Công nghệ ứng dụng AI hiện nay đang lan tỏa ở nhiều tầng lớp trong xã hội và hiện hữu trong hầu hết trong đời sống của con người. Trong hoạt động truyền hình, AI sẽ tối ưu hóa hoạt động, tăng hiệu suất và giảm nhân lực sản xuất một tác phẩm truyền hình.
Tuy nhiên thực tế cho thấy ở nhiều cơ quan báo chí, truyền hình cán bộ phóng viên có tình trạng ngại ứng dụng AI do tâm lý sợ bị thay thế. Họ nghĩ rằng, AI như một con người ảo, siêu đỉnh làm được tất cả mọi việc khiến mọi người bị đào thải. Những phóng viên trực tiếp sản xuất có ngại sử dụng AI vì sợ mình bị mất việc? Họ đã quá quen với cách làm cũ, thiết bị cũ khiến họ thiếu động lực đổi mới...?
Đài Truyền hình Việt Nam ra mắt Câu lạc bộ VTV AI. Ảnh: NVCC
Là một cơ quan báo chí có truyền thống và quy mô lớn, trong thời gian qua Đài Truyền hình Việt Nam đã có nhiều đổi mới sáng tạo, trí tuệ, tâm huyết với tầm nhìn chiến lược, nhưng cũng đang đứng trước một thách thức không nhỏ khi chuyển mình theo xu hướng công nghệ, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Chia sẻ với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, nhà báo Phùng Văn Hiệp - Bí thư Đoàn Thanh niên Đài Truyền hình Việt Nam cho biết: Tôi nghĩ trở ngại lớn nhất hiện nay không nằm ở công nghệ, mà là ở tâm lý ngại thay đổi và chưa thực sự tin tưởng vào hiệu quả thực tiễn của AI. Phần lớn các bạn phóng viên bạn trẻ đều tò mò, nhưng còn e dè hoặc chưa có cơ hội “chạm tay” vào AI trong công việc thực tế của mình. Một số bạn thì chưa rõ AI có thể giúp ích cụ thể thế nào hoặc sợ rằng việc dùng AI sẽ làm mất chất riêng, sự sáng tạo cá nhân vốn là bản sắc trong làm truyền hình.
Xác định ứng dụng AI trong truyền hình là xu thế tất yếu và cũng để khẳng định quyết tâm đổi mới tư duy, thực hiện tầm nhìn chiến lược, ngày 3/4 vừa qua, Đài Truyền hình Việt Nam ra mắt Câu lạc bộ VTV AI. Câu lạc bộ VTV AI được thành lập trên tinh thần chỉ đạo và định hướng từ lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam về việc gắn kết hoạt động Đoàn với công tác chuyên môn, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo.
Câu lạc bộ VTV AI đã quy tụ 834 thành viên đến từ các đơn vị trong Đài, với độ tuổi đa dạng từ 22 đến 55 tuổi, thể hiện sự lan tỏa mạnh mẽ của tinh thần đổi mới, học tập và thích ứng công nghệ trong toàn Đài.
Việc thành lập câu lạc bộ tạo ra sân chơi giúp cho các thành viên tham gia có thể đồng hành với các chuyên gia AI hàng đầu Việt Nam, qua đó có thể sử dụng thành thạo công nghệ AI cũng như nâng cao năng lực sử dụng công cụ số khi ứng dụng vào công việc.
Một chuyên gia về công nghệ chia sẻ quan điểm về sự phát triển và xu hướng ứng dụng AI trong ngành truyền hình. Ảnh: NVCC
Để AI thực sự trở thành một phần không thể thiếu với cán bộ phóng viên VTV, mỗi đoàn viên thanh niên ở Đài xác định cách vận hành CLB phải truyền được cảm hứng. Thành viên CLB tạo ra những mô hình ứng dụng AI cụ thể. Những cá nhân, tổ sản xuất sử dụng AI hiệu quả sẽ được giới thiệu, lan tỏa, đó là những câu chuyện như những “người truyền lửa”.
Câu lạc bộ VTV AI sẽ tổ chức các buổi “AI trong 15 phút” – tức là mỗi tuần chỉ 15 phút để chia sẻ một công cụ, một mẹo nhỏ áp dụng ngay vào việc viết lời bình, dựng clip, làm đồ họa,… Kết hợp “chơi mà học” để giảm áp lực. Không chỉ đào tạo nghiêm túc, CLB cũng sẽ tạo sân chơi thử thách sáng tạo cùng AI, tổ chức mini game,… để mọi người có cơ hội khám phá AI trong không khí thoải mái, vui vẻ.
Nhà báo Phùng Văn Hiệp chia sẻ: “Tôi được biết tới câu chuyện về BTV trên 50 tuổi ở một Đài địa phương tự tin sử dụng AI để làm clip ngắn đạt hơn 2 triệu view, đó là một minh chứng rõ ràng rằng AI không có giới hạn tuổi tác, chỉ có giới hạn về tư duy và tinh thần sẵn sàng học hỏi. Ví dụ đó nói lên rằng, AI không thay thế người làm truyền hình, mà giúp nâng tầm sự sáng tạo của người làm truyền hình. Khi có một cá nhân dám thử, dám làm, kết quả thành công sẽ tạo hiệu ứng domino, truyền cảm hứng tới rất nhiều người khác, đặc biệt là các bạn trẻ”.
Có thể khẳng định, hiện tại thì AI là công cụ, con người mới là trung tâm. Nếu chúng ta biết khai thác, kết nối và chia sẻ AI sẽ không chỉ là một công nghệ mới, mà sẽ trở thành “người bạn đồng hành”, "người trợ lý" đắc lực trong hành trình sáng tạo của người làm báo truyền hình.
Tại CLB VTV AI với nòng cốt là lực lượng đoàn viên thanh niên sẽ nỗ lực trở thành cầu nối để hành trình ứng dụng AI diễn ra tự nhiên, hiệu quả và lan tỏa bền vững. Tất cả vì mục đích hướng tới những sản phẩm truyền hình chất lượng, chuyên nghiệp phục vụ khán giả trong và ngoài nước.
Với Câu lạc bộ VTV AI, để có những hoạt động lan tỏa hiệu quả, VTV AI triển khai theo 3 hướng chính:
1. “Người thật - việc thật”: Tổ chức chuỗi talkshow nội bộ mang tên AI & Tôi (tần suất 1 tháng/lần), mời chính các BTV, PV, kỹ thuật viên trong Đài chia sẻ trải nghiệm sử dụng AI. Những người “bình thường” nhưng làm được điều phi thường nhờ AI luôn có sức thuyết phục mạnh nhất.
2. “Thử là mê”: CLB VTV AI sẽ tạo ra các mini project hoặc challenge như: “Dựng bản tin AI trong 60 phút”, “Viết script bằng AI – ai hay hơn?”, “AI Clip Remix Challenge”… để các phòng ban cùng thử sức, thi tài, và từ đó học được cái hay của nhau.
3. “AI Buddy – bạn đồng hành công việc”: CLB phân công thành viên Ban điều hành làm “người đồng hành AI” ở 12 lớp luyện Ai do InforRe tài trợ – nhằm hỗ trợ trực tiếp, chia sẻ công cụ, giúp đồng nghiệp giải quyết công việc nhanh hơn nhờ AI.
Lê Tâm