Ùn tắc kéo dài
Sau hơn 10 ngày thực hiện xử nghiêm, phạt nặng hành vi người điều khiển xe gắn máy leo lề, lạng lách, rẽ phải khi đèn đỏ…, lề đường đã thông thoáng hơn, trật tự giao thông được duy trì nhưng tình trạng ùn ứ, kẹt xe vốn thường xảy ra nay lại càng trầm trọng. Nạn tắc đường không chỉ xảy ra ở giao lộ, trên những tuyến đường lớn, cửa ngõ thành phố như Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, Lý Thường Kiệt, Cộng Hòa, Xô Viết Nghệ Tĩnh… mà còn lan ra các tuyến đường một chiều, nhỏ hơn như Lý Chính Thắng, Phó Đức Chính, Trần Huy Liệu, Hồ Văn Huê… Những tuyến đường rộng, có làn dành riêng cho xe máy như Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Quốc lộ 22… cũng không tránh khỏi tình trạng ùn tắc. Nhiều người nhận xét, vào giờ cao điểm, nơi nào có cột đèn tín hiệu là nơi đó xảy ra ùn tắc. Đường có nhiều đèn tín hiệu thì càng xảy ra ùn tắc nhiều hơn.
Tình trạng ùn tắc, lộn xộn đã lan đến đường Phó Đức Chính, quận 1, TPHCM
Anh Nguyễn Văn Phúc dừng xe máy bên cạnh chúng tôi, bất lực đứng nhìn con đường Phó Đức Chính (quận 1) nêm chặt ô tô, xe máy, lắc đầu: “Con đường này tuy nhỏ nhưng ít khi bị ùn tắc. Từ khi cấm xe máy rẽ phải khi đèn đỏ, chỉ một chiếc ô tô dừng bên đường là xảy ra tắc đường. Người đi xe máy xen lẫn làn ô tô khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn”. Người dân ở đây cho biết, khi đèn chuyển sang màu đỏ, tất cả các loại phương tiện lưu thông đều phải dừng lại, đường không đủ chỗ, dẫn đến ùn tắc.
Với những người ở vùng ven vào trung tâm thành phố làm việc hoặc ngược lại thì cuộc sống gia đình bị đảo lộn. Vì tắc đường, mọi người phải thức dậy sớm hơn để đi làm và về nhà muộn hơn. Anh Dũng Lê, nhà ở đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), chia sẻ: “Cơ quan ở quận 3, trước đây đi chừng 40 phút là đến chỗ làm, nhưng nay kéo dài hơn 1 tiếng. Vậy mà không phải hôm nào cũng đúng giờ”. Đồng nghiệp anh Dũng Lê cho biết thêm, tan giờ làm, dắt xe ra về, nhìn thấy đường nào cũng chật cứng, nghĩ đoạn đường về nhà mà nản! Trước đây, tình trạng tắc đường, kẹt xe chủ yếu xảy ra ở các tuyến đường lớn như Điện Biên Phủ, Phan Đình Phùng, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh... nhưng nay đã lan tỏa đến các tuyến đường nhỏ, đường một chiều làm cho việc đi lại càng khó khăn hơn, mọi người phải chen nhau nhích dần từng bước.
Đi lại khó khăn, kinh doanh ế ẩm
Những ngày qua, hầu hết người tham gia giao thông đều chấp hành luật, tình trạng người điều khiển xe máy leo lên vỉa hè đã giảm nhiều. Thế nhưng, thời gian ùn tắc kéo dài đã làm cho nhiều con đường trở nên đông cứng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại và buôn bán, làm ăn của người dân hai bên đường.
Một phụ huynh chờ đón con trước cổng Trường THCS Hà Huy Tập, trên đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh), chia sẻ: cổng trường đối diện cổng Bệnh viện Nhân dân Gia Định, lại gần giao lộ có cột đèn tín hiệu. Trước đây, người đi xe máy được phép chạy thẳng, nhưng nay nhiều người thấy đèn đỏ là giật mình, thắng gấp dẫn đến dễ xảy ra tai nạn. Nhiều trường hợp lại chần chừ, chưa biết đi tiếp hay dừng, tạo ra cảnh lộn xộn, gây khó khăn cho học sinh cũng như người đi khám bệnh khi sang đường.
Đối với những gia đình kinh doanh, buôn bán trên các đoạn đường gần các giao lộ cũng không tránh khỏi khó khăn. Chị Bích Hồng, quản lý nhà hàng trên đường Ung Văn Khiêm, gần giao lộ Nguyễn Gia Trí (quận Bình Thạnh), cho biết, để tránh kẹt xe trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, vòng xoay Hàng Xanh, người đi đường dồn về đường Ung Văn Khiêm. Con đường gần như bị đông cứng từ 5 giờ chiều đến gần 8 giờ tối. Khi người đi đường vãn bớt, hàng quán mới có khách đến ăn uống. “Đường sá ùn tắc kéo dài ngày nào là hàng quán ế ẩm ngày đó. Những ngày cuối năm là dịp làm ăn, nhưng xem chừng năm nay lại thất thu nữa rồi”, chị Bích Hồng nhìn ra đường, dòng xe cộ vẫn chật như nêm, buồn bã nói.
Lắp đặt 50 biển báo mũi tên xanh cho phép rẽ phải khi đèn đỏ
Trước tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại các giao lộ, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TPHCM đã đề xuất Sở GTVT TPHCM cho phép rẽ phải khi đèn đỏ tại 50 giao lộ đủ điều kiện.
Tín hiệu đèn cho phép rẽ phải khi đèn đỏ được lắp đặt tại giao lộ Hai Bà Trưng - Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM, ngày 10-1 Ảnh: HOÀNG HÙNG
Theo đó, trong ngày 10-1, đơn vị đã bắt đầu lắp đặt các biển báo hiệu mũi tên xanh tại nhiều khu vực giao lộ để người dân nhận diện và di chuyển đúng quy định. Theo đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TPHCM, việc lắp đặt biển báo không chỉ giúp giảm ùn tắc mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông. Sau khi hoàn thành 50 điểm ban đầu, đơn vị sẽ tiếp tục khảo sát và lắp đặt thêm ở các giao lộ khác.
QUỐC HÙNG
TRẦN YÊN