Nguy cơ xuất hiện tổ hợp thiên tai
Số liệu quan trắc cho thấy, từ đêm 9/7 đến ngày 10/7, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ đã có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to. Lượng mưa đo được phổ biến từ 30-70mm, cục bộ có nơi trên 150mm.
Ghi nhận ban đầu cho thấy, tại tỉnh Điện Biên, mưa lớn những ngày qua đã gây sạt lở 6 vị trí đường giao thông nội tỉnh với tổng khối lượng khoảng 1.050m3. Tại một số địa phương khu vực trung du và miền núi phía Bắc cũng đã có mưa khiến đường giao thông trơn trượt. Việc đi lại của người dân khó khăn.
Mưa lớn diện rộng kéo dài đang diễn ra tại nhiều địa phương khu vực Bắc Bộ.
Theo Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) Vũ Anh Tuấn, dự kiến từ tối và đêm 10/7 đến ngày 12/7, khu vực Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to.
Lượng mưa phổ biến trong đợt này dao động từ 70 - 150mm, có nơi trên 300mm. Nguy cơ mưa có cường suất lớn (>150mm/3 giờ). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh…
“Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, khu đô thị, công nghiệp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc…” - ông Vũ Anh Tuấn nói thêm.
Không để thiệt hại do chủ quan
Mưa kéo dài những ngày qua đã khiến mực nước các hồ chứa thủy điện lên cao, nhất là tại hồ chứa thủy điện Hòa Bình. Để bảo đảm an toàn hồ đập và vùng hạ du, chiều tối 9/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp đã lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình mở 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Hòa Bình.
Các địa phương thuộc lưu vực sông Hồng (trong đó có TP Hà Nội) đã tổ chức thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc; rà soát, đảm bảo an toàn các công trình đang thi công; các hoạt động khai thác tập kết, trung chuyển cát sỏi biết thông tin xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.
Sạt lở đất có thể xảy ra tại miền núi phía Bắc trong những ngày tới.
Ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhận định, diễn biến mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực Bắc Bộ (bao gồm cả TP Hà Nội) trong những ngày tới còn rất phức tạp. Chính vì vậy, các địa phương không được phép chủ quan.
Nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và thông tin kịp thời, đầy đủ cho các cấp chính quyền cơ sở và người dân để chủ động phòng tránh; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.
Bên cạnh đó, cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy những nơi bị tắc, nghẽn. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; đồng thời, tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tại địa chỉ: https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn.
Tùng Nguyễn