Những năm qua, để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, huyện Lạc Thủy tích cực chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất và đổi mới, sáng tạo phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Công ty cổ phần đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Trường Thịnh, xã Thống Nhất (Lạc Thủy) ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào trồng dưa lưới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của Công ty cổ phần đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Trường Thịnh tại xã Thống Nhất là một trong những mô hình nông nghiệp ứng dụng hiệu quả tiến bộ KHCN vào sản xuất khép kín, đem lại hiệu quả kinh tế với năng suất, chất lượng vượt trội so với sản xuất nông nghiệp thông thường. Trên mỗi quả dưa trước khi thu hoạch, cán bộ kỹ thuật kiểm tra chất lượng, độ ngọt, sau đó dán tem truy xuất nguồn gốc với mã QRcode. Hiện tại, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình.
Thời gian qua, UBND huyện Lạc Thủy đã chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KHCN, các sáng kiến, giải pháp, đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Giai đoạn 2021 - 2024, huyện hỗ trợ 13 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh (năm 2021 có 3 sản phẩm, năm 2022 có 4 sản phẩm, năm 2023 có 4 sản phẩm, năm 2024 có 2 sản phẩm). Phối hợp Sở KHCN tổ chức 1 lớp tập huấn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc tỉnh cho 50 hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Từ năm 2021 đến nay, để hỗ trợ cho phát triển và ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, kinh doanh, UBND huyện đã triển khai hỗ trợ thực hiện các mô hình KHCN như: Cải tạo đàn dê địa phương bằng giống dê lai Boer trên địa bàn huyện, tổng số tiền trên 4,5 tỷ đồng (nguồn đầu tư của huyện trên 425 triệu đồng, vốn đối ứng của nhân dân trên 4 tỷ đồng); trồng thử nghiệm cây quế trên địa bàn huyện, tổng kinh phí gần 1,2 tỷ đồng (vốn sự nghiệp KHCN trên 300 triệu đồng, vốn nhân dân đóng góp trên 877 triệu đồng). Ngoài ra, hàng năm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai các mô hình thử nghiệm, trình diễn lúa, ngô giống mới với kinh phí khoảng 200 triệu đồng... Từ các mô hình cho thấy, việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp đã khẳng định được ưu thế vượt trội và yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giá trị của sản phẩm. Đồng thời, nâng cao kỹ thuật canh tác và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Các mô hình chuyển giao tiến bộ KHCN được triển khai, nhân rộng cũng đã, đang góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ 15 - 20% so với diện tích sản xuất nông nghiệp truyền thống.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Vân, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy cho biết: Thời gian tới, để nhân rộng hơn nữa các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ KHCN, huyện chỉ đạo các địa phương tiếp tục tuyên truyền người dân thay đổi tập quán canh tác, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Phối hợp các doanh nghiệp tổ chức, nghiên cứu và chuyển giao, ứng dụng KHCN vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ, đẩy mạnh các hình thức sản xuất theo chuỗi, theo hướng liên kết giữa các tổ chức và nông dân để nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của KHCN trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tăng cường ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN và đổi mới, sáng tạo phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh nghiên cứu KHCN trong các doanh nghiệp, hợp tác xã gắn với nhu cầu thị trường.
Đinh Thắng