Ứng dụng công nghệ mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư

Ứng dụng công nghệ mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư
10 giờ trướcBài gốc
Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, phát biểu.
Hội nghị diễn ra 1 phiên toàn thể và 24 phiên chuyên đề với 161 báo cáo khoa học. Các đại biểu, chuyên gia tập trung thảo luận, trao đổi về tiến bộ mới nhất trong chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa ung thư như: Ứng dụng công nghệ mới trong chẩn đoán, phát hiện sớm ung thư; phương pháp điều trị tiên tiến (phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và liệu pháp miễn dịch); hướng dẫn điều trị cá thể hóa và chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân; đẩy mạnh hợp tác và nâng cao hiệu quả phòng, chống ung thư trong cộng đồng.
Hội nghị cũng cập nhật các xu hướng điều trị hiện đại như: Liệu pháp miễn dịch, điều trị nhắm trúng đích, thuốc sinh học tương tự, hóa xạ trị đồng thời, cá thể hóa phác đồ, điều trị đa mô thức… Nhiều báo cáo khoa học đáng chú ý do chuyên gia từ các bệnh viện ung bướu với dữ liệu lâm sàng thực tế trong điều trị ung thư vú, phổi, đại trực tràng, gan, cổ tử cung, đầu cổ, đường tiết niệu, tuyến giáp...
Ngoài ra, các báo cáo viên cũng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm điều trị các ca bệnh hiếm, cập nhật hướng dẫn mới trong tiêm ngừa, kiểm soát độc tính, nâng cao chất lượng sống và chăm sóc toàn diện cho người bệnh ung thư.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi nhấn mạnh, sự kiện này là cơ hội để Bệnh viện Ung bướu, ngành Y tế thành phố tiếp cận, học tập và thúc đẩy phát triển khoa học, kỹ thuật nhằm phát triển năng lực chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, mang lại sức khỏe, hạnh phúc cho cộng đồng. Những năm qua, Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong phòng, chống ung thư, từ việc nâng cao nhận thức cộng đồng, triển khai chương trình sàng lọc, chẩn đoán sớm, đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và đào tạo nguồn nhân lực.
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng phát biểu.
Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng Nguyễn Thanh Hùng cho hay, hiện nay, điều trị ung thư đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, đặc biệt là với phương pháp điều trị đa mô thức và điều này cần có sự phối hợp, thống nhất của rất nhiều chuyên ngành y học. Trong những năm qua, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng đã ứng dụng thành công nhiều phương pháp chẩn đoán, điều trị mới, hiện đại; bước đầu đáp ứng được nhu cầu của nhân dân thành phố, khu vực miền Trung trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao.
Theo thống kê của Tổ chức ghi nhận ung thư quốc tế (Globocan 2022), tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Mỗi năm tại Việt Nam ghi nhận gần 180.500 ca mắc mới, hơn 120.000 bệnh nhân tử vong vì căn bệnh này. Với tổng dân số gần 100 triệu dân, ước tính cứ 100.000 người Việt Nam thì có 180 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 120 người tử vong do ung thư. Tổ chức Y tế thế giới dự báo đến năm 2040, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam tăng khoảng 59,4%, số ca tử vong do ung thư tăng khoảng 70,3%.
GS. BS Nguyễn Chấn Hùng,Chủ tịch danh dự hội Ung thư Việt Nam, phát biểu.
Mặc dù tỷ suất mắc mới của Việt Nam không nằm trong nhóm cao nhất thế giới, nhưng tỷ lệ tử vong vẫn ở mức đáng lo ngại, phản ánh thực trạng nhiều bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn, làm giảm hiệu quả điều trị.
Theo số liệu từ điều tra toàn quốc về gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam cho thấy 74,3% gánh nặng bệnh tật là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó ung thư là một trong 10 nguyên nhân bệnh tật hàng đầu.
Triển lãm trưng bày sản phẩm y tế bên lề hội nghị.
Tin, ảnh: Võ Văn Dũng (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/y-te/ung-dung-cong-nghe-moi-trong-chan-doan-va-dieu-tri-ung-thu-20250425142207436.htm