Ứng dụng robot tích hợp AI vào nhà máy thủy điện

Ứng dụng robot tích hợp AI vào nhà máy thủy điện
4 giờ trướcBài gốc
Không còn là xu hướng tương lai, trí tuệ nhân tạo (AI) đang hiện diện ngày càng sâu rộng trong mọi lĩnh vực.
Theo lãnh đạo Công ty Thủy điện Sơn La, việc ứng dụng robot tích hợp AI nhằm mục đích tự động hóa một phần công việc có tính lặp đi lặp lại, giúp phát hiện những vấn đề khó quan sát bằng mắt thường, đồng thời giám sát các vị trí có yếu tố rủi ro cao.
Ứng dụng cũng dần hướng tới mục tiêu thử nghiệm điều khiển, giám sát từ xa, giảm số lượng người trực, nâng cao năng suất lao động và tối ưu chi phí sản xuất... Đặc biệt, nhờ có "nhân viên" robot này, các nhân viên nhà máy không còn phải di chuyển, làm việc tại khu vực nguy hiểm như nơi có bình áp lực cao, thiết bị cao áp...
Robot giám sát thiết bị tại Công ty Thủy điện Sơn La - Ảnh: EVN
Bên cạnh robot giám sát thiết bị, cuối năm 2024, sản phẩm "Số hóa và phân tích dữ liệu đặc tính tua-bin thủy lực Francis, phục vụ công tác quản lý vận hành nhà máy thủy điện" của nhóm tác giả thuộc Công ty Thủy điện Sơn La đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công nhận là 1 trong 10 sản phẩm "Make by EVN". Sản phẩm sử dụng phần mềm mã nguồn mở Engauge và các thuật toán AI, giúp cải thiện độ chính xác trong vận hành nhà máy thủy điện, tối ưu hóa nguồn nước và công suất phát.
Sản phẩm đã áp dụng thành công tại các nhà máy Thủy điện Sơn La, Lai Châu và đào tạo chuyển giao cho Thủy điện Quảng Trị. Do Công ty Thủy điện Sơn La hoàn toàn làm chủ mã nguồn nên sản phẩm còn có khả năng mở rộng, phát triển thêm và thương mại hóa sản phẩm.
AI cũng đang được Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) ứng dụng để quản lý giám sát, vận hành "trục xương sống của hệ thống điện". Trong đó, "Hệ thống quản lý đường dây truyền tải điện ứng dụng AI" do Công ty Truyền tải điện 2 thực hiện cũng là một sản phẩm "Make by EVN" năm 2024. Công tác bay tự động kiểm tra lưới điện truyền tải giúp tối ưu hóa khối lượng kiểm tra trong mỗi đợt bay, hạn chế sai sót và giảm được thời gian, mức độ yêu cầu đào tạo cho lực lượng công nhân.
Ngoài ra, hệ thống AI còn hỗ trợ cho việc tự động biên tập, sắp xếp dữ liệu, tự động kiểm tra hình ảnh và phát hiện bất thường của thiết bị. Tới nay, hệ thống AI vẫn đang được các đơn vị trong EVNNPT tiếp tục "huấn luyện" để không ngừng nâng cao hiệu quả công việc.
Trong công tác kinh doanh - dịch vụ điện, công nghệ AI đã được các tổng công ty điện lực sử dụng triệt để, giúp nâng cao hiệu quả chăm sóc khách hàng. Đó là các "trợ lý ảo", chatbot AI phục vụ, tiếp nhận yêu cầu, cung cấp thông tin. "Nhân viên AI" tại Trung tâm Chăm sóc khách hàng có khả năng phục vụ đồng thời cùng lúc nhiều khách hàng với chất lượng đồng đều theo quy trình, làm việc 24/24h, từ đó nâng cao hiệu quả phục vụ khách hàng sử dụng điện trên không gian mạng.
AI đang ngày càng phổ biến và hiện hữu trong hầu hết các mặt hoạt động của ngành điện. Đơn cử, với những cuộc họp theo hình thức trực tuyến, việc tổng hợp thông tin cuộc họp được nhân viên thực hiện bằng cách đánh máy và tổng hợp thủ công. Công đoạn này cũng tiêu tốn không ít thời gian và có thể sai sót. Do đó, Công ty Công nghệ thông tin - Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã triển khai giải pháp nâng cao công tác giám sát sao lưu hệ thống phần mềm.
Nhờ ứng dụng AI, chỉ cần vài phút để hoàn thành công việc tổng hợp, phân tích nội dung cuộc họp. AI cũng giúp giảm thiểu sai sót, cải thiện quy trình làm việc, cung cấp thông tin kịp thời và chính xác để hỗ trợ việc ra quyết định và theo dõi tiến độ công việc sau cuộc họp...
Tuyết Nhung
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/ung-dung-robot-tich-hop-ai-vao-nha-may-thuy-dien-232575.html