Ứng dụng công nghệ số vào ghi chép nhật ký sản xuất

Ứng dụng công nghệ số vào ghi chép nhật ký sản xuất
13 giờ trướcBài gốc
Truy xuất nguồn gốc nông sản dễ dàng
Thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích các HTX, nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào các công đoạn sản xuất. Trong đó, ứng dụng nhật ký sản xuất điện tử giúp các HTX, nông dân ghi lại quá trình sản xuất, phục vụ truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Tại HTX Long Hội (xã An Lục long, huyện Châu Thành), ứng dụng nhật ký điện tử và các giải pháp chuyển đổi số (CĐS) trong canh tác thanh long bước đầu giúp HTX có thể chủ động theo dõi, kiểm tra, đánh giá hiệu quả sản xuất.
Giám đốc HTX Long Hội - Trương Minh Trung cho biết: “Các thành viên đều ghi chép quá trình sản xuất bằng sổ nhật ký điện tử rõ ràng, nhờ đó tạo được niềm tin với khách hàng.
Đồng thời, các thành viên cũng được tập huấn thường xuyên về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm đạt các tiêu chuẩn an toàn, được khách hàng ngày càng tin tưởng và đón nhận”.
Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là thực hiện tốt ghi chép nhật ký sản xuất điện tử giúp truy xuất nguồn gốc và hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ của HTX trở nên dễ dàng hơn.
Được biết, từ năm 2020, HTX đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ thanh long sạch, bền vững, ổn định với Công ty TNHH Một thành viên The Fruit Republic Cần Thơ. Nhờ đó, các thành viên của HTX sản xuất có lợi nhuận vì được bao tiêu với giá ổn định khoảng 30.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ và khoảng 18.000 đồng/kg đối với thanh long ruột trắng.
Vườn bưởi của bà Mai Thị Kim Phượng (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) được Phòng Kinh tế TP.Tân An cấp mã số vùng trồng và hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc
Bà Mai Thị Kim Phượng (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng bưởi. Vườn bưởi của bà Phượng có diện tích hơn 0,6ha, trung bình mỗi năm thu hoạch khoảng 9 tấn trái. Thời gian qua, bà chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; trong đó, ghi chép nhật ký sản xuất điện tử được xem là một trong những giải pháp quan trọng. Hiện vườn bưởi của gia đình bà được Phòng Kinh tế TP.Tân An cấp mã số vùng trồng và hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc.
“Vườn bưởi của gia đình tôi đã hơn 7 năm tuổi và cho thu hoạch quanh năm, lợi nhuận trung bình khoảng 120 triệu đồng/năm. Vườn được quy hoạch, đầu tư bài bản như lên mô cao; có hệ thống tưới nước, tưới phân bón tự động; sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học; ghi chép nhật ký sản xuất điện tử;... Nhờ áp dụng công nghệ mà gia đình tôi đỡ vất vả hơn trong sản xuất” - bà Phượng chia sẻ.
Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh, việc truy xuất nguồn gốc và cấp mã số vùng trồng được ngành Nông nghiệp tỉnh quan tâm thực hiện. Đối với các HTX, tổ hợp tác và những hộ nông dân trồng các loại cây, nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh, Trung tâm thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật đến hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, hướng dẫn quy trình sản xuất và thu thập các dữ liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Truy xuất nguồn gốc tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm; đồng thời, góp phần ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại. Mặt khác, truy xuất nguồn gốc còn là “tấm giấy thông hành”, là điều kiện bắt buộc để nông sản có thể xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp
Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa) mạnh dạn mua các phần mềm để áp dụng vào quá trình quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã
Để duy trì và nâng cao chất lượng các loại nông sản, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh từng bước đẩy mạnh CĐS và chuẩn hóa chất lượng vùng trồng thông qua ghi chép nhật ký sản xuất điện tử, xây dựng mã số vùng trồng, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc,...
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh - Nguyễn Quốc Cường, CĐS trong sản xuất nông nghiệp đang là xu thế và hướng đi tất yếu. Do đó, HTX rất quan tâm và đẩy mạnh thực hiện công tác này. Dẫu vậy, khi bắt tay vào CĐS, HTX đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, khó khăn lớn nhất là việc chuyển đổi sổ sách, nhật ký canh tác từ viết tay sang các phần mềm quản lý.
Để khắc phục khó khăn này, HTX tạo điều kiện cho kế toán, thủ quỹ và các thành viên tham gia các lớp tập huấn về ứng dụng phần mềm trong quản lý, bán hàng, kế toán, nhật ký sản xuất,... Đặc biệt, HTX mạnh dạn đăng ký mua các phần mềm để áp dụng vào quá trình quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh. HTX cũng yêu cầu các nhà cung ứng phần mềm cam kết nếu trong quá trình sử dụng mà nhân viên gặp khó khăn thì phải hỗ trợ.
Nhật ký sản xuất của một thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh trên phần mềm quản lý sản xuất của hợp tác xã
“HTX được ngành Nông nghiệp tỉnh hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc có mã QR và dán mã này lên từng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm của người tiêu dùng. Chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có kết nối Internet, người tiêu dùng có thể quét mã QR để kiểm tra đầy đủ thông tin nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, công đoạn chế biến, phân phối, trọng lượng sản phẩm,...” - ông Nguyễn Quốc Cường cho biết.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, ứng dụng nhật ký sản xuất điện tử trong sản xuất nông nghiệp giúp HTX, nông dân ghi nhận vật tư đã sử dụng, các chi phí sản xuất, số lượng nhân công,… làm căn cứ để tính giá thành sản phẩm; đồng thời, hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước thanh, kiểm tra trực tiếp các hoạt động cũng như đánh giá chất lượng sản phẩm của HTX, nông dân theo các quy chuẩn mà HTX, nông dân đã đăng ký.
“Để thúc đẩy liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ và xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh CĐS trong sản xuất các loại cây trồng; ứng dụng công nghệ thông tin vào giám sát các quy trình từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản đến truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, Sở tìm cơ chế hỗ trợ HTX, nông dân tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh” - bà Đinh Thị Phương Khanh thông tin.
CĐS đã và đang làm thay đổi nhận thức của HTX, nông dân trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để CĐS đạt hiệu quả cao hơn nữa, các HTX và hộ sản xuất cần xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể về CĐS và xác định những nền tảng cần có theo đặc thù sản xuất của đơn vị. Cùng với đó, các ngành chức năng cũng cần quan tâm, hỗ trợ HTX, nông dân đầu tư trang thiết bị, kết cấu hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm quản lý tốt hơn đầu vào - đầu ra, giảm chi phí sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm./.
Bùi Tùng
Nguồn Long An : https://baolongan.vn/ung-dung-cong-nghe-so-vao-ghi-chep-nhat-ky-san-xuat-a185651.html