Nghị định 168/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025 đã tạo ra một sự chuyển biến lớn trong nhận thức của người dân lẫn thực tiễn xã hội. Thực tế đã chỉ ra rằng, sau nửa tháng thực hiện Nghị định 168, số vụ tai nạn giao thông, cùng số người chết, số người bị thương đều đã giảm so với trước đây.
Tuy vậy, trên mạng xã hội cũng xuất hiện những thông tin cho rằng Nghị định 168 là nguyên nhân dẫn đến tắc đường ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh những ngày cận Tết Nguyên đán. Đây không chỉ là hành động ‘'vu oan’' thiếu căn cứ, mà còn thể hiện cách nhìn phiến diện, xa vời với thực tiễn tại nước ta.
Trên thực tế, tình trạng ùn tắc giao thông dịp cận Tết đã tồn tại từ nhiều năm nay, trước khi Nghị định 168 được ban hành. Ảnh minh họa: Báo Chính phủ
Ùn tắc giao thông: Một câu chuyện ''không hề mới''
Ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn là vấn đề phổ biến, không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ quá trình đô thị hóa, dân cư đông đúc, nhu cầu đi lại tăng cao, đặc biệt vào dịp lễ, Tết.
Tại Việt Nam, hiện tượng này đã diễn ra trong nhiều năm qua, nhất là vào những ngày cận Tết Nguyên đán. Báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội dịp Tết năm 2024 đã ghi nhận 234 điểm có nguy cơ ùn tắc, khu vực cửa ngõ phía Nam là nơi tập trung tới 70% lượng phương tiện ra vào Thủ đô. Thời điểm đó, chị Nguyễn Thị Hằng, một người dân ở quận Ba Đình, chia sẻ: "Những ngày cận Tết, đường phố thường xuyên ùn tắc. Tuyến đường tôi đi thường chỉ mất 10-15 phút, nhưng gần đây có khi phải mất cả tiếng".
Tương tự, tại TP. Hồ Chí Minh, dòng người về quê dịp Tết năm 2024 khiến các tuyến quốc lộ 1, 50 ở cửa ngõ phía Tây ùn ứ nghiêm trọng. Anh Nguyễn Danh, một người dân quê Đồng Tháp, kể: "Tôi khởi hành từ 6h sáng, nhưng phải mất gần 3 tiếng mới đến Long An vì kẹt xe".
Giao thông ùn tắc dịp cận Tết là tình trạng thường thấy ở nhiều quốc gia châu Á, tiêu biểu như tại Hàn Quốc vào năm 2024. Ảnh: Yonhap
Không chỉ riêng Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng chứng kiến tình trạng giao thông tăng vọt dịp Tết Nguyên đán. Trong dịp cao điểm Tết 2024, Tập đoàn Đường cao tốc Hàn Quốc đã ước tính người dân di chuyển từ thủ đô Seoul đến thành phố Busan phải mất gần 7 tiếng đồng hồ. Trong khi đó, Cơ quan Quản lý nhập cảnh Singapore thống kê có hơn 1,3 triệu người di chuyển giữa biên giới nước này và Malaysia, chỉ trong 3 ngày 26, 27 và 28 tháng 1.
Giải pháp cho bài toán ùn tắc
Để giảm thiểu ùn tắc, điều quan trọng nhất là người tham gia giao thông cần tuân thủ nghiêm túc hiệu lệnh và luật lệ. Song song đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành giao thông và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Chính sự cần thiết này đã dẫn đến sự ra đời của Nghị định 168. Trước đây, việc vượt đèn đỏ, lấn làn, hoặc đi xe máy trên vỉa hè là những hành vi phổ biến, gây mất an toàn giao thông và gia tăng nguy cơ tai nạn. Nghị định 168, với các chế tài mạnh mẽ, không chỉ nhằm lập lại trật tự mà còn cứu sống nhiều mạng người, nhất là trong dịp Tết.
Dẫu vậy, hiện nay trên mạng xã hội vẫn xuất hiện không ít trường hợp chỉ trích Nghị định 168, cho rằng mức xử phạt "quá nặng" đối với các trường hợp lạng lách, vượt ẩu, vượt đèn đỏ… khiến giao thông "vốn đã ùn tắc nay lại càng nghiêm trọng hơn". Đây là quan điểm sai trái, cổ súy cho quan điểm đặt lợi ích cá nhân lên đầu, và coi thường pháp luật.
Thậm chí, một số cá nhân còn cố tình kích động dân chúng, đăng những lời lẽ xuyên tạc về Nghị định 168, gây hoang mang trong dư luận. Tiêu biểu như trường hợp Đặng Hoàng Hà, sinh sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, đã bị lực lượng công an xử lý vì hành động trên.
Vụ việc Đặng Hoàng Hà cũng là lời cảnh tỉnh cho những người dân đang sử dụng mạng xã hội, để tránh bắt chước và nghe theo những "anh hùng bàn phím" thiếu hiểu biết về luật pháp. Thay vào đó, người dân cần cảnh giác trước những thông tin sai lệch, chủ động kiểm chứng và phối hợp lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự.
Bên cạnh đó, việc rèn luyện ý thức chấp hành luật giao thông, tránh các tai nạn không đáng có nên là ưu tiên hàng đầu của mỗi người tham gia giao thông hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh cơ sở hạ tầng tại nước ta vẫn đang trong quá trình cải thiện.
Việc ban hành Nghị định 168 đã thành công trong việc này. Mức phạt nghiêm khắc của luật chính là ‘'liều thuốc đắng’', chữa căn bệnh '‘nhờn luật'’ vốn tồn tại trong không ít người tham gia giao thông hiện nay. Và giống như một liều thuốc hữu hiệu, chính Nghị định 168 sẽ có thể cứu sống rất nhiều mạng người trong dịp Tết này, đảm bảo người dân nào cũng có một lễ sum vầy, ấm no, hạnh phúc.
Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thay thế cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP), chính thức có hiệu lực.
Nghị định này quy định về:
Xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ bao gồm: hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ;
Mức trừ điểm giấy phép lái xe đối với từng hành vi vi phạm hành chính; trình tự, thủ tục, thẩm quyền trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe.
Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác liên quan đến trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ mà không quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đó để xử phạt.
Phú Quý