Bolt - ứng dụng gọi xe công nghệ có thị phần lớn ở châu Âu và châu Phi, đang chạy quảng cáo tuyển dụng tài xế trên các nền tảng mạng xã hội tại Việt Nam. Điều này cho thấy có thể Bolt sẽ bước chân vào Việt Nam trong thời gian tới.
Hiện người dùng Việt Nam đã có thể tải ứng dụng Bolt trên cửa hàng App Store và Google Play cũng như đăng ký khách hàng thông qua số điện thoại. Tuy nhiên, chưa thể đăng nhập để sử dụng dịch vụ.
Tại Đông Nam Á, Bolt đã ra mắt dịch vụ ở Malaysia vào tháng 11 năm ngoái. Họ tuyên bố sẽ “phá vỡ sự thống trị của Grab” tại đây. Hiện tại, xét cả thị phần và quy mô, Grab đang là tên tuổi lớn dẫn đầu ngành gọi xe công nghệ không chỉ tại Malaysia.
Nếu kế hoạch mở rộng thành công, Malaysia sẽ trở thành thị trường thứ hai của Bolt tại Đông Nam Á, sau Thái Lan.
Dịch vụ xe 4 bánh của Bolt. (Ảnh: Bolt).
Theo báo cáo của Mordor Intelligence, Bolt hiện là nền tảng có thị phần lớn thứ hai trong thị trường gọi xe tại Thái Lan, với hoạt động tại 7 thành phố. Công ty đang dần làm giảm sự thống trị của Grab tại thị trường này.
Tại Thái Lan, Bolt cung cấp dịch vụ gọi xe bằng ô tô, xe máy và taxi. Tuy nhiên, ở Malaysia, các quy định không cho phép triển khai dịch vụ gọi xe hai bánh.
Trong phân khúc xe 4 bánh, thị trường Malaysia hiện do các tên tuổi lớn như Grab và MyCar chiếm ưu thế. Bolt sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ nhiều đối thủ khác như AirAsia Ride, EzCab, Maxim và inDrive.
Bolt được Markus Villig thành lập vào năm 2013 khi anh này 19 tuổi. Công ty cho biết đã phục vụ hơn 150 triệu khách hàng tại 45 quốc gia. Các thị trường khác của Bolt tại châu Á bao gồm Saudi Arabia, Iraq, Lebanon và Nepal.
Bolt cũng đang mở rộng sang các khu vực mới trên thế giới. Gần đây, công ty đã thâm nhập thị trường Ai Cập với dịch vụ tại Cairo, sau khi ra mắt tại Botswana và Zimbabwe.
Khó vượt qua Grab
Thời gian qua, dù có nhiều công ty mới tham gia vào lĩnh vực gọi xe, phần lớn đều gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động lâu dài. Một nhà đầu tư trao đổi với Tech in Asia cho biết, nhiều công ty trong số này “không đủ tiềm lực tài chính hoặc hệ sinh thái” để thực sự cạnh tranh với Grab.
Grab từng có lợi thế lớn nhờ khả năng chi mạnh cho các chương trình khuyến mãi để giành thị phần, vào thời điểm sử dụng smartphone bùng nổ.
Tuy nhiên, giai đoạn đó đã qua. Khi tỷ lệ sử dụng smartphone đạt ngưỡng bão hòa và nguồn vốn đầu tư mạo hiểm giảm sút trong những năm gần đây, các công ty mới khó có thể áp dụng chiến lược giống Grab.
Dù vậy, vẫn có cơ hội nếu họ tìm được hướng đi khác biệt, tập trung vào những phân khúc cụ thể.
Tài xế giao hàng Grab tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Huy).
Chẳng hạn, một ứng dụng gọi xe có tên InDrive đã áp dụng mô hình đấu giá. Hành khách và tài xế có thể tự thỏa thuận giá trước chuyến đi, thay vì chỉ chấp nhận mức giá do thuật toán đưa ra. Một ứng dụng khác là Kummute cũng đi theo hướng riêng, tập trung cung cấp dịch vụ kết nối quãng đường ngắn giữa các ga tàu liên tỉnh và các khu dân cư trong nước.
Một chiến lược khác dành cho các đối thủ mới của Grab được các chuyên gia chỉ ra là tích hợp dịch vụ gọi xe vào một hệ sinh thái lớn hơn.
AirAsia Ride, thuộc tập đoàn hàng không Capital A, đã tận dụng mạng lưới sẵn có để cung cấp dịch vụ gọi xe một cách tiện lợi. Ví dụ, hành khách từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Chiang Mai (Thái Lan) có thể đặt trước xe để được đón ngay khi hạ cánh, tránh phải chờ đợi xếp hàng tại sân bay.
Ứng dụng gọi xe này cũng nằm trong hệ sinh thái của hãng hàng không giá rẻ. Vì vậy, hành khách có thể tích lũy điểm thưởng AirAsia khi đặt chuyến. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các công ty như AirAsia Ride phụ thuộc nhiều vào sự thành công của hệ sinh thái chung.
Hiện tại, AirAsia Ride là ứng dụng gọi xe phổ biến thứ hai tại Malaysia. Nhưng công ty chưa thể mở rộng thêm thị phần do quá phụ thuộc vào ngành du lịch.
Giờ đây, ngoài những cái tên kể trên, Bolt đang thu hút sự quan tâm trên thị trường. Các nhà phân tích nói rằng đang chờ xem chiến lược của hãng thế nào để giành thị phần từ tay Grab. Hãng có thể duy trì trợ giá cho hành khách trong bao lâu và có triển khai thêm các dịch vụ như giao đồ ăn hay không. Nếu làm được, Bolt có thể xây dựng một hệ sinh thái lớn hơn tại các thị trường mà họ hiện diện.
Tuy nhiên, dù có được hệ sinh thái vững chắc, song khả năng đánh bại Grab của những người chơi mới cũng khó khăn gấp nhiều lần, đặc biệt thị trường đã ở giai đoạn bão hòa. Câu chuyện của Gojek ở Việt Nam là một ví dụ.
Dù đã xây dựng được nền tảng tương tự Grab, song Gojek trong nhiều năm liền không thể vươn lên chiếm vị trí số 1 của Grab tại đây và cuối cùng phải rời thị trường vào tháng 9 năm ngoái.
Không chỉ Gojek, những cái tên như Baemin hay Uber cũng đều ngã gục tại Việt Nam. Riêng Grab vẫn đứng vững trong những năm qua.
Có thể thấy, hiện tại, các đối thủ của Grab dường như còn một chặng đường dài trước khi có thể được xem là mối đe dọa thực sự. Có lẽ trong tương lai, Bolt hoặc các đối thủ khác có thể tạo ra thách thức đáng kể đối với thị phần gọi xe của Grab nếu áp dụng một trong những chiến lược đã được đề cập ở trên. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Grab vẫn giữ vị trí vững chắc, gần như không thể bị lung lay.
Đức Huy