Ứng phó với 'mùa bụi mịn'

Ứng phó với 'mùa bụi mịn'
8 giờ trướcBài gốc
Ô nhiễm không khí tại Bangkok, Thái Lan, ngày 15/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại thủ đô Bangkok, mức PM 2.5 thường xuyên cao hơn giới hạn an toàn, thậm chí có thời điểm cao gấp 8 lần mức trung bình tối đa hằng ngày mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị.
Để hạn chế ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí tới sức khỏe, chính quyền Thái Lan đã liên tục khuyến nghị người dân hạn chế ra đường nếu không có việc gì cần thiết. Các cơ quan công sở cho nhân viên làm việc từ xa. Hàng trăm trường học chuyển sang học trực tuyến. Tuy nhiên, hơn 10 bệnh viện tại Bangkok báo cáo số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan tăng gấp 2-3 lần trong tháng 1 vừa qua, với các vấn đề chính là viêm da hoặc mắt, cùng với các bệnh về đường hô hấp, tim mạch.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Thái Lan, anh Adrirake Marphol, một người dân Bangkok, cho biết: “Thời tiết trong 2 tuần gần đây khá tệ, rất ảnh hưởng tới sức khỏe. Tôi vừa bị đau đầu, sổ mũi, lại có cả triệu chứng sốt. Đôi khi tôi cũng muốn ra ngoài nhưng lại lo ngại bụi mịn ảnh hưởng tới hệ hô hấp. Vì thế, tôi đành phải làm việc ở nhà và bật máy lọc không khí thường xuyên.”
Đáng quan ngại, ô nhiễm không khí không chỉ tác động trực tiếp tới sức khỏe con người mà còn gây ra những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn (KRC) ước tính, thiệt hại kinh tế do tình trạng ô nhiễm không khí, với mật độ bụi mịn PM2.5 vượt quá mức trung bình 100µg/m³ trong và xung quanh thủ đô Bangkok trong khoảng thời gian một tháng, có thể lên tới 3 tỷ baht (tương đương 89,4 triệu USD). Hơn nữa, nhiều tác động lâu dài vẫn khó định lượng, bao gồm cả những ảnh hưởng đến vị thế của Thái Lan như một trung tâm kinh doanh, du lịch và y tế. Nếu không có các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí hiệu quả, tăng trưởng kinh tế và khả năng cạnh tranh của Thái Lan trên trường quốc tế sẽ bị suy yếu.
Nhằm bảo vệ bầu không khí trong lành cho người dân, chính phủ của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra gần đây cũng đã triển khai một loạt động thái quyết liệt với sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan.
Cụ thể, nội các Thái Lan đã thông qua khoản phân bổ quỹ trung ương trị giá 620 triệu baht (khoảng 18,4 triệu USD) để giải quyết tình trạng cháy rừng và khói bụi độc hại trong năm nay. Bộ Nội vụ Thái Lan đã yêu cầu tỉnh trưởng tất cả các tỉnh trên toàn quốc tập trung giải quyết thảm họa khói mù và thực thi lệnh “cấm đốt” rác thải nông nghiệp. Những người bị phát hiện vi phạm lệnh cấm sẽ bị loại khỏi danh sách nhận hỗ trợ tài chính từ chính phủ.
Để khuyến khích người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, Bộ Giao thông vận tải đã miễn phí đi lại bằng xe buýt công cộng và tàu điện tại Bangkok trong vòng 1 tuần (từ ngày 25-31/1). Khoảng 1,1 triệu khẩu trang loại N95 được Bộ Y tế cung cấp miễn phí và các đội y tế khẩn cấp luôn sẵn sàng hỗ trợ những người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Thái Lan đang làm việc với các đối tác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để thúc đẩy hợp tác khu vực nhằm giải quyết vấn đề khói mù. Theo Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề của riêng Thái Lan mà là của toàn khu vực. Do đó, cần có sự chung tay của tất cả các quốc gia ASEAN để giải quyết ô nhiễm khói mù.
Dù còn nhiều ý kiến trái chiều về chi phí quá cao so với hiệu quả mang lại, Thái Lan vẫn triển khai chiến dịch điều máy bay để phun nước lạnh, đá khô hai lần mỗi ngày nhằm làm lạnh lớp khói mù, để bụi mịn PM2.5 dễ phân tán vào các tầng khí quyển cao hơn.
Chính quyền đô thị Bangkok cũng nỗ lực không kém, với việc cấm phương tiện giao thông lớn đi vào các khu vực phát thải thấp ở 9 quận của thủ đô; triển khai camera an ninh tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) theo dõi các xe tải vi phạm lệnh cấm; hay tạo thêm các lớp học “không bụi” được trang bị máy điều hòa và máy lọc không khí. Đặc biệt, thành phố đã phân quyền cho lãnh đạo các quận xác định và kiểm soát nguồn phát thải bụi tại địa bàn mình quản lý. Hàng loạt giải pháp này bước đầu cũng giúp giảm phần nào số điểm có lượng PM2.5 vượt ngưỡng an toàn trên địa bàn thủ đô.
Tuy nhiên, như cảnh báo của Phó Giáo sư Sirima Panyamethikul từ trường Đại học Chulalongkorn, Thái Lan cần kiểm soát ô nhiễm ngay từ gốc rễ, bởi những nỗ lực riêng lẻ sẽ không đem lại hiệu quả lâu dài. Theo các nhà khoa học, hoạt động đốt rác thải nông nghiệp (rơm rạ, thân cây ngô, mía...), khí thải từ các phương tiện giao thông và hoạt động công nghiệp là những yếu tố chính góp phần gây ô nhiễm bụi PM 2.5. Việc nhận biết chính xác nguồn gây ô nhiễm có ý nghĩa quan trọng để xây dựng các chiến lược ngăn ngừa và giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí, song song với việc tham khảo kinh nghiệm của những nước đã thành công trong nỗ lực tìm lại bầu trời xanh trong.
Thái Lan có thể học hỏi kinh nghiệm từ Trung Quốc, quốc gia đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giảm tình trạng đốt rác thải nông nghiệp, nhờ chiến lược toàn diện là ban hành lệnh cấm đốt tàn dư cây trồng trên toàn quốc, các ưu đãi tài chính cho nông dân và tăng cường tận dụng tàn dư cây trồng, như thức ăn chăn nuôi và phân bón. Chính phủ và các doanh nghiệp Thái Lan có thể hỗ trợ người dân thay đổi tập quán đốt rác nông nghiệp, nâng cao nhận thức của công chúng về tác động của ô nhiễm không khí với sức khỏe và khuyến khích người dân báo cáo các điểm nóng ô nhiễm qua các ứng dụng thông minh.
Đối với ô nhiễm do khí thải từ phương tiện giao thông, Bangkok có thể học tập mô hình từ thủ đô Bogota của Colombia, nơi đã áp dụng các biện pháp sáng tạo và bền vững, như triển khai hệ thống xe buýt nhanh có sức chứa lớn, lượng khí thải thấp, hay phát triển hơn 500 km làn đường dành cho xe đạp. Tương tự, Bangkok có thể mở rộng hệ thống giao thông công cộng, tích hợp xe buýt và thuyền điện với giá vé hợp lý, tạo thêm những làn đường dành riêng cho người đi xe đạp và đi bộ. Đề xuất thu phí tắc nghẽn giao thông cũng sẽ giúp giảm lượng khí thải từ phương tiện cá nhân một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó là đóng cửa các ngành công nghiệp lỗi thời, gây ô nhiễm, chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn và di dời các ngành công nghiệp nặng đến các khu vực ít dân cư hơn.
Nhìn chung, ô nhiễm bụi mịn không phải là vấn đề mới xuất hiện và của riêng Thái Lan. Nhiều nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, cũng phải vật lộn với vấn đề này. Để giải quyết gốc rễ cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí này, bên cạnh những quyết định táo bạo và dài hạn của chính phủ, vẫn còn cần tới sự chung tay hợp tác của các doanh nghiệp, cũng như sự thay đổi nhận thức và hành vi của người dân.
Đỗ Sinh - Phương Thịnh (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/ung-pho-voi-mua-bui-min-20250211105249677.htm