Nhiều mô hình, cách làm hiệu quả
Sau 2 năm thực hiện, đầu năm 2024, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Hoàn làm chủ nhiệm đã hoàn thành đề tài “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ và biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Đề tài khoa học này đã xác định được chủng loại và sự lưu hành của vi-rút gây bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Từ đó hướng dẫn nhiều hộ chăn nuôi tại huyện Hiệp Hòa, thị xã Việt Yên xây dựng mô hình nuôi bò an toàn dịch bệnh. Hộ ông Nguyễn Văn Hoan, tổ dân phố Rãnh, phường Tự Lạn (thị xã Việt Yên) là một trong số các hộ tham gia mô hình.
Hộ ông Nguyễn Văn Hoan duy trì mô hình chăm sóc bò an toàn dịch bệnh.
Mỗi năm, gia đình ông Hoan nuôi hơn 50 con bò 3B. Những năm trước, một số con bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục nên phát triển kém, gây thiệt hại về kinh tế. Từ năm 2022, nhờ áp dụng các giải pháp do nhóm nghiên cứu hướng dẫn, đàn vật nuôi không mắc bệnh, phát triển khỏe mạnh.
Ông Hoan chia sẻ: “Chúng tôi quan tâm tiêu độc khử trùng chuồng trại trước khi thả vật nuôi và định kỳ 2 lần/tuần trong quá trình nuôi. Trường hợp có dịch bùng phát ở vùng lân cận thì mỗi ngày phun khử trùng một lần; tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh. Đàn bò được ăn rơm, cỏ, bã đậu, vỏ đậu tương ủ lên men và bổ sung chế phẩm sinh học giúp tăng sức đề kháng".
Được biết, thời gian nuôi mỗi lứa gần 6 tháng; khi xuất chuồng, mỗi con nặng khoảng 400 kg, giá bán trung bình gần 30 triệu đồng/con. Từ nuôi bò, gia đình ông Hoan có doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm. Hiện nhiều hộ khác ở các huyện Lạng Giang, Lục Ngạn và thị xã Việt Yên cũng được chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò.
Cây vù hương là loài quý hiếm, gỗ và tinh dầu cho giá trị kinh tế cao. Những năm trước, số lượng loài không còn nhiều, chủ yếu phát triển tự nhiên ở Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (Sơn Động). Để khôi phục, phát huy giá trị của cây vù hương, tỉnh Bắc Giang đã quan tâm phối hợp với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và một số đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng mô hình trồng loại cây này trên địa bàn huyện Lục Ngạn nhằm chuyển giao nguồn giống tốt, các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có hơn 150 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cơ sở trên các lĩnh vực; trong đó 60 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, có ứng dụng công nghệ sinh học. Phần lớn các dự án được công nhận hiệu quả áp dụng và nhân rộng trong thực tiễn; giúp giải quyết những hạn chế trong nông nghiệp như năng suất kém, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường...
Đến nay, Bắc Giang đã có 0,5 ha vườn ươm bằng hạt và bằng hom tại xã Tân Lập (Lục Ngạn) với hàng nghìn cây giống chất lượng và có 5 ha rừng trồng thâm canh vù hương ở cùng địa điểm. Hơn 90% cây sinh trưởng khỏe mạnh, cao gần 5 m, được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Mới đây, nhiều hộ dân trong và ngoài huyện đã quan tâm nhân giống, trồng vù hương cho giá trị kinh tế cao, chống xói mòn, góp phần bảo vệ môi trường.
Đây là hai trong số hàng trăm mô hình, giải pháp hiệu quả liên quan đến nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp. Theo Sở Khoa học và Công nghệ, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có hơn 150 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cơ sở trên các lĩnh vực; trong đó 60 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, có ứng dụng công nghệ sinh học. Phần lớn các dự án được công nhận hiệu quả, nhân rộng trong thực tiễn, giúp tăng năng suất, phòng ngừa dịch bệnh, khắc phục ô nhiễm môi trường...
Ví dụ như các mô hình: Sử dụng chế phẩm MF1 xây dựng mô hình rừng trồng thông Caribê; sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng phương pháp cấy mô; ứng dụng giải pháp kỹ thuật quản lý hiện tượng vàng lá cây cam tại huyện Lục Ngạn; cải tạo và phát triển đàn dê lai Bore tại Lục Ngạn, Yên Thế thông qua hoàn thiện quy trình kỹ thuật phân ly giới tính; sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rơm rạ, phòng trừ dịch hại…
Đẩy mạnh ứng dụng
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp ngày càng có nhiều bước tiến nổi bật. Đạt được điều này là nhờ tỉnh Bắc Giang đã chủ động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.
Sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô tại huyện Yên Thế. Ảnh: Nguyễn Hưởng.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ và các địa phương, đơn vị liên quan đã tham mưu, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp. Quan điểm xuyên suốt là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học phải khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tuy nhiên, một số mô hình quy mô nhỏ, khó nhân rộng; một số dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp không thành công, quá thời hạn.
Để nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, thời gian tới, các sở, ngành tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, doanh nghiệp, người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Thường xuyên tập huấn, chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân.
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh, ngành Nông nghiệp tiếp tục bám sát mục tiêu chung là phát triển công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, tuần hoàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn; xây dựng và mở rộng các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo quản, chế biến nông sản nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm; nghiên cứu thử nghiệm, chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc tính ưu việt, chống chịu sâu, bệnh, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục tăng cường hợp tác trong và ngoài nước để tiếp cận, học hỏi, chuyển giao, làm chủ các kết quả nghiên cứu về công nghệ sinh học có giá trị trong sản xuất. Chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về lĩnh vực này để đề xuất tài trợ, hỗ trợ. Quan tâm tập huấn về công nghệ sinh học cho cán bộ và người dân trên địa bàn; đào tạo nguồn nhân lực tham gia hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Đồng thời kịp thời khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu; nhân rộng các cách làm hay, hiệu quả; nghiêm khắc xử lý vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất.
Bài, ảnh: Mạc Yến