Ứng xử văn minh với vỉa hè

Ứng xử văn minh với vỉa hè
2 giờ trướcBài gốc
Vỉa hè dù ở nghĩa hẹp nhưng cũng rất rộng mở để kinh doanh, buôn bán
Tôi gặp bạn ở góc phố ấy lần đầu sau đại dịch COVID-19. Lần đó, bạn chẳng chuyện trò nhiều. Tôi thầm nghĩ có lẽ bạn đang bận tay với những ly sữa đậu nành nóng mà khách đang gọi í ới. Nhìn cảnh bạn đang buôn bán rộn ràng, tôi vui lây. Kể từ dạo ấy, tôi nhớ một vài câu bạn chia sẻ đại loại - nhờ vỉa hè, thùng sữa đậu nành nhà làm bán vài giờ vào buổi tối đã giúp gia đình bạn có cuộc sống tạm ổn.
Hôm cuối tuần vừa rồi gặp lại, tôi thấy ngoài ghè sữa đậu nành nóng nhà làm, bạn còn thêm mấy cái bàn con, vài chiếc ghế nhựa mỗi đêm bán vài chục trứng lộn. Bạn nói, cuộc sống gia đình đỡ hơn nhiều và đang chắt cóp để xây căn nhà mới. Tôi mừng thầm về việc kinh doanh bình dân, nhưng khá ổn định của bạn.
Có lẽ, sau đại dịch COVID-19, cảm nhận của tôi tại các vỉa hè trên các đường phố có rất nhiều người đang nương nhờ để kinh doanh buôn bán, kiếm sống qua ngày. Phần nhiều họ bán đồ ăn vặt, ăn nhanh, các thức uống pha chế mà giới trẻ yêu thích.
Ngay khu phố tôi, nhiều tuyến đường trước đây được gọi “phố làng” nhưng nhờ hạ tầng giao thông kết nối nên dịch vụ buôn bán bắt đầu trở nên sầm uất. Trong đó có các mẹ, các chị ở vùng ven đô tập trung đến bán hàng quà xôi, bánh trái đủ loại vào buổi sáng và chiều. Tôi cũng hay chú ý đến chị Bé - nhà ở phường Hương Long, nhưng sáng nào cũng tầm 5-6 giờ đã có mặt ở vỉa hè khu phố tôi với thúng xôi bắp sau yên xe máy. Thúng xôi bắp của chị Bé chỉ bán khách quen ngang tầm 8 giờ sáng là cạn. Có hôm ế cũng chỉ ngang tầm 9 giờ, chị quay về phụ chồng làm nghề sơn gỗ…
Vỉa hè khu phố tôi giờ khác trước. Hàng quán bán thức ăn, thức uống chẳng thiếu thứ gì. Hàng quán nhiều, khách đông đúc, có khi bị ùn tắc xe cộ kéo dài. Rất nhiều người dân trong khu vực phàn nàn về tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm. Bởi thực tế có trường hợp lấy vỉa hè làm sở hữu của riêng mình để kinh doanh, buôn bán, làm bãi đỗ đậu xe… Nhưng cũng có không ít trường hợp cho rằng, phố xá phải có bà con góp mặt, tập trung buôn bán mới đông vui hơn, chỉ cần họ có ý thức về chuyện dọn dẹp rác thải, vệ sinh môi trường, giữ gìn an ninh trật tự.
Hiện rất nhiều con phố ở TP. Huế vẫn nhếch nhác rác thải, nhất là các tuyến phố gần khu vực khu chợ, nơi buôn bán sầm uất... Không vơ đũa cả nắm, nhưng hiện vẫn còn nhiều người sống nhờ vỉa hè còn thiếu ý thức trong chuyện thu gom rác thải, giữ vệ sinh môi trường. Thói xấu của họ làm đau đầu lực lượng quản lý đô thị và chính quyền sở tại.
Tôi từng đi nhiều nơi và từng nghe nhiều chuyên gia quy hoạch, quản lý đô thị chia sẻ về câu chuyện vỉa hè. Đa phần trong số họ đều có quan điểm khá "thoáng" khi cho rằng, bản chất của vỉa hè tuy nhìn rất hẹp nhưng cũng rất rộng mở. Quan trọng là mỗi cư dân ứng xử thế nào cho văn minh, vì đời sống vỉa hè xưa nay vốn là một nét văn hóa mang đậm bản sắc của người Việt.
Bài, ảnh: Minh Văn
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://baothuathienhue.vn/kinh-te/xay-dung-giao-thong/ung-xu-van-minh-voi-via-he-148022.html