Ứng dụng nhắn tin bằng Bluetooth: Không internet, không SIM, không sever

Ứng dụng nhắn tin bằng Bluetooth: Không internet, không SIM, không sever
7 giờ trướcBài gốc
Được phát triển chỉ trong vòng một tuần như một "dự án cá nhân", Bitchat đang tạo nên làn sóng mới trong lĩnh vực công nghệ truyền thông an toàn và chống kiểm duyệt, lĩnh vực mà ông Dorsey từ lâu đã thể hiện mối quan tâm sâu sắc. Phiên bản beta của ứng dụng hiện đã có mặt trên TestFlight, với hướng dẫn được công khai trên trang GitHub.
Jack Dorsey, đồng sáng lập Twitter (nay là X) - Ảnh: Internet
Nhắn tin không cần mạng
Không giống các ứng dụng nhắn tin phổ biến như WhatsApp hay Messenger vốn dựa vào máy chủ trung tâm và yêu cầu danh tính như số điện thoại, Bitchat hoạt động dựa trên mạng Bluetooth Low Energy (BLE) dạng mesh. Nghĩa là, khi các thiết bị ở gần nhau, chúng sẽ tự tạo thành một cụm và truyền tin nhắn từ thiết bị này sang thiết bị khác, như cách các nút trung gian truyền từ người này sang người kia.
Về cơ bản, Bitchat biến điện thoại thành điểm phát sóng tạm thời, giúp tin nhắn "nhảy" qua các thiết bị, vượt khỏi giới hạn phạm vi Bluetooth truyền thống (thường chỉ khoảng 100m), mở rộng đến 300m hoặc hơn, tùy thuộc vào mật độ thiết bị và điều kiện thực tế.
Đặc biệt, Bitchat không yêu cầu bất kỳ hình thức đăng ký nào. Không tài khoản, không email, không thu thập dữ liệu. Các cuộc trò chuyện được mã hóa đầu cuối, mặc định tự xóa và chỉ tồn tại trên thiết bị của người dùng. Một hệ thống nhắn tin hoàn toàn ẩn danh, không để lại dấu vết.
Ông Dorsey mô tả Bitchat là một "thử nghiệm cá nhân" với nhiều yếu tố công nghệ như lưới Bluetooth, mô hình relay, lưu trữ tạm thời, mã hóa tin nhắn và giao tiếp phi máy chủ. Nhưng về bản chất, Bitchat phản ánh rõ triết lý công nghệ mà ông theo đuổi như phi tập trung, riêng tư, chống kiểm duyệt và do người dùng kiểm soát.
Dorsey giới thiệu ứng dụng Bitchat trên X
Ứng dụng này được thiết kế cho các tình huống nơi internet không khả dụng hoặc bị chặn, ví dụ như mất điện, thiên tai hoặc các khu vực bị kiểm soát nghiêm ngặt. Dorsey từng nhiều lần nhấn mạnh rằng quyền được giao tiếp là quyền cơ bản, và bất kỳ ai cũng nên có khả năng kết nối mà không bị giám sát hay can thiệp từ bên thứ 3.
Theo CNBC, Bitchat làm liên tưởng đến Bridgefy, một ứng dụng dựa vào Bluetooth từng được sử dụng rộng rãi trong các cuộc biểu tình tại Hồng Kông năm 2019, nơi những người dùng sử dụng công nghệ mesh để giao tiếp mà không cần internet. Trùng hợp thay, Bridgefy lại từng được đầu tư bởi Biz Stone, một trong những đồng sáng lập khác của Twitter.
Hệ sinh thái giao tiếp mới
Ngoài nhắn tin riêng tư giữa hai thiết bị gần nhau, Bitchat còn hỗ trợ phòng trò chuyện nhóm (chatroom), có thể đặt tên bằng hashtag và bảo vệ bằng mật khẩu. Điều này giúp các nhóm người từ bạn bè đến tổ chức cộng đồng, có thể thiết lập kênh liên lạc tạm thời mà không sợ rò rỉ dữ liệu.
Đặc biệt, ứng dụng còn hỗ trợ tính năng store-and-forward, cho phép người dùng gửi tin nhắn đến người đang tạm thời ngoại tuyến. Tin nhắn sẽ được giữ lại và chuyển tiếp khi thiết bị nhận quay lại trong phạm vi kết nối. Đây là giải pháp thực tế giúp Bitchat vượt qua giới hạn tức thời của các mạng Bluetooth thông thường.
Trong tương lai, Bitchat dự kiến sẽ được tích hợp thêm wifi Direct, công nghệ cho phép hai thiết bị giao tiếp trực tiếp qua wifi mà không cần điểm truy cập, để mở rộng tầm hoạt động và tăng tốc độ truyền tải. Ông Dorsey cho biết mục tiêu là tạo ra một hệ sinh thái giao tiếp “ngoài lưới” (off-grid) hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của người dùng.
Phản ứng của người dùng
Ngay sau khi thông báo bản beta, Bitchat đã nhanh chóng thu hút được lượng lớn người quan tâm. Chỉ trong vài ngày, ứng dụng đã chạm ngưỡng 10.000 người dùng thử nghiệm qua TestFlight - ứng dụng trực tuyến để cài đặt và thử nghiệm các ứng dụng di động qua mạng, hiện thuộc sở hữu của Apple. Nhiều người dùng và nhà phát triển đã bắt đầu mổ xẻ sách trắng của ứng dụng trên GitHub để nghiên cứu kiến trúc và khả năng ứng dụng thực tế.
Ảnh chụp màn hình các tính năng của Bitchat được hiển thị trong phiên bản 1.0 - Ảnh: Cointelegraph
Mặc dù Dorsey từng rút khỏi dự án Bluesky, nền tảng mạng xã hội phi tập trung mà ông khởi động khi còn là CEO Twitter (nay là X), nhưng tinh thần phi tập trung vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các dự án của ông từ hỗ trợ giao thức Nostr, đầu tư vào Bitcoin đến phát triển các giải pháp truyền thông độc lập như Bitchat.
Trong một thế giới ngày càng phụ thuộc vào các nền tảng công nghệ lớn, nơi mà dữ liệu cá nhân là tài nguyên quý hơn vàng, sự xuất hiện của Bitchat là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng quyền kiểm soát thông tin cá nhân không nên bị trao hoàn toàn cho Big Tech.
BitChat không chỉ dành cho những người quan tâm đến công nghệ phi tập trung hay quyền riêng tư kỹ thuật số. Nó có thể trở thành công cụ sống còn trong các tình huống khẩn cấp, khi mạng di động sập do thiên tai, khi internet bị hạn chế, hoặc đơn giản là trong môi trường quá đông người như lễ hội âm nhạc, sân vận động, nơi tín hiệu thường chập chờn.
Hoàng Vũ
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/ung-dung-nhan-tin-bang-bluetooth-khong-internet-khong-sim-khong-sever-234650.html