Đến lúc phải tái cấu trúc để tăng giá trị trong chuỗi cung ứng
Ông Phan Xuân Quí, Trưởng bộ phận thuế, Công ty Luật Fraser Laws
Xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, dệt may, da giày và đồ gỗ, được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức đáng kể do việc áp dụng các biện pháp thuế quan đối ứng. Mức thuế gia tăng sẽ làm suy giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ, từ đó dẫn đến sự sụt giảm về sản lượng xuất khẩu và mất dần thị phần.
Trước tình hình này, các nhà đầu tư có thể sẽ cân nhắc tái cấu trúc chuỗi cung ứng hoặc áp dụng chiến lược đa dạng hóa nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến thuế quan. Hệ quả là dòng vốn đầu tư chiến lược có thể chững lại hoặc chuyển hướng sang các thị trường nội địa hoặc những thị trường ít phụ thuộc vào Hoa Kỳ.
Để giảm thiểu tác động từ các mức thuế mới, các nhà sản xuất nước ngoài có thể điều chỉnh chuỗi cung ứng bằng cách gia tăng tỷ lệ nguyên vật liệu có xuất xứ từ Mỹ, từ đó nâng cao hàm lượng nội địa Hoa Kỳ trong sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Một giải pháp khác là tận dụng luật hải quan của Mỹ bằng cách điều chỉnh phân loại hàng hóa, xuất xứ quốc gia và phương pháp định giá. Những biện pháp này đòi hỏi sự xem xét và phân tích kỹ lưỡng. Về phân loại hàng hóa, doanh nghiệp có thể tìm cách xác định một mã số HS khác, vẫn chính xác nhưng có mức thuế suất thấp hơn.
Việt Nam thích ứng linh hoạt bằng cách kết hợp hiệu quả nhiều giải pháp
Ông Vlad Savin, Giám đốc Acclime Vietnam
Để giảm thiểu những ảnh hưởng bất lợi từ chính sách thuế mới của Hoa Kỳ, Chính phủ Việt Nam có thể xem xét và triển khai các biện pháp đa dạng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (có thể cam kết duy trì một cơ chế tỷ giá linh hoạt, cho phép nền kinh tế chủ động ứng phó với những biến động toàn cầu và các tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan của Mỹ. Cơ chế tỷ giá linh hoạt đồng nghĩa với việc để đồng Việt Nam (VND) biến động trong một biên độ kiểm soát thay vì cố định cứng vào USD. Cách tiếp cận này tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giá trị tiền tệ nhằm thích ứng với các cú sốc từ bên ngoài.
Việt Nam có thể tận dụng hiệu quả các kênh đối thoại song phương và đa phương nhằm duy trì mối quan hệ thương mại ổn định với Hoa Kỳ. Đồng thời, thông qua các kênh đối thoại này, Việt Nam có thể thu thập thông tin, lắng nghe phản hồi từ phía đối tác và đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong thương mại song phương.
Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng đến các khu vực như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông và khối ASEAN nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ và nâng cao khả năng chống chịu trước các rủi ro từ chính sách thuế.
Chúng tôi cho rằng, những giải pháp này thể hiện sự thích ứng linh hoạt của Việt Nam thông qua việc kết hợp hiệu quả các công cụ tiền tệ, khả năng ngoại giao và mạng lưới thương mại. Nếu được triển khai đồng bộ và hiệu quả, các biện pháp này có thể biến cuộc khủng hoảng thuế quan thành một cơ hội để tái cân bằng nền kinh tế và mở ra một giai đoạn phát triển mới cho kinh tế Việt Nam.
Đừng bỏ qua tác động đến nông dân-lực lượng sản xuất hàng hóa trực tiếp
Ông Tyler McElhaney, Giám đốc quốc gia, Apex Group
Trong khi sự chú ý cho đến thời điểm hiện tại tập trung phần lớn vào các nhà sản xuất và các nhà xuất khẩu, tôi cho rằng, một vấn đề rất nhân văn đang nằm sâu trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, đó chính là những người nông dân Việt Nam, đặc biệt là nhóm người sản xuất hàng hóa cao cấp để xuất khẩu.
Danh mục xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ bao gồm một số sản phẩm chất lượng tốt nhất mà chỉ có ở Việt Nam, từ hạt cà phê đặc sản của Dak Lak, trái dừa hữu cơ của Bến Tre đến trái xoài thơm của An Giang. Đây không chỉ là hàng hóa, mà là kết quả của những nỗ lực lao động không ngừng nghỉ, trồng trọt theo tiêu chuẩn quốc tế và xuất khâu cho những thị trường khó tính.
Các mức thuế nhắm vào một số sản phẩm tốt đặc biệt này. Nhiều mặt hàng chất lượng cao đã được cung cấp cho người tiêu dùng Hoa Kỳ nhiều năm nay. Khi các mức thuế lớn như vậy được áp dụng, nhu cầu sử dụng các mặt hàng này sẽ có khả năng giảm hoặc người tiêu dùng sẽ chuyển sang những sản phẩm rẻ hơn.
Những nông dân Việt Nam đã đầu tư rất nhiều vào tiêu chuẩn, chứng nhận và thực hành bền vững, đang gặp khó khăn, không thể cạnh tranh tại địa phương do chi phí cao hơn, và bị chặn khỏi chính những thị trường mà họ đã định hình sản phẩm của mình.
Tuy vậy, mặc dù gặp phải nhiều thách thức phía trước, cộng đồng doanh nghiệp vẫn lạc quan rằng Việt Nam sẽ tiếp tục con đường phát triển của mình, mặc dù có thể chậm lại một chút so với dự đoán trước đây.
Bích Ngọc ghi