAFE), Không quân Mỹ tại châu Phi (AFAFRICA) và Bộ Chỉ huy Không quân Đồng minh NATO, vào tháng 3/2023.
“Gần đây, chúng tôi đã chuyển giao cho Ukraine một số loại vũ khí có khả năng tấn công chính xác với tầm bắn mở rộng hơn so với bom rơi tự do”, Tướng Hecker nói.
Cùng với việc xác nhận vũ khí này mang mã hiệu GBU-62, Tướng Hecker cho biết thêm rằng: “Đây là một khả năng mới mà chúng tôi cung cấp cho họ trong khoảng ba tuần qua”.
Như đã đề cập ở trên, bộ JDAM-ER kết hợp cánh gấp với bộ dẫn đường GPS quen thuộc, giúp tăng cường khả năng tấn công ngoài tầm với, giữ cho máy bay ném bom tránh xa hệ thống phòng không của đối phương. Ban đầu, không rõ biến thể nào của vũ khí đã được gửi đến Ukraine, đặc biệt là vì mã GBU-62 cũng được sử dụng cho mìn Quickstrike. Tuy nhiên, các bức ảnh sau đó cho thấy thân bom được sử dụng với bộ JDAM-ER chính là Mk-82, loại nặng 500 pound.
Vào tháng 3/2023, các quan chức Ukraine cũng xác nhận việc triển khai loại vũ khí này cho hoạt động chiến đấu, nhưng nó không được xác nhận bằng hình ảnh cho đến tháng 7/2023. Một năm sau, video đầu tiên ghi lại cảnh sử dụng GBU-62 trong chiến đấu từ buồng lái MiG-29 đã xuất hiện trên mạng.
Video cho thấy MiG-29 thực hiện một cuộc tấn công ở ngoài tầm với theo kiểu “lofting”—máy bay tăng độ cao trên lãnh thổ của mình để mở rộng tầm bắn của JDAM-ER, sau đó nhanh chóng đảo hướng ngay sau khi thả bom. Khoảnh khắc thả bom được hiển thị rõ ràng với hình ảnh phản chiếu trong gương buồng lái.
Hình ảnh cận cảnh từ gương cũng cho thấy các giá treo được sử dụng để mang JDAM-ER. GBU-62 đã được lắp đặt trên các giá treo trong của máy bay, sử dụng giá treo cải tiến với bổ sung bộ phóng tiêu chuẩn MAU-12 (thường được dùng trên các chiến đấu cơ F-15 và F-16), cùng với một thiết bị dường như là ăng-ten GPS phía trước, có thể để đồng bộ hệ thống dẫn đường JDAM trước khi phóng.
Theo các thông tin gần đây, Ukraine cũng dự kiến sẽ nhận được đầu dò Home-on GPS Jam, tích hợp vào bộ cánh JDAM hiện có. Các đầu dò này sẽ giúp chống lại sự phát triển của hệ thống tác chiến điện tử của Liên bang Nga, vốn đã làm giảm đáng kể hiệu quả của vũ khí dẫn đường bằng GPS.
Vào tháng 11/2024, tạp chí Quốc phòng Australia (Australian Defence Magazine) tiết lộ rằng Australia cũng đã cung cấp JDAM-ER cho Ukraine. Trên thực tế, vào ngày 30/10/2024, Kế hoạch Vũ khí dẫn đường và Đạn dược của Bộ Quốc phòng Australia xác nhận rằng nước này đã loại bỏ các quả bom JDAM-ER loại nặng 500 pound khỏi biên chế vào năm 2021, cùng với việc cho nghỉ hưu đội tiêm kích F/A-18A/B Hornet.
Báo cáo cũng xác nhận rằng một vài trong số các vũ khí này sau đó đã được chuyển giao cho Ukraine. Ngoài ra, báo cáo cũng đề cập rằng lô JDAM-ER đầu tiên được Mỹ trực tiếp cung cấp, trong khi Australia xác nhận rằng họ đã cung cấp một số loại vũ khí không đối đất không cho Ukraine vào tháng 4/2024.
Thành Nam/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/quan-su/ukraine-tro-thanh-nuoc-dau-tien-su-dung-mot-loai-vu-khi-dac-biet-nguy-hiem-tren-chien-truong-20250204104953382.htm