Học sinh Trường Chuyên Thăng Long hào hứng tham gia trải nghiệm lớp học thông minh. Ảnh: D.Thương
Cùng với các môn học khác, việc đưa Nội dung GDĐP vào các trường học, cấp học được đánh giá có ý nghĩa và tầm quan trọng góp phần nâng cao hiểu biết về lịch sử, văn hóa, văn học dân gian; giáo dục những giá trị sống tốt đẹp của quê hương, đất nước cho học sinh; đồng thời, tăng cường khả năng lồng ghép, tích hợp kiến thức của giáo viên.
Năm 2018, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) được ban hành dựa trên sự kế thừa các chương trình GDPT trước đó nhưng đặc biệt gắn với Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT: “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GDPT; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”. Vì thế, trong Chương trình GDPT 2018, GDĐP là nội dung bắt buộc và được giảng dạy độc lập, xuyên suốt từ khối lớp 6 đến khối lớp 12 với thời lượng 35 tiết/năm, nội dung được hướng đến là lịch sử, văn hóa, văn học, kinh tế, xã hội... của chính địa phương triển khai giảng dạy.
Ở Lâm Đồng, từ khi Chương trình GDPT 2018 được ban hành, tỉnh đã triển khai các nội dung thuộc Chương trình nghiêm túc, đúng chủ trương và định hướng, nhất là Nội dung GDĐP. Tỉnh ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định “Phát triển nguồn nhân lực, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực công nghệ thông tin để triển khai hiệu quả chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nền kinh tế số...” là một trong bốn khâu đột phá. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 25/7/2022 về đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Dựa trên các nội dung được hướng dẫn, tài liệu GDĐP tại Lâm Đồng từ khối lớp 6 đến lớp 12 bám sát để tạo nên hệ thống các vấn đề phù hợp với từng khối lớp, cụ thể như khối lớp 10 bao gồm 5 chủ đề: Lịch sử; Văn hóa; Văn học; Kinh tế; Môi trường gắn với địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đến năm học 2024 - 2025, tài liệu GDĐP khối lớp 6, 7, 8, 10, 11 đã được in và phát hành giảng dạy tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Riêng tài liệu khối lớp 9 và 12 mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, Sở Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành các thủ tục in ấn, nên các trường học tại Lâm Đồng đang giảng dạy Nội dung GDĐP bằng file PDF. Đồng thời, với việc phát hành tài liệu GDĐP, hàng năm đều có hướng dẫn, tập huấn sử dụng tài liệu GDĐP; hướng dẫn dạy học Nội dung GDĐP theo từng lớp và triển khai giảng dạy tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Kết quả khảo sát “Thực trạng dạy học Nội dung GDĐP khối lớp 10 ở các trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” được tổng hợp và đánh giá theo 6 nhóm vấn đề lớn gồm: Nội dung GDĐP, phương pháp và hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; có thể khẳng định Nội dung GDĐP hấp dẫn (với 9,2% đánh giá rất hấp dẫn, 83,6% đánh giá hấp dẫn), giúp học sinh hiểu biết về nơi mình sinh sống, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương. Đội ngũ giáo viên giảng dạy Nội dung GDĐP tại các trường THPT có sự phân bổ khác nhau về số lượng, chuyên môn và tiêu chí phân công. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức dạy học Nội dung GDĐP được chú trọng, đem lại hiệu quả, sức hấp dẫn cho bài giảng, giúp học sinh nắm bắt kiến thức dễ hơn và cũng hấp dẫn hơn; sử dụng các mô hình học kết hợp giữa lớp học truyền thống với các lớp học trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí.
Các trường đã triển khai kế hoạch giảng dạy Nội dung GDĐP cho giáo viên phù hợp tình hình thực tế từng trường; yêu cầu giáo viên chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức dạy và học Nội dung GDĐP; cán bộ quản lý và giáo viên đã có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của Nội dung GDĐP cho học sinh trong quá trình giáo dục toàn diện, nên đã có một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng giảng dạy nội dung GDĐP cho học sinh. Học sinh khối lớp 10 ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã có nhận thức đúng đắn về vai trò Nội dung GDĐP, đa số học sinh hiểu được Nội dung GDĐP là rất quan trọng góp phần giúp HS hiểu về lịch sử, văn hóa và văn học của địa phương, đất nước.
Tuy nhiên, so với yêu cầu, lĩnh vực giáo dục và đào tạo của tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các vùng; cơ sở vật chất trường học còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ cấu đội ngũ giáo viên một số địa phương chưa hợp lý, chất lượng giảng dạy chưa cao...
Để nâng cao hiệu quả giảng dạy Nội dung GDĐP cho học sinh ở các trường THPT, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Đưa một số công nghệ thử nghiệm vào tạo thành trang web tích hợp nội dung bài học bằng video giới thiệu văn hóa, file MP3 hỗ trợ nội dung văn học, tour thực tế ảo tái hiện các địa danh lịch sử, hệ thống câu hỏi trắc nghiệm; chú trọng cải thiện cơ sở vật chất, bao gồm việc cung cấp đủ thiết bị điện tử như: máy tính, máy chiếu và mạng internet ổn định hoặc tốc độ cao, các phòng học thông minh, phòng máy tính,... để tạo ra môi trường học tập số hiện đại. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức các cuộc khảo sát, tọa đàm, hội thảo nhằm đánh giá chất lượng dạy học Nội dung GDĐP, đồng thời tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ từ các cơ quan, ban, ngành liên quan gắn với lĩnh vực văn hóa, lịch sử, văn học trong dạy và học Nội dung GDĐP...
VŨ THỊ THÚY NGÀ