Phát biểu đề dẫn, TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho biết, hội thảo góp phần định hướng thực hiện yêu cầu đổi mới dạy và học bậc đại học nói chung và các môn lý luận chính trị nói riêng. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo thực hiện theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước; trên cơ sở xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của xã hội và sự tiến bộ, phát triển của khoa học công nghệ, bảo đảm có tính kế thừa và tiếp thu được các giá trị hiện đại.
Đồng chí Tăng Hữu Phong (ngoài cùng bên phải), Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Nguyễn Thị Là (thứ hai từ phải sang), Chủ tịch Hội Đồng trường Tài Chính - Marketing Hồ Thủy Tiên tặng hoa cho Ban tổ chức
Công cụ hữu hiệu trong dạy và học các môn chính trị
Trong môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, giảng viên nêu câu hỏi: Làm rõ nội dung quá trình ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1911 đến năm 1920.
Yêu cầu cụ thể: Cần có hình ảnh, phim tư liệu để minh chứng cho các sự kiện trong giai đoạn 10 năm này.
Ngay lập tức, ChatGPT cung cấp những tư liệu khá phong phú và kèm theo là lời giải thích cho những sự kiện, hình ảnh: Hình ảnh con tàu Amiral Latouche Tréville - con tàu đưa người thanh niên 21 tuổi với tên gọi Văn Ba lênh đênh trên đại dương, bắt đầu hành trình gần 30 năm để tìm đường cứu nước; hình ảnh Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội lần thứ XVIII của Đảng xã hội Pháp năm 1920…
Đây là dẫn chứng cho việc ChatGPT có thể góp phần tăng sự tương tác và hứng thú cho sinh viên vào các bài giảng của giảng viên, do TS Đặng Thị Minh Phượng (Trường Đại học Công nghiệp TPHCM) phát biểu tham luận tại hội thảo.
Ngoài ra, ChatGPT có thể giúp giảng viên tóm tắt các nội dung chính của bài giảng, giải thích về các khái niệm của các môn học lý luận chính trị.
Quang cảnh hội thảo
Theo khảo sát của ThS Đỗ Thị Thanh Huyền (Trường Đại học Tài chính - Marketing), hiện nay tại nhà trường có 97,3% sinh viên biết đến hoặc đang sử dụng ChatGPT trong quá trình học tập; có 85,7% số giảng viên biết đến hoặc đang sử dụng ChatGPT trong nghiên cứu, giảng dạy.
Trong đó, 51,3% sinh viên khẳng định ChatGPT mang lại hiệu quả cao trong quá trình học tập các môn lý luận chính trị và 46,4% giảng viên cho biết việc sử dụng ChatGPT mang lại hiệu quả cho quá trình giảng dạy các môn lý luận chính trị.
Đặt ra nhiều thách thức
Theo PGS-TS Phạm Thị Kiên (Trường Đại học Kinh tế TPHCM), tuy ứng dụng ChatGPT trong giáo dục mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đồng thời đặt ra một số thách thức đáng lưu ý nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Khi sử dụng ChatGPT, người học có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin và trả lời các câu hỏi mà không cần đến sự hướng dẫn của giảng viên, điều này làm giảm cơ hội tương tác trực tiếp và làm mất đi tính kết nối. Ngoài ra, ChatGPT còn có những hạn chế về mặt dữ liệu.
PGS-TS Phạm Thị Kiên phát biểu tham luận
Đồng quan điểm, TS Phạm Văn Quốc (Trường Đại học Nguyễn Huệ) cho rằng, ChatGPT sẽ làm cho người học thụ động tiếp thu và dựa vào ChatGPT để tìm các luận điểm trả lời. Như vậy, sẽ phần nào làm lệch mục tiêu của giáo dục lý luận chính trị.
Tại hội thảo, ThS Huỳnh Thị Hồng Nương (Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang) chia sẻ: "ChatGPT và các công cụ tương tự không là công cụ thần kỳ. Các thế lực thù địch có thể lợi dụng để xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước mà bản thân người dùng không hề biết. Mỗi giảng viên ứng dụng ChatGPT cần hướng dẫn, định hướng đúng đắn cho sinh viên".
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
Từ những thuận lợi và thách thức trên, các đại biểu tham dự hội thảo đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy các môn lý luận chính trị ứng dụng ChatGPT như: đội ngũ giảng viên cần không ngừng trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin thường xuyên và có phương pháp dạy mang sức hút cho người tiếp thu; định hướng cho học viên sử dụng ChatGPT đúng đắn. Đối với học sinh, sinh viên, cần có lập trường chính trị vững vàng; biết nhận diện và đấu tranh với các thế lực thù địch trên không gian mạng...
THU HOÀI