Dựa trên dữ liệu do con người cung cấp, hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giải mã được sự phức tạp trong cảm nhận hương vị của con người để tìm công thức chung. Không giống trong các thực phẩm khác, các hợp chất trong các loại bia tương tự nhau nên chỉ có AI mới cảm thụ và phân biệt được. Cụ thể, nhóm của GS.Vestrepen đã phân tích cấu tạo hóa học của 250 loại bia thương mại có trên thị trường Bỉ, với 22 phong cách khác nhau, bao gồm bia lager (loại bia lên men ở nhiệt độ thấp), bia trái cây, bia đen, bia vàng, bia không cồn… để tìm công thức chung. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn xem xét sự hiện diện và nồng độ của hơn 200 hợp chất có liên quan đến hương vị bia, chẳng hạn như hợp chất este từ men bia và terpenoid từ hoa bia. Đây là 2 hợp chất hữu cơ quan trọng, góp phần tạo nên hương vị có trong các loại bia.
Nhóm nghiên cứu còn nếm thử và đánh giá 250 loại bia, dựa trên 50 yếu tố và tiêu chí khác nhau như hương vị bia, độ ngọt, độ chua, khả năng gây hưng phấn sau khi uống… Sau khi có dữ liệu, nhóm đã dùng AI để phân tích và dự đoán nồng độ hợp chất có trong bia, sao cho đáp ứng được sở thích của đa số khách hàng. Kết quả, các nhà khoa học đã tìm ra một loại bia với các hóa chất theo đúng tỷ lệ gợi ý của AI, sau đó tiến hành sản xuất thử. Những người uống thử đã đánh giá rất cao loại bia được tạo ra theo tư vấn của AI, cả về hương vị, độ ngọt lẫn độ đậm. Tuy AI rất quan trọng nhưng theo các nhà khoa học, AI chỉ đóng vai trò cố vấn, còn thực sự để tạo ra loại bia có hương vị ngon vẫn cần kỹ năng của con người. Trước mắt, AI chưa thể thay thế hoàn toàn được con người trong quá sản xuất bia, nhất là loại bia có chất lượng cao.
Mai Nguyễn (Tổng hợp)