Ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương

Ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương
6 giờ trướcBài gốc
Quảng bá di tích lịch sử bằng công nghệ AI
Bắc Từ Liêm là vùng đất gắn liền với nhiều di tích lịch sử, văn hóa quan trọng của Thủ đô. Trên địa bàn quận hiện có 135 di tích, trong đó 63 di tích được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa (gồm 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 48 di tích cấp quốc gia, 14 di tích cấp Thành phố). Bên cạnh đó, quận có 35 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 3 lễ hội đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 29 lễ hội truyền thống, 26 di tích cách mạng kháng chiến và nhiều làng nghề truyền thống.
Bằng sự sáng tạo, thanh niên quận đã có nhiều cách làm độc đáo góp phần quảng bá văn hóa địa phương, Thành phố đến bạn bè trong nước và quốc tế, tiêu biểu như công trình “Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số tuyên truyền, quảng bá các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử - văn hóa”.
Tuổi trẻ Bắc Từ Liêm đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về văn hóa, lịch sử Thủ đô.
Hiện nay, Quận đoàn Bắc Từ Liêm đã triển khai công trình số hóa tại 8 địa điểm di tích. Trong đó có di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt đình Chèm (phường Thụy Phương) - một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam và di tích lịch sử văn hóa Quốc gia - di tích cách mạng kháng chiến tiêu biểu đình Đăm (phường Tây Tựu). Đây là hai điểm đến có giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt, tiêu biểu trong quảng bá du lịch quận Bắc Từ Liêm.
Được biết, tất cả thông tin về các di tích lịch sử này này được thanh niên quận Bắc Từ Liêm “số hóa”. Công trình “Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số tuyên truyền, quảng bá các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử - văn hóa” của tuổi trẻ quận Bắc Từ Liêm được ví như một cuốn cẩm nang du lịch số rất tiện lợi và hữu ích. Qua ứng dụng vừa giúp giảm chi phí giới thiệu, quảng bá vừa bảo đảm tra cứu, tìm hiểu nhanh chóng, dễ dàng, đầy đủ.
Mã QR được thiết kế để tuyên truyền về di tích lịch sử Đình Chèm.
Bí thư Quận đoàn Bắc Từ Liêm Nguyễn Đức Ngọc cho biết, tại các di tích lịch sử - văn hóa, địa chỉ đỏ, trong đó có đình Chèm, điểm mã QR được thiết kế, xây dựng dưới dạng pano, biển bảng giới thiệu ngoài ra các mã QR còn được tuyên truyền sâu rộng trên các kênh thông tin, internet; mạng xã hội.
Khi đi vào sử dụng, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), lời thoại sẽ được thực hiện tự động (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) giới thiệu về di tích, hình ảnh 360 độ, video quay toàn cảnh, cận cảnh các di tích lịch sử. Đặc biệt ứng dụng công nghệ quan sát thực tế ảo, du khách sẽ có cảm giác như đang trải nghiệm thực tế, dễ dàng tìm hiểu thông tin, tra cứu dựa vào tính năng chỉ đường.
Công trình phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sức sáng tạo của tuổi trẻ trong tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử của quê hương và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch. Qua ứng dụng này có thể cung cấp thông tin, hình ảnh, tài liệu về di tích, địa danh lịch sử của quận Bắc Từ Liêm đến du khách trong và ngoài Thủ đô một cách nhanh chóng, sinh động, hiệu quả.
Quét mã QR hiểu thêm về lịch sử
Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để quảng bá di tích, lịch sử trên địa bàn, hưởng ứng phong trào “Tôi yêu Hà Nội”, mới đây, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quận Bắc Từ Liêm đã triển khai công trình thanh niên “Số hóa thông tin 70 tuyến đường bằng mã QR”. Tại những địa điểm tên đường có gắn mã QR, người dân có nhu cầu tìm hiểu, sau khi quét mã qua điện thoại thông minh có kết nối mạng sẽ được cung cấp thông tin về danh nhân đặt tên đường, cũng như các thông số, hình ảnh về lộ giới.
70 tuyến phố tại quận Bắc Từ Liêm đã được số hóa bằng mã QR.
Cùng với việc cung cấp thông tin cho người dân trên địa bàn quận, việc số hóa tên đường góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ có thể tiếp cận với thông tin danh nhân lịch sử cần tìm hiểu, tạo động lực hứng khởi, tìm tòi cho đoàn viên, thanh niên.
Từ khi biển tên tuyến phố Võ Quý Huân gắn mã QR đã thu hút sự chú ý, tò mò của các em học sinh, đoàn viên Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai mỗi ngày đến trường khi đi qua tuyến phố này.
Đứng trước biển tên tuyến phố Võ Quý Huân, em Mai Phương (Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai) hào hứng chia sẻ: “Hằng ngày đi học qua các tuyến đường này, có rất nhiều tên đường là các nhân vật lịch sử, có những tên đường rất lạ đối với chúng em. Việc đưa tên đường gắn mã QR sẽ rất tiện lợi cho chúng em muốn tìm hiểu về nhân vật đó. Đi đến đường nào, quét mã để tìm hiểu nhân vật đó cũng là một công việc khá thú vị, giúp ích cho việc học, giúp chúng em thêm yêu quận Bắc Từ Liêm, yêu Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến”.
Đoàn viên thanh niên quận Bắc Từ Liêm check in tại tuyến đường Võ Quý Huân đã được số hóa thông tin.
Tương tự, em Nguyễn Văn Quang (học sinh Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai) chia sẻ: “Nhờ quét mã QR, em mới biết được thông tin về kỹ sư Võ Quý Huân - người được nhắc tới như là cha đẻ của lò cao kháng chiến, chuyên gia hàng đầu trong ngành đúc luyện kim và công nghiệp Việt Nam - một trong bốn vị trí thức theo Bác Hồ từ Pháp trở về phụng sự đất nước năm 1946”. Cũng theo em Quang, việc đưa tên đường gắn mã QR rất tiện lợi cho thế hệ trẻ muốn tìm hiểu về nhân vật lịch sử. Đây là một trải nghiệm khá thú vị, giúp ích cho việc học tập, giúp thế hệ trẻ thêm yêu địa phương, thành phố mình sinh sống.
Tương tự, nhiều người đến quận Bắc Từ Liêm tò mò khi thấy ngay dưới biển tên nhiều tuyến phố như phố Lưu Cơ, phố Văn Tiến Dũng, phố Phạm Văn Đồng, phố Đặng Thùy Trâm… có một biển phụ với thông tin kèm mã QR.
Chị Phan Thị Thanh (ở phố Văn Tiến Dũng, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, gia đình chuyển về đây sinh sống đã lâu nhưng chị không biết thông tin về tên gọi của tuyến phố. Qua quét mã QR, chị cũng như người dân nơi đây có thêm kiến thức, hiểu biết về nơi mình sinh sống.
Trẻ em hào hứng “check in” tại tuyến đường đã được số hóa thông tin.
Theo Quận đoàn Bắc Từ Liêm, việc số hóa tên đường không đơn thuần là phục vụ cho việc tìm hiểu thông tin về các nhân vật lịch sử, mà còn cung cấp nhiều thông tin hữu ích khác, nhất là hỗ trợ đắc lực cho du lịch tại địa phương, trong đó có việc tích hợp các thông tin về địa điểm ăn uống, điểm du lịch..., từ đó giúp du khách đến với quận Bắc Từ Liêm dễ dàng tra cứu thông tin để phục vụ nhu cầu của mình.
Mô hình này sẽ tiếp tục được Đoàn Thanh niên quận phát triển, hoàn thiện qua đó, từng bước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng.
Lê Thắm
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/ung-dung-cong-nghe-thong-tin-de-quang-ba-van-hoa-lich-su-dia-phuong-179523.html