Bác sĩ thực hiện kỹ thuật gạn tách tế bào gốc cho bệnh nhân trước khi ghép. Ảnh: BV Bạch Mai.
TS.BS Trịnh Như Thùy - Giám đốc Ngân hàng mô (Bệnh viện Quốc tế DNA) chia sẻ: Tế bào gốc có hai đặc điểm quan trọng là khả năng tự làm mới, tăng sinh và khả năng biệt hóa. Tế bào gốc liên tục phân chia để tạo ra các bản sao chính xác của chúng. Trong khi các tế bào bình thường cũng có thể nhân lên và phân chia nhưng lại có tuổi thọ hạn chế hơn. Với khả năng biệt hóa, tế bào gốc có thể biến đổi thành các loại tế bào chuyên biệt, chẳng hạn như tế bào máu, da, cơ, xương… Tế bào gốc là một lĩnh vực đầy tiềm năng với nhiều ứng dụng quan trọng trong y học, từ điều trị các bệnh huyết học đến tái tạo mô và thử nghiệm thuốc. Mặc dù đã có nhiều thành tựu trong việc sử dụng tế bào gốc trong lâm sàng, nhiều nghiên cứu vẫn đang tiếp tục để khai thác tối đa tiềm năng của tế bào gốc trong điều trị nhiều bệnh lý khác. Sự phát triển của công nghệ tế bào gốc ngày nay không chỉ mở ra cơ hội mới cho y học mà còn mang lại hy vọng cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
TS.BS Nguyễn Tuấn Tùng - Giám đốc Trung tâm Huyết học và truyền máu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị triệt để nhất, cơ hội duy nhất giúp bệnh nhân máu ác tính cũng như lành tính có thể khỏi bệnh. Bệnh viện Bạch Mai hiện đã làm chủ được phương pháp ghép tế bào gốc điều trị một số bệnh huyết học. Hiện, bệnh viện đã ghép tế bào gốc cho hơn 120 bệnh nhân với tỷ lệ thành công cao. Nhiều bệnh nhân sau khi điều trị đã có sức khỏe bình thường.
Được biết, cả nước đang có hơn 10 bệnh viện có thể ghép tế bào gốc với hơn 1.000 bệnh nhân đã được ghép.
Trước những tiềm năng to lớn của công nghệ tế bào gốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định: Công nghệ tế bào gốc là một lĩnh vực tiên phong trong y học tái tạo và y học cá thể hóa. Đây là công nghệ có khả năng khai thác tối ưu nguồn tài nguyên tế bào gốc từ cơ thể, tạo ra những giải pháp điều trị mới cho các bệnh lý mà hiện tại chưa có phương pháp điều trị hiệu quả, đặc biệt là các bệnh lý thoái hóa, ung thư, và các tổn thương nghiêm trọng. Ứng dụng tế bào gốc đã mở ra những hướng điều trị mới và mang tính cách mạng trong y học, đặc biệt trong các lĩnh vực như tái tạo mô, xương, sụn, và thần kinh.
Ông Thuấn cũng đưa ra một số định hướng để chuyên ngành này có thể phát triển vững chắc ở Việt Nam: Công nghệ tế bào gốc đòi hỏi cơ sở vật chất tiên tiến và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe như GMP, cGMP. Do đó, Bộ Y tế khuyến khích các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp tiếp tục tập trung đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống ngân hàng lạnh, phòng thí nghiệm chuyên sâu và hệ thống sản xuất đạt chuẩn quốc tế. Điều này không chỉ đảm bảo chất lượng của các sản phẩm tế bào gốc mà còn giúp các đơn vị trong nước dễ dàng hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, công nghệ tế bào gốc là một lĩnh vực phát triển nhanh chóng và liên tục có những đổi mới từ các nước phát triển. Hợp tác quốc tế sẽ giúp chúng ta tiếp thu các tiến bộ khoa học, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển giao công nghệ mới.
Bộ Y tế cũng khuyến khích các trung tâm đào tạo phổ biến kiến thức, giúp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, khuyến khích việc đăng ký bảo hộ các sáng chế, ứng dụng nghiên cứu nhằm bảo vệ thành quả nghiên cứu, đồng thời nâng cao giá trị thương hiệu của Việt Nam trên bản đồ công nghệ tế bào gốc toàn cầu.
Đức Trân