Trụ sở UNESCO tại Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Theo AFP, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) Audrey Azoulay ngày 22/7 bày tỏ lấy làm tiếc trước quyết định của Mỹ rút khỏi tổ chức này, song cho biết động thái của Washington không gây bất ngờ.
Bà Azoulay tuyên bố: “Tôi thực sự lấy làm tiếc trước quyết định của Tổng thống Donald Trump một lần nữa rút nước Mỹ khỏi UNESCO. Dù đáng tiếc, nhưng thông báo này đã nằm trong dự đoán và UNESCO đã có sự chuẩn bị."
Ngày 22/7, Mỹ chính thức rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) với lý do việc tiếp tục tham gia không còn phục vụ lợi ích quốc gia của nước này.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce nói rõ UNESCO thúc đẩy các mục tiêu xã hội và văn hóa, đồng thời tập trung quá nhiều vào việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Vì thế, chương trình nghị sự của tổ chức này mang tính toàn cầu hóa và ý thức hệ cho sự phát triển quốc tế, đi ngược lại chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trước tiên” hiện nay của Washington.
Trước đó, trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã rút cường quốc số một thế giới khỏi UNESCO, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Sau đó, Tổng thống Joe Biden khi lên nắm quyền đã đảo ngược các quyết định trên, đưa Mỹ trở lại UNESCO, WHO và thỏa thuận khí hậu Paris. Tuy nhiên, với việc Tổng thống Trump quay trở lại nắm quyền nhiệm kỳ 2 từ tháng 1/2025, nước Mỹ lại một lần nữa rút khỏi các tổ chức toàn cầu.
Vị chủ nhân thứ 47 của nước Mỹ đã quyết định rút khỏi WHO và ngừng tài trợ cho cơ quan cứu trợ Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA). Các quyết định này nằm trong khuôn khổ xem xét lại vai trò của Mỹ trong các tổ chức của Liên hợp quốc, dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 8 tới.
Mỹ là thành viên của UNESCO ngay từ khi tổ chức này thành lập vào năm 1945 nhưng lần đầu rút khỏi vào năm 1984 do phản đối quản lý tài chính kém và thành kiến chống Mỹ.
Đến năm 2003 dưới thời Tổng thống George W. Bush, Mỹ tái gia nhập UNESCO sau khi tổ chức này tiến hành các cải cách cần thiết.
Mỹ hiện đóng góp khoảng 8% ngân sách của UNESCO, giảm so với mức gần 20% vào thời điểm Tổng thống Trump rút khỏi tổ chức này trong nhiệm kỳ đầu tiên./.
(Vietnam+)