Ứng dụng AI sẽ thay đổi tích cực trong giảng dạy, quản lý ở trường mầm non

Ứng dụng AI sẽ thay đổi tích cực trong giảng dạy, quản lý ở trường mầm non
4 giờ trướcBài gốc
Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục mầm non, năm học 2025-2026, chương trình giáo dục mầm non mới sẽ được triển khai thí điểm với những yêu cầu cập nhật về nội dung, phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ. [1]
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cho trẻ em cũng đã được đề cập tại phần nhiệm vụ chung trong Công văn số 4868/BGDĐT-GDMN của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 29/8/2024 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non. [2]
Trước tình hình trên, các trường mầm non cần có những kế hoạch cụ thể, đặc biệt trong việc đào tạo đội ngũ giáo viên có thể ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.
Việc thí điểm mang cả thuận lợi và thách thức cho trường học
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thị Thảo - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) cho rằng, việc thí điểm công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đặc biệt có ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (công nghệ AI) của chương trình giáo dục mầm non mới phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện đại.
“Việc thí điểm đưa công nghệ AI vào chương trình giáo dục mầm non là một hướng đi mới mẻ và đầy tiềm năng. Công nghệ này không chỉ góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp giáo viên mầm non nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục, mà còn tạo cơ hội để trẻ nhỏ được tiếp cận với công nghệ từ sớm.
Đây là “bước đệm” quan trọng để hình thành tư duy sáng tạo, khả năng tương tác và khám phá ở trẻ, đồng thời giúp các em sẵn sàng thích nghi với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ trong tương lai” - cô Lê Thị Thảo chia sẻ.
Cô Lê Thị Thảo - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai). Ảnh: NVCC.
Theo cô Lê Thị Thảo, việc ứng dụng công nghệ AI trong giáo dục mầm non sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực tới cả giáo viên lẫn trẻ mầm non: “Công nghệ AI giúp tạo sự hứng thú cao cho trẻ trong các hoạt động học tập. Trong đó, khi giáo viên ứng dụng AI để tạo ra các nhân vật hoạt hình sinh động, hình ảnh hấp dẫn hoặc những câu chuyện được lồng tiếng một cách chuyên nghiệp, sẽ giúp trẻ khơi dậy sự tò mò, sáng tạo và nâng cao hiệu quả tiếp cận kiến thức ở lứa tuổi mầm non.
Bên cạnh đó, công nghệ này cũng hỗ trợ giáo viên trong việc thiết kế các kịch bản giáo dục một cách phong phú và sinh động hơn. Nhờ đó, giáo viên có thêm cơ hội thể hiện năng lực sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và mang lại trải nghiệm học tập hấp dẫn cho trẻ”.
Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn cũng cho biết, việc tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện trên địa bàn vừa qua đã chứng minh tiềm năng của công nghệ AI trong giáo dục mầm non. Trong đó, tại hội thi, nhiều giáo viên đã ứng dụng AI trong bài giảng và đề xuất các sáng kiến nhằm tối ưu hóa phương pháp giảng dạy. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy việc tích hợp công nghệ AI vào giáo dục mầm non không chỉ phù hợp với xu hướng, mà còn mang lại hiệu quả rõ rệt, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành giáo dục địa phương.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, cô Lê Thị Thanh Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) cho rằng, mặc dù việc thí điểm công nghệ thông tin, trong đó có công nghệ trí tuệ nhân tạo trong chương trình giáo dục mầm non có nhiều tiềm năng và mang lại những thuận lợi.
Theo cô Hương, nhà trường hiện có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai ứng dụng AI. Trong đó, hiện nay, cơ sở vật chất của trường đã được đầu tư bài bản. Cùng với đó, hệ thống Internet được phủ sóng toàn trường, tạo điều kiện kết nối tốt với các nguồn tài nguyên trực tuyến. Đặc biệt, đội ngũ giáo viên của trường đều có trình độ đào tạo đạt trên chuẩn, giúp việc tiếp cận và áp dụng các công nghệ mới như AI trở nên thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số thách thức đối với các trường mầm non. “Thách thức lớn nhất đối với các trường mầm non nói chung và nhà trường nói riêng là các khóa tập huấn về công nghệ AI thường được tổ chức trong thời gian ngắn, khiến giáo viên khó nắm bắt kiến thức một cách toàn diện.
Trong khi đó, phần lớn giáo viên mới chỉ nắm được những khái niệm cơ bản về lý thuyết, chưa có nhiều cơ hội thực hành. Đồng thời, việc thiếu các buổi hướng dẫn, đào tạo - nơi các chuyên gia có thể trực tiếp hướng dẫn ứng dụng AI vào từng bài giảng cụ thể, khiến giáo viên gặp nhiều khó khăn khi triển khai trong thực tế” - cô Hương chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, cô Lương Thị Ngọc Lan - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thái Sơn (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) cũng cho rằng, việc ứng dụng AI sẽ thay đổi tích cực trong cách tổ chức giảng dạy và quản lý ở trường mầm non.
Tuy nhiên, để áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào công tác giảng dạy và quản lý trường học một cách hiệu quả trên phạm vi rộng, cần có những kế hoạch cụ thể và những đầu tư kịp thời của các cấp quản lý. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ của nhà trường, giáo viên và phụ huynh, đặc biệt đối với những trường học vùng khó.
Cũng theo cô Lương Thị Ngọc Lan, hiện tại, mặc dù một số giáo viên nhà trường đã thực hiện và ứng dụng công nghệ AI trong giảng dạy, tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn của giáo viên về kỹ thuật sử dụng công nghệ mới để đạt hiệu quả tối ưu. Cùng với đó, do nằm tại địa phương vùng cao, nên nhà trường vẫn còn các điểm trường chưa có điện, tivi để sử dụng cho hoạt động giảng dạy và học tập. Vì vậy, việc thí điểm sử dụng công nghệ AI tại nhà trường vẫn còn nhiều thách thức.
Là một giáo viên đã được tập huấn về chương trình ứng dụng AI trong giáo dục mầm non, cô Bùi Thị Thúy - giáo viên Trường Mầm non huyện Quốc Oai (Hà Nội) đánh giá cao việc triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có công nghệ trí tuệ nhân tạo vào chương trình giáo dục mầm non ở một số địa phương trên cả nước từ năm học 2025-2026.
Theo cô Bùi Thị Thúy, sau khi đã được tham gia buổi tập huấn của Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai về việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo tại các trường mầm non, cô nhận thấy việc ứng dụng công nghệ mới này đã mở ra nhiều cơ hội mới cho giáo viên trong giảng dạy và chăm sóc trẻ.
“Việc áp dụng công nghệ thông tin cũng như công nghệ trí tuệ nhân tạo vào chương trình giáo dục mầm non không chỉ giúp đổi mới phương pháp giảng dạy, mà còn tạo ra môi trường học tập thú vị và hấp dẫn hơn cho trẻ. Công nghệ này cho phép giáo viên mầm non thiết kế các bài học sinh động, trực quan thông qua việc sử dụng các nhân vật hoạt hình, hình ảnh 3D và âm thanh sống động. Từ đó, những yếu tố này giúp trẻ hứng thú hơn với các hoạt động học tập, đồng thời, khơi dậy sự tò mò và sáng tạo của trẻ” - cô Thúy bày tỏ.
Chia sẻ về trải nghiệm thực tế trong việc sử dụng công nghệ AI trong giảng dạy, cô Thúy cũng cho hay: “Tôi rất bất ngờ với sự thông minh, tiện dụng của AI khi công nghệ này cho phép tôi làm được những điều tưởng chừng như khó khăn trước đây. Với sự hỗ trợ của các nền tảng AI như ChatGPT, Gemini, Chatbox,... tôi có thể dễ dàng tham khảo ý tưởng, xây dựng kịch bản và sáng tạo nội dung phù hợp với từng bài học. Trong đó, công nghệ này giúp tôi tạo ra những video đơn giản về thơ, truyện, hoặc sáng tác bài hát, thậm chí phổ nhạc cho các bài giảng một cách dễ dàng.
Bên cạnh đó, công nghệ mới này cũng không quá phức tạp để sử dụng. Do đó, giáo viên cần tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức về công nghệ mới, để nắm được cách sử dụng và ứng dụng AI hiệu quả vào công việc”.
Cần thêm những buổi tập huấn, hướng dẫn cụ thể cho nhà trường và giáo viên
Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) cũng cho biết, hiện nhà trường đã đầu tư hệ thống máy tính kết nối Internet để phục vụ cho công tác ứng dụng AI vào giảng dạy. Cùng với đó, nhà trường cũng tham mưu cho Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Quảng Trị tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng từ cán bộ quản lý đến giáo viên về việc ứng dụng AI vào quản lý và giảng dạy trong nhà trường.
Cô Lê Thị Thanh Hương cũng nhấn mạnh, để việc ứng dụng AI thực sự hiệu quả, cần có thêm những chương trình tập huấn chuyên sâu và thực hành thực tế nhằm hỗ trợ giáo viên làm quen và thành thạo hơn với công nghệ hiện đại này.
Cô Lê Thị Thanh Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị). Ảnh: NVCC.
Từ những khó khăn, thách thức trong thực tiễn triển khai, cô Lương Thị Ngọc Lan kỳ vọng rằng, trong thời gian tới, các cấp quản lý sẽ chú trọng hơn đến việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường mầm non, đặc biệt là những trang thiết bị thiết yếu như hệ thống điện, tivi và các thiết bị hỗ trợ giảng dạy hiện đại khác. Những điều này không chỉ giúp tạo điều kiện thuận lợi để triển khai ứng dụng công nghệ AI, mà còn nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tại địa phương vùng khó.
Cũng theo cô Bùi Thị Thúy, để việc ứng dụng AI vào giáo dục mầm non thực sự đạt hiệu quả và mang lại giá trị thiết thực, việc tổ chức các buổi đào tạo và tập huấn chuyên sâu từ các cấp quản lý là điều hết sức cần thiết. Những buổi đào tạo này không chỉ giúp giáo viên nắm được kiến thức cơ bản về công nghệ AI, mà còn cung cấp các phương pháp, kỹ năng thực tế để áp dụng vào giảng dạy một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc hướng dẫn chi tiết cách sử dụng các thiết bị hỗ trợ, đi kèm với việc cung cấp tài liệu hướng dẫn rõ ràng và dễ hiểu cũng cần chú trọng. Điều này giúp giáo viên không chỉ làm quen với công nghệ, mà còn tự tin khai thác tối đa những tiện ích mà AI mang lại. Sự đồng hành và hỗ trợ từ các cấp quản lý, kết hợp với tài liệu hướng dẫn phù hợp, sẽ là nền tảng quan trọng để các trường mầm non ứng dụng công nghệ AI một cách đồng bộ và hiệu quả, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.
Việc ứng dụng công nghệ AI giúp giáo viên gặp nhiều thuận lợi hơn trong giảng dạy. Ảnh minh họa: Mạnh Dũng.
Đồng tình với ý kiến trên, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) cho biết, hiện tại, địa phương chủ yếu chỉ có một số giáo viên cốt cán được đào tạo qua các phần mềm trực tuyến và các buổi tập huấn về ứng dụng công nghệ AI, nên việc ứng dụng AI trong giảng dạy chưa thể triển khai thí điểm trên toàn bộ các trường mầm non địa phương.
Vì vậy, để việc ứng dụng công nghệ AI trong giáo dục mầm non đạt hiệu quả cao hơn trong tương lai, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn có một số đề xuất, kiến nghị: “Cần tổ chức thêm nhiều buổi tập huấn và hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia trong ngành. Những hoạt động này không chỉ nhằm hướng dẫn, mà còn bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng và kiến thức cho giáo viên, giúp đội ngũ này khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ AI trong giảng dạy.
Ngoài ra, để việc ứng dụng này trở nên phổ biến và đồng bộ trong toàn bộ hệ thống giáo dục mầm non, cần có sự hỗ trợ nhiều hơn về cơ sở vật chất và hạ tầng đối với các trường mầm non.
Đặc biệt, đối với các điểm trường còn khó khăn, việc đầu tư nâng cấp mạng Internet và cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây sẽ là nền tảng quan trọng giúp các giáo viên tại những khu vực này tiếp cận công nghệ hiện đại, góp phần thúc đẩy việc đổi mới giáo dục một cách toàn diện và hiệu quả”.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-nghi-quyet-cua-quoc-hoi-ve-doi-moi-chuong-trinh-giao-duc-mam-non-7211
[2] https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-chuyen-nghiep/Pages/chi-tiet-van-ban-chi-dao-dieu-hanh.aspx?ItemID=3708
Mạnh Dũng
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/ung-dung-ai-se-thay-doi-tich-cuc-trong-giang-day-quan-ly-o-truong-mam-non-post248868.gd