Ứng phó bão số 6: Các địa phương cấm biển, linh hoạt triển khai các biện pháp

Ứng phó bão số 6: Các địa phương cấm biển, linh hoạt triển khai các biện pháp
3 giờ trướcBài gốc
Nghệ An: Ngư dân huyện ven biển Diễn Châu chủ động dừng chuyến đi khơi
Là 1 trong 5 huyện, thị xã giáp biển của tỉnh Nghệ An, huyện Diễn Châu có hơn 25km bờ biển với 8 xã ven biển, bãi ngang và hơn 1.000 phương tiện tàu, thuyền, bè mảng. Trong đó có hơn 500 phương tiện tàu, thuyền tập trung ở các xã Diễn Ngọc, Diễn Thành, Diễn Bích… chuyên khai thác hải sản vùng khơi. Nắm rõ được thông tin, diễn biến, hướng đi của bão số 6, ngư dân Diễn Châu đã chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó với bão.
Trong 2 ngày 23 - 24/10, tại các cảng cá, bến bãi, khu neo đậu tại các sông lớn trên địa bàn huyện Diễn Châu như sông: Diễn Kim, Diễn Thủy, Lạch Vạn, số lượng lớn tàu, thuyền đã neo đậu tập trung. Từ sáng 23/10, các chủ tàu, thuyền có công suất lớn, chuyên khai thác hải sản ở ngư trường vùng khơi đã tạm dừng chuyến đi.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu Phan Xuân Vinh, ngày 24/10, UBND huyện đã có công điện yêu cầu các xã, thị trấn, Đồn Biên phòng Diễn Thành, đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và thông báo cho thuyền trưởng, chủ các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; đồng thời rà soát, sẵn sàng phương án để ứng phó với mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, xung yếu...
Quảng Bình cấm biển từ ngày 27/10
Ngày 25/10, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công điện triển khai ứng phó với bão số 6. Theo đó, tỉnh cấm biển từ 0 giờ ngày 27/10 cho đến khi bão tan, không còn cảnh báo rủi ro thiên tai theo dự báo, cảnh báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn Quốc gia.
Cán bộ Trạm kiểm soát đồn Biên phòng Nhật Lệ (BĐBP Quảng Bình) kêu gọi, hướng dẫn tàu cá và ngư dân vào nơi neo đậu an toàn. Ảnh: TTXVN phát
Quảng Bình yêu cầu, các sở, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ bản tin, cảnh báo diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với phương châm “4 tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao. Các cơ quan tuyệt đối không chủ quan, lơ là nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản của nhà nước và nhân dân.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, UBND các huyện, thành phố, thị xã ven biển tập trung rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, kêu gọi chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để không đi vào hoặc thoát ra khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.
Các địa phương, đơn vị rà soát, triển khai biện pháp bảo đảm an toàn đối với hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven biển; chủ động sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp. Đồng thời, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát khu vực nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất, chủ động di dời người, tài sản đến nơi an toàn...
Quảng Trị sẵn sàng triển khai phương án ứng phó bão lũ
Ngày 25/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã có công điện về việc chủ động ứng phó với bão số 6 và mưa lũ.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị tiếp tục rà soát kiểm đếm, quản lý, kêu gọi, thông tin hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện còn đang hoạt động trên biển, ven biển để chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.
Các địa phương, đơn vị kiểm tra rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án phòng ngừa ứng phó với bão, mưa lũ theo các cấp độ rủi ro thiên tai. Trong đó, chú trọng đảm an toàn đối với hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven biển; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp... Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tăng cường công tác dự báo cảnh báo, thông tin kịp thời tình hình diễn biến bão số 6, mưa lũ và các hình thế thời tiết nguy hiểm khác; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo công tác triển khai ứng phó, tình hình thiệt hại, sự cố đến cơ quan có thẩm quyền.
Quảng Trị hiện có 2.615 tàu thuyền với 6.160 thuyền viên đã biết thông tin về bão số 6 để phòng tránh.
Quảng Nam cấm biển từ trưa 25/10
Để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do bão số 6, sáng 25/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã có công điện về việc chủ động ứng phó với bão số 6 (bão Trami) gửi các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương trên địa bàn.
Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương ven biển tỉnh Quảng Nam tiếp tục rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông và ven biển. Trong đó, kiên quyết sơ tán người dân tại các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.
Từ 10 giờ ngày 25/10, cấm biển đối với tàu cá, tàu khách, tàu du lịch ra, vào các cửa biển, bãi ngang trên địa bàn tỉnh cho đến khi bão tan và tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường.
Các địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Các địa phương kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý tình huống.
Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam có trách nhiệm thực hiện các bản tin dự báo, cảnh báo tình hình, diễn biến của mưa, bão và thu thập, phân tích thông tin, số liệu. Sở Giao thông Vận tải, Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan theo chức năng quản lý Nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn hoạt động khai thác khoáng sản và hệ thống lưới điện; vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa thủy điện. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cùng các sở, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ...
Phú Yên: Chủ động các phương án ứng phó bão số 6
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đã yêu cầu các địa phương sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”, không chủ quan, lơ là. Tất cả các tàu tuyền đang hoạt động trên biển đều đã nhận được thông tin về bão số 6 và chủ động thoát khỏi vùng nguy hiểm do bão gây ra.
Thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) cắm biển cảnh báo người dân không tắm biển khi sóng cao, biển động. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN
Toàn tỉnh có 1.954 tàu cá với 11.700 lao động. Theo kiểm đếm, thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên (đến 5 giờ ngày 25/10) có 289 tàu/1.761 lao động đang hoạt động trên các vùng biển.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh Phú Yên, Đài Thông tin duyên hải Phú Yên đã thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến, vị trí, hướng đi của bão để chủ động thoát ra khỏi hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền ở bến bãi, các khu neo đậu đảm bảo an toàn về người và phương tiện.
Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, tùy theo tình hình diễn biến của bão, mưa lũ trên địa bàn, các địa phương chủ động chỉ đạo thực hiện các phương án, kế hoạch ứng phó (bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất...) đã được duyệt. Việc di dời, sơ tán dân tại các vùng bị ảnh hưởng bão, vùng ven sông, suối, trũng thấp, ngập lụt, sạt lở đất… được ưu tiên. Nếu bão ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực tỉnh Phú Yên, nghiêm cấm người dân đánh bắt thủy sản trên sông, suối, ao, hồ…
Các chủ hồ chứa nước được yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, nhất là mưa lớn ở thượng nguồn đổ về hạ lưu; chủ động chỉ đạo vận hành, điều tiết, tích nước, đón, cắt giảm lũ, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du...
Ninh Thuận triển khai linh hoạt các biện pháp
Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận đang tập trung triển khai các biện pháp để chủ động ứng phó hiệu quả với bão.
Theo ông Đặng Kim Cương, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, để ứng phó với bão, đơn vị đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý khai thác các Cảng cá và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố ven biển trong tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và thường xuyên thông tin để người dân chủ động phòng, chống.
Nhiều tàu thuyền chủ động cập Cảng cá Cà Ná (huyện Thuận Nam) tránh bão. Ảnh: Công Thử/ TTXVN
Hiện, các địa phương ven biển ở Ninh Thuận luôn cập nhật, thông tin cụ thể về diễn biến của bão để ngư dân biết; kiểm tra, quản lý chặt chẽ các phương tiện tàu thuyền ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Ông Nguyễn Kim Long, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận cho biết, toàn tỉnh có 2.396 tàu thuyền. Qua kiểm tra trên hệ thống giám sát cho thấy, hiện tất cả tàu thuyền của tỉnh đang đánh bắt ngoài khơi thuộc vùng biển các tỉnh, thành phố phía Nam. Chi cục vẫn liên lạc được với thuyền trưởng của các tàu trên.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hiện Sở đang triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa thực hiện vận hành an toàn các hồ đập, căn cứ tình hình vùng hạ du nhằm chủ động vận hành, tích nước hợp lý đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du.
Các địa phương đã phân công, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở; rà soát, kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ tác động của bão đến nơi an toàn. Tại các công trình ven biển đang triển khai thi công, Ban Quản lý các dự án, các chủ đầu tư đang khẩn trương kiểm tra biện pháp thi công công trình, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão; an toàn cho người và thiết bị công trình.
Nhóm PV TTXVN
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/xa-hoi/ung-pho-bao-so-6-cac-dia-phuong-cam-bien-linh-hoat-trien-khai-cac-bien-phap-20241025172951322.htm