Ứng dụng trợ lý ảo - Chủ đề chính tại Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam 2024

Ứng dụng trợ lý ảo - Chủ đề chính tại Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam 2024
4 giờ trướcBài gốc
VIDW 2024 do Bộ thông tin và Truyền thông Việt Nam tổ chức, diễn ra từ ngày 19-22/11 tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với 12 sự kiện chính thức và các sự kiện bên lề.
Sự kiện thu hút hơn 600 đại biểu trong nước và quốc tế, bao gồm lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước từ gần 30 quốc gia, đại diện các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp công nghệ hàng đầu.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Tuần lễ.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, AI là công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức phải xây dựng trợ lý ảo của riêng mình, dựa trên dữ liệu và tri thức của mình, tạo nên sự khác biệt. Bên cạnh đó, trợ lý ảo làm tách biệt vai trò của công ty công nghệ và người sử dụng, trong đó, công ty công nghệ cung cấp nền tảng công nghệ, công cụ AI, công cụ hỗ trợ để dạy trợ lý ảo. Người sử dụng làm chủ phần dữ liệu, tri thức và dạy trợ lý ảo...
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Hiện nay, Việt Nam đang ưu tiên phát triển trợ lý ảo cho từng cơ quan nhà nước, mỗi cơ quan sẽ có trợ lý ảo của mình, tiến tới mỗi công chức có một trợ lý ảo. Việt Nam cũng đã và sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các sáng kiến hợp tác khu vực và quốc tế trong lĩnh vực công nghệ số, kinh tế số, trong đó sẽ ưu tiên các chương trình hợp tác về AI, về phát triển và sử dụng trợ lý ảo.
Khả năng phổ biến ứng dụng trợ lý ảo với người dân là rất nhanh chóng. Do vậy, nếu đưa trợ lý ảo vào khu vực công như xây dựng chính sách, giám sát, lấy ý kiến cộng đồng, thực thi pháp luật… sẽ rất hiệu quả. Trợ lý ảo sẽ đảm bảo được sự minh bạch và công khai thông tin; nhanh chóng phát hiện ra các lỗi hệ thống và có phương án xử lý, khắc phục ngay...
Ông Arnaud Ginolin - Giám đốc Điều hành kiêm Đối tác tại Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG)
Trong khuôn khổ của VIDW 2024, Phiên toàn thể là Hội nghị bàn tròn tập trung vào chủ đề ứng dụng trợ lý ảo. Các đại biểu đã cùng thảo luận chiến lược, chia sẻ tầm nhìn về tương lai của công nghệ số, vai trò của trợ lý ảo trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực quản trị quốc gia, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Toàn cảnh Hội nghị bàn tròn tại VIDW 2024.
Ngay sau Phiên toàn thể sẽ diễn ra Hội nghị 5G lần thứ 5. Đây là sáng kiến của Việt Nam, được Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thông báo tại Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và Công nghệ thông tin ASEAN 2018, nhằm đẩy mạnh phối hợp trong khu vực về chính sách, đầu tư, phát triển công nghệ, dịch vụ và ứng dụng 5G.
Mục tiêu của Hội nghị lần này tập trung trao đổi vào các vấn đề ưu tiên chính liên quan đến việc triển khai Open RAN (mạng truy cập vô tuyến mở), khung pháp lý cho 5G và những tiến bộ trong việc đổi mới công nghệ và xây dựng hệ sinh thái. Đồng thời thông tin về tiến độ triển khai 5G của các quốc gia ASEAN và trình diễn trực tiếp các ứng dụng 5G trong thế giới thực của các quốc gia thành viên ASEAN, đối tác đối thoại và các tổ chức quốc tế.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại VIDW 2024.
Bên cạnh các hoạt động với chủ đề “Trợ lý ảo”, trong các ngày từ 19-22/11, Bộ TT&TT phối hợp với các nước ASEAN, Hàn Quốc, Úc, Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế tổ chức các diễn đàn chuyên môn với các chủ đề khác nhau: Diễn đàn quốc tế về Chiến lược số, chính sách và quản trị AI; Diễn đàn quốc tế về Chiến lược số, chính sách và quản trị AI; Hội nghị Quan chức Thông tin ASEAN (SOMRI); Hội thảo ASEAN về dịch vụ tin cậy; Hội thảo về các công nghệ miễn cấp phép thế hệ mới phục vụ phát triển kinh tế số; Diễn đàn Đầu tư số quốc tế; Diễn đàn quốc tế về Kết nối số; Hội nghị Việt Nam - OECD về phát triển nguồn nhân lực số; Diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam – Hàn Quốc; Hội nghị Việt Nam – ITU về quản trị AI và ứng dụng AI trong các lĩnh vực công nghiệp và tổ chức cuộc thi Hackathon Đông Nam Á…
Các diễn đàn chuyên đề sẽ tạo cơ hội để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm hay, thực tiễn tốt (best practices), cả về thể chế (sandbox) và thực tiễn (use cases) của trợ lý ảo trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nhiều nước trên thế giới.
VIDW 2024 tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ các thực tiễn tốt, cách tiếp cận và sáng kiến mới để mở rộng hợp tác giữa các nước, các tổ chức, doanh nghiệp về đẩy mạnh phát triển AI và triển khai trợ lý ảo, với các chủ đề ưu tiên như ứng dụng trợ lý ảo (TLA), quản trị trí tuệ nhân tạo (AI), Open RAN, khung pháp lý cho 5G, phát triển hạ tầng kỹ thuật số và nguồn nhân lực số…
VIDW 2024 là cơ hội để quảng bá và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam ra thế giới, đồng thời giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam năng động và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Đây cũng là dịp để các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam, các nước ASEAN và các nước đối thoại trực tiếp kết nối, trao đổi thông tin, tìm hiểu cơ hội hợp tác, xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển thị trường.
Ngọc Anh
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/ung-dung-tro-ly-ao-chu-de-chinh-tai-tuan-le-so-quoc-te-viet-nam-2024-10294784.html