Tiến độ nhiều dự án giao thông trọng điểm bị ảnh hưởng bởi thiếu vật liệu.
Nghị quyết 57 mở lối cho giải pháp công nghệ mới
Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, nhiều dự án giao thông trọng điểm, bao gồm cả các cao tốc trục ngang và trục dọc đang triển khai vẫn còn thiếu gần 10,5 triệu m3 cát. Mặc dù các đơn vị đã huy động tối đa các nguồn để cung ứng theo chỉ tiêu được giao, tuy nhiên công suất khai thác chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu.
Tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi-măng, sắt thép và vật liệu xây dựng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lưu ý, tăng tỷ lệ lựa chọn phương án sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép với các dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như Đồng bằng sông Cửu Long.
Thậm chí, khi phương án cát biển đang được tính đến, rủi ro cao thì mô hình mà Thủ tướng lưu ý giải quyết được những khó khăn trên do chủ động được nguồn vật liệu.
Cùng với đó, Nghị quyết 57-NQ/TW vừa được ban hành đã đề cập đến sự phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam.
Những giải pháp và định hướng chiến lược được xác định trong Nghị quyết sẽ thúc đẩy tăng trưởng bền vững và đưa khoa học công nghệ trở thành động lực then chốt của quốc gia trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, với yêu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Dựa trên những hạn chế về nguồn cung vật liệu xây dựng từ thực tế, cùng tầm nhìn của Đảng, Nhà nước trong việc hướng đến những công nghệ mới để chủ động trong xây dựng đường cao tốc, Tiến sĩ Trần Bá Việt, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng cơ sở hạ tầng là một việc cấp bách, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại.
Nhiều khó khăn trong phương pháp xây dựng truyền thống như giải phóng mặt bằng tốn kém, thời gian san lấp, thi công dài...
Trao đổi về phương án xây dựng cầu cạn mà Thủ tướng lưu ý, PGS, TS Nguyễn Lan, Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ Bách khoa Đà Nẵng, đánh giá: “Giải pháp này giúp giải quyết vấn đề không gian mặt đất, phát triển dạng đô thị hiện đại, đồng thời có thể đối phó với địa hình khó khăn và thời tiết bất lợi”.
Chính vì vậy, lưu ý của Thủ tướng là hết sức kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu, trong đó nổi lên là thiếu cát như hiện nay, không chỉ mang đến sự linh hoạt trong thiết kế các cung đường cao tốc mà còn giúp nâng cao hiệu quả công trình và bảo vệ môi trường bền vững.
Để tháo gỡ khó khăn nguồn vật liệu cát đắp cao tốc, hoặc nhiều dạng công trình có tính chất đặc thù địa chất, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng,…việc tăng tỷ lệ lựa chọn khi áp dụng phương án cầu cạn bê tông cốt thép sẽ giúp khắc phục nhiều khó khăn hiện tại.
Ứng dụng và đánh giá hiệu quả từ thực tiễn
Tại khu phi thuế quan Xuân Cầu - Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng đã triển khai xây dựng thử nghiệm cao tốc cầu cạn 2 tầng bằng công nghệ cầu bản trên cọc bê tông cường độ cao PRC.
Kết quả kiểm định công trình thử nghiệm cao tốc cầu cạn 2 tầng bằng công nghệ cầu bản trên cọc PRC V+ tại khu phi thuế quan Xuân Cầu - Lạch Huyện được Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), Công ty TNHH tư vấn và xây dựng Đại học Giao thông vận tải kiểm định, đánh giá.
Cao tốc cầu cạn 2 tầng bằng công nghệ cầu bản trên cọc bê tông cường độ cao.
Công trình đường bộ, cầu cạn tại cảng Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng được thử tải 51 tấn, độ võng là 0.75 so với tiêu chuẩn là 9.6, bằng 1/13 cho thấy công trình có sức bền cao.
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình thông tin: “Với nhiều mức độ thử nghiệm, mô hình thí điểm tại khu vực khu công nghiệp được triển khai vì dạng đường lưu thông phải chịu tải từ xe siêu trường, siêu trọng. Đây là dạng khó nhất vì vậy việc xây dựng đáp ứng được yêu cầu ở đây sẽ áp dụng được ở những công trình mà địa chất khó khăn khác”.
Theo tính toán của Viện Kinh tế xây dựng, suất đầu tư 1m2 cao tốc cầu cạn khi áp dụng biện pháp công nghệ thi công mới như đơn vị thí điểm đề xuất khoảng 12-13 triệu đồng/m2. Trong khi 1m2 cao tốc cầu cạn xây dựng theo công nghệ cũ hiện nay từ 30-39 triệu đồng/m2.
Thường trực Chính phủ đã giao bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư sử dụng giải pháp cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc trên cơ sở nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với từng dự án, đoạn tuyến cụ thể, bảo đảm hiệu quả cao nhất và bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh nhiều công trình, dự án trọng điểm cần thực hiện đúng tiến độ, phương án xây dựng cầu cạn cao tốc có thể hỗ trợ giải quyết các thách thức từ địa hình thấp, nền đất yếu, thiếu cát xây dựng, ngập vì sụt lún, không cản trở thoát lũ và đáp ứng các yêu cầu về đánh giá tác động môi trường…
TRUNG HIẾU
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/ung-dung-cong-nghe-khac-phuc-kho-khan-trong-xay-dung-ha-tang-post856643.html