Ứng dụng công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị đục thủy tinh thể

Ứng dụng công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị đục thủy tinh thể
7 giờ trướcBài gốc
Bác sĩ Bệnh viện Mắt đo công suất kính và chụp góc tiền phòng cho người bệnh -Ảnh: M.T
Ông Nguyễn Thân Thiết, ở TP. Đông Hà, có tiền sử bệnh lý tim mạch. Chính vì thế, mặc dù được khuyến nghị phẫu thuật sớm để cải thiện thị lực, ông luôn lo lắng về các biến chứng có thể xảy ra. Một vấn đề khác khiến ông Thiết băn khoăn, dẫn đến trì hoãn việc phẫu thuật đó là sợ sau phẫu thuật, mắt mình sẽ hoàn toàn không thấy đường. Đến khi hai mắt chỉ còn thị lực 2/10, ông Thiết mới đến Bệnh viện Mắt để điều trị.
Tại đây, ông được các bác sĩ bệnh viện thăm khám tận tình, đưa ra tư vấn để ông yên tâm phẫu thuật. Theo các bác sĩ, nếu trì hoãn phẫu thuật quá lâu, ca phẫu thuật sẽ trở nên phức tạp hơn và nguy cơ biến chứng sẽ tăng cao. Ngày 13/4/2025, ông Thiết được chỉ định phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco. Đây là kỹ thuật hiện đại và an toàn, sử dụng sóng siêu âm để làm nhuyễn và loại bỏ thủy tinh thể bị đục qua một đường mổ nhỏ. Sau đó, bác sĩ thay thế bằng thể thủy tinh nhân kéo dài tiêu điểm (EDOF).
Nhờ loại thể thủy tinh này, bệnh nhân có thể nhìn rõ ở nhiều khoảng cách - từ xa, trung bình đến gần - mà không cần đeo kính và hạn chế tình trạng lóa mắt khi lái xe vào buổi chiều tối. “Ca phẫu thuật diễn ra thành công. 10 ngày sau, tôi tiếp tục bước vào ca phẫu thuật tiếp theo đối với con mắt còn lại. Thật vui mừng khi thị lực hiện tại của tôi đạt 10/10”, ông Thiết cho biết.
Thành công từ ca phẫu thuật mang lại đã giúp ông Thiết tự tin, vui vẻ hơn trong cuộc sống. Ông đã mang niềm vui, sự tin tưởng vào tay nghề của các bác sĩ ở Bệnh viện Mắt chia sẻ với bạn bè, người thân gặp vấn đề về mắt để họ sớm có kế hoạch thăm khám, điều trị chứ không nên trì hoãn quá lâu như ông.
Theo Giám đốc Bệnh viện Mắt Bùi Thị Vân Anh, đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Vì vậy, phẫu thuật đục thủy tinh thể là phẫu thuật được thực hiện thường xuyên nhất ở các nước phát triển. Nguyên nhân phổ biến gây đục thủy tinh thể là do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.
Một số khác đến từ các rối loạn bẩm sinh, do tai nạn, chấn thương hoặc biến chứng bệnh lý khác. Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố dẫn đến đục thủy tinh thể như: chế độ ăn uống thiếu vitamin và khoáng chất; lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá; thường xuyên tiếp xúc với môi trường khói bụi, ô nhiễm, khí thải độc; thường xuyên stress, căng thẳng...
Trong những thập kỷ qua, những tiến bộ trong kỹ thuật phẫu thuật đục thủy tinh thể và sự phát triển công nghệ mới đã giúp cải thiện sự an toàn, hài lòng của bệnh nhân, dẫn đến kỳ vọng cao về kết quả khúc xạ. Theo độ chính xác của phép đo sinh trắc học, tính toán công suất thấu kính nội nhãn (IOL) là một bước quan trọng để đạt được khúc xạ mục tiêu. Trong những năm gần đây, việc chuyển đổi từ sinh trắc học dựa trên siêu âm sang sinh trắc học quang học đã được thực hiện để mang lại kết quả có khả năng ứng dụng cao, sai số thấp.
Bên cạnh đó, tỉ lệ góc đóng cao ở bệnh nhân châu Á nói chung và bệnh nhân tại Quảng Trị nói riêng là một trong những yếu tố làm cho tiên lượng thị lực sau mổ của phẫu thuật đục thủy tinh thể ở nhóm bệnh nhân này không cao, do nguy cơ diễn tiến thành bệnh glôcôm góc đóng, gây tổn thương thị thần kinh, phù giác mạc.
Chính vì vậy việc khảo sát bệnh nhân trước mổ để đánh giá nguy cơ và có một phương tiện tính toán công suất thủy tinh thể nội nhãn là rất cần thiết. Trước đây, việc đo đạc này thường sử dụng hai hệ thống máy khác nhau, bệnh nhân phải di chuyển giữa các phòng kỹ thuật, nhiều trường hợp bệnh nhân đặc biệt không khảo sát được.
“Từ năm 2024, Bệnh viện Mắt Quảng Trị đã ứng dụng máy Anterion-HEIDENBERG (Đức) trong khảo sát đặc điểm góc tiền phòng cũng như đo công suất thủy tinh thể nhân tạo, giúp tối ưu hóa kết quả phẫu thuật. Công nghệ OCT đã được sử dụng thành công để đánh giá bán phần trước, cung cấp một số ứng dụng có liên quan đến lâm sàng.
Khả năng của máy cho phép chụp ảnh không tiếp xúc, hình ảnh chi tiết và phân tích các cấu trúc bán phần trước của bệnh nhân trên một thiết bị. Các cấu trúc này bao gồm giác mạc, tiền phòng, mống mắt và thủy tinh thể. Mô-đun bán phần trước dựa trên OCT miền quang phổ và nguồn sáng 880 nm, cho phép chụp ảnh có độ phân giải trục cao của các cấu trúc bán phần trước”, bác sĩ Vân Anh cho biết.
ANTERION là thiết bị OCT nguồn quét với nguồn sáng 1.300 nm, cho phép thu được hình ảnh bán phần trước có độ tương phản cao dọc theo độ sâu hình ảnh lớn. Công nghệ OCT nguồn quét kết hợp với nguồn sáng có bước sóng dài hơn cũng có thể đóng vai trò là công cụ để đo chiều dài trục của bệnh nhân.
Các cấu trúc và thông số nêu trên được sử dụng trong nhãn khoa để đo bản đồ giác mạc, chụp cắt lớp giác mạc, phân tích bán phần trước, phép đo sinh trắc học và tính toán công suất thấu kính nội nhãn, cũng như nhiều ứng dụng lâm sàng khác.
Việc sử dụng hệ thống đo hiện đại tại bệnh viện Mắt Quảng Trị đã hỗ trợ bác sĩ tối đa trong chẩn đoán, tiên lượng trước phẫu thuật và xây dựng phác đồ điều trị cá nhân cho bệnh nhân. Chỉ tính riêng năm 2024, Bệnh viện Mắt đã chẩn đoán, điều trị cho 2.834 bệnh nhân bị đục thủy tinh thể.
Minh Thảo
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/ung-dung-cong-nghe-cao-trong-chan-doan-va-dieu-tri-duc-thuy-tinh-the-193700.htm