Ứng phó biến đổi khí hậu: Cần hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn

Ứng phó biến đổi khí hậu: Cần hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn
6 giờ trướcBài gốc
Gần một tháng đã trôi qua kể từ khi cơn bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào nước ta nhưng hậu quả và những ảnh hưởng của cơn bão này cũng như hoàn lưu của nó gây ra vẫn hết sức nặng nề cả về người và tài sản, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và sinh kế của người dân. “Hậu quả và những ảnh hưởng của cơn bão là hết sức nặng nề. Thiệt hại về người rất lớn, nhiều người mất tích vẫn chưa được tìm thấy. Sang chấn tinh thần của một bộ phận Nhân dân rất nặng nề. Nhiều gia đình vẫn phải ở trong những nơi ở tạm, nhiều bản làng vẫn phải rất lâu mới có thể trở lại bình thường”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3 ngày 28/9 vừa qua.
Cũng tại Hội nghị này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã đưa ra những con số cụ thể về những thiệt hại do cơn bão này gây ra. Theo đó, tính đến ngày 27/9, đã có 334 người chết, mất tích, 1.976 người bị thương. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính sơ bộ trên 81 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, thiên tai làm cho tăng trưởng GDP Quý III của cả nước có thể giảm 0,35%, quý IV giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản ước tăng trưởng có thể đạt 6,8 - 7%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai... giảm trên 0,5%.
Trận mưa đá tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ gây thiệt hại lớn đến hoa màu của Nhân dân, ngày 24/4/2024. Ảnh: TTXVN
Giờ đây, cùng với công cuộc khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra thì việc nhìn nhận lại những vấn đề liên quan tới công tác phòng chống thiên tai cũng quan trọng không kém. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, cơn bão số 3 không chỉ là cơn bão có nhiều bất thường, chưa từng có trong tiền lệ mà còn là cơn bão đặc trưng của hiện tượng La Nina và cũng là minh chứng rõ nét nhất về sự khốc liệt của biến đổi khí hậu, là hồi chuông cảnh báo mới nhất về sự bất thường của thời tiết và sự khốc liệt của thiên tai.
Như ý kiến của ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Việt Nam (VCSF) 2024: “Cơn bão Yagi là một minh chứng nữa cho thấy sự nóng lên của trái đất, biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ gây ra những hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan tác động nghiêm trọng đến sự tồn vong của loài người”.
Không chỉ với cơn bão số 3, không chỉ với Việt Nam, đã từ lâu, trên bình diện quốc tế, các chuyên gia, các tổ chức quốc tế cũng đã liên tục cảnh báo về mối liên quan mật thiết mang tính “nhân quả” ngày càng rõ rệt giữa các hiện tượng thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu. “Biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng như vậy, tác động sâu sắc đến xã hội, nền kinh tế và quan trọng nhất là cuộc sống của con người và môi trường mà chúng ta đang sống” - Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) Celeste Saulo từng nhấn mạnh.
Nhóm nhà khoa học của World Weather Attribution - Tổ chức chuyên đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu đối với mô hình thời tiết cực đoan trên thế giới cũng từng khẳng định những hiện tượng thời tiết trên sẽ “hiếm khi xảy ra” nếu không có tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Trở lại với câu chuyện biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đặc thù, Việt Nam đã là đất nước dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Những năm gần gây, thực trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam đang ngày càng nghiêm trọng. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, ở nước ta, thiên tai năm 2023 xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 1.964 trận thiên tai (21/22 loại hình).
Năm 2024 này, ảnh hưởng của biến đổi khi hậu ngày càng đáng quan ngại khi nhiệt độ trung bình tiếp tục gia tăng, với các đợt nắng nóng kéo dài, đặc biệt ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; Mưa lũ không đều gây lũ lụt tại miền Trung và hạn hán tại Tây Nguyên và Nam Bộ, ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp và đời sống; Sạt lở đất và xói mòn bờ biển nghiêm trọng ở Cà Mau và Bạc Liêu gây thiệt hại cơ sở hạ tầng; Mực nước biển dâng cao trung bình 3-5mm mỗi năm dẫn đến ngập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nguồn nước ngọt…
Điều đáng mừng là, trước những tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã xây dựng các chủ trương, chiến lược và chương trình kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, với các mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu. Một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đã được xác định rõ là quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu (COP28), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, với trách nhiệm đối với toàn cầu và toàn dân, Việt Nam đã triển khai toàn diện hàng loạt biện pháp theo ba nhóm giải pháp. Thứ nhất là về xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện như ban hành Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy hoạch Điện VIII, phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo.
Thứ hai là thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), thành lập Ban Thư ký và công bố Kế hoạch thực hiện và Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), ban hành và thực hiện Kế hoạch phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Thứ ba là về xây dựng thể chế, như việc xây dựng Luật Dầu khí, hoàn thiện Luật Đất đai, Luật Điện lực theo hướng hỗ trợ kiến tạo phát triển năng lượng tái tạo, cũng như đang xây dựng, hoàn thiện Nghị định mua bán điện trực tiếp, xử lý các dự án điện tái tạo và các vấn đề tồn đọng, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi năng lượng...
Biến đổi khí hậu có thể khiến Việt Nam mất khoảng 12 - 14,5% GDP vào năm 2050.
Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, gây hậu quả khốc liệt, như nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ, việc ứng phó biến đổi khí hậu cần hành động nhanh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, trong đó có việc thực hiện cam kết về giảm phát thải. “Cần có “quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm”, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm” để thực hiện nhiệm vụ thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Rõ ràng, từ nhấn mạnh của Thủ tướng, thấy rõ, ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ là trách nhiệm của các cấp chính quyền, của Chính phủ mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Sự nhanh hơn, quyết liệt hơn trong ứng phó với biến đổi khí hậu, chẳng cứ phải là những gì to tát, mà hãy bắt đầu ngay từ những hành động thường ngày, trong khả năng mỗi người như trồng thêm nhiều cây xanh, sử dụng điện và nước tiết kiệm, hạn chế dùng túi nylon và đồ nhựa một lần, sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn… Hãy hành động thay vì chỉ trích hay ca thán, đó mới là sự chung tay tích cực vì sự phát triển bền vững của đất nước mà mỗi người chúng ta đang sống.
Nguyễn Hà
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/ung-pho-bien-doi-khi-hau-can-hanh-dong-nhanh-hon-quyet-liet-hon-post314980.html