Ước mơ khôi phục ngành đóng tàu của ông Trump: Cơn ác mộng của ngành năng lượng?

Ước mơ khôi phục ngành đóng tàu của ông Trump: Cơn ác mộng của ngành năng lượng?
một ngày trướcBài gốc
Kế hoạch do chính quyền Trump đề xuất nhằm khôi phục ngành đóng tàu của Mỹ bằng cách trừng phạt các tàu Trung Quốc cập cảng Hoa Kỳ, có thể khiến dầu khí của Mỹ kém cạnh tranh hơn và gây gián đoạn đáng kể thị trường năng lượng toàn cầu. Ảnh Reuters
Vào cuối tháng 2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã soạn thảo một sắc lệnh hành pháp đề xuất mức phí lên tới 1,5 triệu USD đối với tàu đóng tại Trung Quốc khi vào Mỹ. Ngoài ra, các công ty đặt đóng tàu mới tại Trung Quốc hoặc có tàu Trung Quốc trong đội tàu của họ, cũng có thể bị áp phí lên tới 1 triệu USD.
Các tổ chức như Liên đoàn Công nhân Thép Mỹ (United Steelworkers) và Liên minh Khai thác Mỹ (AAM) nhiệt tình ủng hộ đề xuất này. AAM cho rằng chính sách này sẽ “giúp khôi phục an ninh kinh tế của Mỹ, chống lại các đòn thương mại của Trung Quốc và vực dậy ngành đóng tàu trong nước”.
Tuy nhiên, ngành dầu khí – lĩnh vực xuất khẩu có giá trị lớn nhất của Mỹ – lại có phản ứng hoàn toàn trái ngược. Ngành này phản đối mạnh mẽ kế hoạch của ông Trump, bởi việc đánh thuế tàu Trung Quốc sẽ làm tăng chi phí vận chuyển nhiên liệu Mỹ, khiến các nhà khai thác dầu khí Mỹ mất khả năng cạnh tranh.
Viện Dầu khí Mỹ (API) cảnh báo rằng đề xuất này sẽ làm suy yếu chiến lược “thống trị năng lượng” của ông Trump, đồng thời cản trở xuất khẩu dầu và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), cũng như nhập khẩu dầu thô và sản phẩm lọc dầu.
Nếu kế hoạch này được thực thi, các nhà xuất khẩu và nhập khẩu Mỹ sẽ gặp khó khăn do đội tàu toàn cầu bị thu hẹp đáng kể. Theo công ty môi giới tàu biển BRS Shipbrokers, khoảng 20% trong số 7.000 tàu chở dầu trên thế giới được đóng tại Trung Quốc. Phần lớn số còn lại do Nhật Bản và Hàn Quốc sản xuất.
Thách thức này sẽ càng lớn hơn trong tương lai, vì các xưởng đóng tàu Trung Quốc hiện được giao chế tạo hơn 60% đội tàu chở dầu của thế giới trong những năm tới, tăng so với 57% vào năm 2023 và 53% vào năm 2022, theo BRS, con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Trong khi đó, ngành đóng tàu Mỹ gần như “đóng băng” trong những năm qua. Lần gần nhất một xưởng tàu Mỹ nhận đơn đặt hàng là năm 2022, và con tàu cuối cùng được bàn giao vào năm 2017. Chính quyền Trump lập luận rằng chính sự mất cân bằng này là lý do họ muốn áp đặt các biện pháp mới. Tuy nhiên, việc khôi phục ngành đóng tàu Mỹ cần nhiều năm để mở rộng quy mô, và vẫn chưa rõ liệu nước này có thể cạnh tranh được với các công ty châu Á hay không.
Khả năng thích ứng
Nếu ông Trump thực sự ban hành sắc lệnh này, thị trường dầu chắc chắn sẽ phải điều chỉnh, nhưng kết quả có thể không như ông mong muốn. Cước vận chuyển cho các tàu không phải của Trung Quốc chắc chắn sẽ tăng, buộc các nhà xuất khẩu Mỹ phải hạ giá dầu thô và sản phẩm tinh chế, gây áp lực lên biên lợi nhuận. Hệ quả cuối cùng có thể là sản lượng dầu trong nước giảm – đi ngược lại chính sách mà chính quyền Trump theo đuổi.
Biện pháp này cũng có thể tạo ra một thị trường tàu chở dầu kém hiệu quả. Các đội tàu Trung Quốc và không phải Trung Quốc sẽ hoạt động gần như tách biệt, bên cạnh đội tàu “bí mật” - vốn đang phát triển mạnh mẽ để vận chuyển dầu Nga và Iran nhằm né tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao chính quyền Trump lại muốn áp đặt các biện pháp có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến ngành xuất khẩu quan trọng nhất của Mỹ? Điều này càng khó hiểu hơn khi xét đến vai trò cốt lõi của chiến lược “thống trị năng lượng” trong chương trình nghị sự của ông.
Tuy nhiên, nếu mục tiêu chính của ông Trump là tái cân bằng thương mại Mỹ - Trung bằng cách phục hồi ngành khai thác trong nước, ông có thể coi những tổn thất tạm thời này là cái giá phải trả. Cũng có khả năng sắc lệnh này chỉ là một công cụ đàm phán, giúp ông Trump tạo áp lực để buộc Bắc Kinh nhượng bộ.
Dù vậy, phát biểu của ông Trump cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến ngành năng lượng. Một số chủ tàu và đơn vị thuê tàu đã bắt đầu tránh điều động tàu Trung Quốc đến các cảng Mỹ, vì lo ngại một quyết định đột ngột từ ông Trump có thể khiến họ chịu thiệt hại nặng nề. Ngoài ra, xuất này đã khiến cước vận chuyển tàu chở dầu từ Bờ Vịnh Mỹ tăng lên.
Vì vậy, ngay cả khi kế hoạch này không bao giờ thành hiện thực, rủi ro đối với ngành vận tải biển Trung Quốc vẫn sẽ tạo thêm khó khăn trên thị trường năng lượng, và hầu như không có bên nào được hưởng lợi.
Nh.Thạch
Reuters
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/uoc-mo-khoi-phuc-nganh-dong-tau-cua-ong-trump-con-ac-mong-cua-nganh-nang-luong-725892.html