Ươm mầm hạnh phúc

Ươm mầm hạnh phúc
6 giờ trướcBài gốc
Bác sĩ Khoa Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Phụ sản) trò chuyện cùng bệnh nhân.
Nên duyên vợ chồng từ năm 2012, song niềm vui lớn chưa đến với vợ chồng chị Lương Thị Tuyết, sinh năm 1992 (Bá Thước), bởi sau khi kết hôn một thời gian dài, hai vợ chồng mãi chưa có tin vui. Vợ chồng chị Tuyết đã chạy chữa khắp nơi với hy vọng có con, song 2 năm, 3 năm trôi qua chị Tuyết vẫn không có bầu. Khoảng năm 2018, chị Tuyết đã mang bầu, nhưng hạnh phúc chẳng tày gang, chỉ một hai tuần sau đó, anh chị đã phải đau đớn khi biết “thiên thần bé nhỏ” của mình đã rời xa. Sau lần chửa ngoài dạ con, chị Tuyết đã phải cắt 2 vòi trứng. Khi ấy, chị Tuyết suy nghĩ rất nhiều, mệt mỏi đau đớn, tủi thân chị đều trải qua.
Chị Tuyết cho biết: "Sau nhiều năm chữa trị khắp nơi, từ đông đến tây y đều không thành công, nên khi các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản tư vấn làm thụ tinh trong ống nghiệm, hai vợ chồng tôi đã bàn bạc cùng quyết định. Đến năm 2020, vợ chồng tôi đã đến Bệnh viện Phụ sản để thực hiện. Sau hai lần chuyển phôi, tôi đã mang bầu, cả gia đình đều vỡ òa trong niềm hạnh phúc”.
Hành trình “tìm con” gian nan, vất vả, tốn kém là vậy, nhưng vợ chồng chị Tuyết luôn an ủi, động viên nhau với niềm tin sẽ chạm đến niềm hạnh phúc thiêng liêng. Và sau gần 10 năm vất vả ấy, với niềm tin cháy bỏng được làm cha, làm mẹ cùng sự hỗ trợ nhiệt tình của y, bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản, đặc biệt là Khoa Hỗ trợ sinh sản, một bé gái đã chào đời với cân nặng 3,7kg. Giây phút nghe tiếng khóc đầu tiên của con, nước mắt của vợ chồng chị Tuyết cứ thế tuôn rơi trong niềm hạnh phúc.
Kể về lần đón chào thiên thần bé nhỏ của mình, chị Tuyết cười rạng rỡ: “Cảm giác hạnh phúc ấy tôi không bao giờ quên được. Hạnh phúc càng được nhân lên khi bé lớn lên từng ngày khỏe mạnh, nhanh nhẹn, xinh xắn. Và sau hơn 4 năm, cũng bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm và sự hỗ trợ của y, bác sĩ Khoa Hỗ trợ sinh sản, đầu năm 2025, tôi đã có bầu bé thứ hai”.
Với gia đình chị Trần Thị Nhung (Nông Cống), hành trình tìm con đã có kết quả sau 10 năm vất vả, gian nan. Kết hôn nhiều năm, song vợ chồng chị Nhung vẫn không có con. Vợ chồng chị đã đi khắp nơi để điều trị nhưng không thành công. Khi có người giới thiệu, cả hai vợ chồng chị đến khám tại Khoa Hỗ trợ sinh sản, các bác sĩ đã kết luận chị Nhung bị ứ dịch hai bên buồng trứng, ít trứng nên phải điều trị trước khi chuyển phôi. Gần 1 năm điều trị, đầu năm 2025 hạnh phúc đã mỉm cười bởi chị Nhung đã mang thai thành công. Những tháng đầu thai kỳ, chị Nhung được các y, bác sĩ theo dõi, chăm sóc cẩn thận.
Chị Trần Thị Nhung chia sẻ: “Bao năm vất vả, mệt mỏi, đôi lúc muốn bỏ cuộc, nhưng mong muốn làm cha, làm mẹ không cho phép chúng tôi dừng lại. Vợ chồng tôi đã luôn động viên nhau, đồng hành cùng nhau trong mọi việc. Chúng tôi đã rất vui và hạnh phúc khi biết con mình đang lớn từng ngày”.
Gia đình chị Lương Thị Tuyết hay chị Trần Thị Nhung chỉ là hai trong hàng nghìn cặp vợ chồng hiếm muộn được đội ngũ y, bác sĩ Khoa Hỗ trợ sinh sản điều trị, hỗ trợ thành công. Thạc sĩ, bác sĩ Cao Thị Dung, Trưởng Khoa Hỗ trợ sinh sản cho biết: “Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm được triển khai từ năm 2007. Tỷ lệ thành công từ phương pháp này ngày càng cao, có thể lên tới 65%; đối với bệnh nhân trong độ tuổi dưới 30 thì tỷ lệ thành công lên tới 70%. Đến nay, có khoảng hơn 2.000 em bé đã ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm”.
Ngoài phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, khoa đã áp dụng thành công nhiều kỹ thuật cao trong điều trị hiếm muộn như: phẫu thuật tinh hoàn lấy tinh trùng từ các ống sinh tinh; chọc hút tinh trùng từ mào tinh hoàn qua da; hỗ trợ thoát máng bằng laser... Tất cả các phương pháp được áp dụng như tiếp thêm sức mạnh cho các cặp vợ chồng trên hành trình tìm con, giúp cho nhiều người có cơ hội được làm cha, làm mẹ.
Có được kết quả đó, đội ngũ y, bác sĩ Khoa Hỗ trợ sinh sản đã không ngừng học hỏi, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và cập nhật các kỹ thuật mới. Khoa đã tạo điều kiện cho y, bác sĩ tham gia các khóa tập huấn, hội nghị cập nhật các kiến thức chuyên sâu, kỹ thuật mới, nâng cao chuyên môn. Nhờ đó, khoa đã thường xuyên triển khai hiệu quả các kỹ thuật mới tương đương với các bệnh viện lớn trong nước. Cùng với đó, Khoa Hỗ trợ sinh sản được trang bị cơ sở vật chất, thiết bị tương đối đồng bộ, hiện đại phục vụ cho khám, điều trị vô sinh - hiếm muộn, như kính hiển vi đảo ngược, kính hiển vi soi nổi, hệ thống tủ nuôi phôi sử dụng khí ngoại nhập...
Với sự phát triển của y học cùng nỗ lực nâng cao kiến thức, chuyên môn và sự nhiệt tình tâm huyết của đội ngũ y, bác sĩ mà nhiều đứa trẻ đã ra đời, nhiều cặp vợ chồng đã tìm được hạnh phúc trọn vẹn. “Nụ cười hạnh phúc của các cặp vợ chồng hiếm muộn là niềm vui, động lực để chúng tôi cố gắng trong điều trị vô sinh” - Thạc sĩ, bác sĩ Cao Thị Dung, Trưởng Khoa Hỗ trợ sinh sản chia sẻ.
Bài và ảnh: Thùy Linh
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/uom-mam-hanh-phuc-37162.htm