Các bệnh lý vùng hậu môn trực tràng như bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn, polyp trực tràng, viêm ruột hay thậm chí là ung thư đại trực tràng có thể gây ra hiện tượng đại tiện ra máu. Tuy nhiên uống rượu bia, đặc biệt là uống bia rượu nhiều cũng có thể gây ra hiện tượng đi ngoài ra máu, máu có thể đỏ tươi kèm nhỏ giọt hoặc lẫn trong phân. Triệu chứng có thể tăng lên nếu người uống có sẵn các bệnh lý hậu môn trực tràng.
Ngoài đi ngoài ra máu thì nhiều người có thể gặp tình trạng uống nhiều rượu nôn ra máu, đau dạ dày, nôn mửa nghiêm trọng, đau thận, nổi mẩn ngứa,....
1. Uống bia rượu nhiều bị đi ngoài ra máu có nguy hiểm không?
Vốn dĩ uống nhiều bia rượu rất có hại cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ gặp nhiều vấn đề từ thần kinh tới tiêu hóa, hô hấp, cơ khớp,... do lượng lớn ethanol từ rượu bị hấp thụ và chuyển thành acetaldehyde gây hại. Uống bia rượu nhiều bị đi ngoài ra máu rất nguy hiểm. Acetaldehyde có thể kích ứng mạnh lên niêm mạc của cơ quan tiêu hóa gây ra nhiều phản ứng nghiêm trọng.
- Xuất huyết tiêu hóa: Uống bia rượu nhiều bị đi ngoài ra máu phần lớn là do xuất huyết tiêu hóa. Xuất huyết tiêu hóa có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào của đường tiêu hóa. Do niêm mạc cơ quan tiêu hóa bị kích ứng và tổn thương. Hơn nữa, uống nhiều bia rượu còn làm thay đổi cơ chế đông máu trong cơ thể, làm giảm khả năng đông máu và gây xuất huyết dễ dàng hơn.
Chảy máu do xuất huyết tiêu hóa đôi khi thường dễ bị nhầm lẫn với chảy máu do bệnh trĩ, bệnh polyp đại trực tràng, ung thư đại trực tràng, các bệnh lý khác như viêm loét đại trực tràng. Vì vậy, khi thấy hiện tượng bất thường, bệnh nhân cần đi khám để xác định rõ bệnh và điều trị kịp thời.
Người bị xuất huyết tiêu hóa thường gặp các triệu chứng dễ nhận biết bằng mắt thường như mệt mỏi, chán ăn, bị vàng mắt vàng da, thậm chí nôn ra máu rất nhiều và khi đại tiện có lẫn máu đỏ hoặc phân đen trông như bã cà phê. Tùy từng trường hợp bị xuất huyết nhẹ hay xuất huyết tiêu hóa nặng mà có thể đe dọa tới tính mạng người uống do mất máu nghiêm trọng.
Lưu ý, xuất huyết tiêu hóa nặng khiến người bệnh vật vã vì mệt mỏi, đại tiện phân đen 2 - 3 lần trong ngày, sờ thấy chân tay lạnh, đau dữ dội vùng thượng vị, đổ mồ hôi nhiều, niêm mạc nhợt nhạt kèm theo thở nhanh, mạch yếu và có khi bị ngất xỉu cần được cấp cứu khẩn cấp.
- Các tình trạng bệnh tiêu hóa sẵn có:Đặc biệt với người có các tổn thương khú trú trong niêm mạc tiêu hóa trước đó như bệnh trĩ, loét trực tràng, polyp trực tràng, nứt kẽ hậu môn hay xơ gan do rượu, ung thư tiêu hóa (ung thư thực quản, dạ dày, ruột kết hoặc trực tràng), táo bón,... khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn và gây đại tiện ra máu khi uống nhiều bia rượu do mất nước, kích thích suy yếu niêm mạc tiêu hóa, phân cứng, nhu động ruột rối loạn,... Có thể kể đến như:
+ Táo bón:Rượu ngăn cơ thể giải phóng vasopressin, một loại hormone giúp cơ thể giữ lại chất lỏng bằng cách ngăn nước bài tiết qua nước tiểu. Ít vasopressin đồng nghĩa sẽ cần đi tiểu nhiều hơn. Nhưng khi cơ thể thải ra nhiều chất lỏng hơn bình thường, điều đó có thể người uống dễ bị táo bón hơn.
Ngoài ra, lượng uống rượu độ cồn cao (trên 15%) có thể làm chậm chuyển động nhu động ruột, cũng dẫn tới táo bón. Táo bón cũng có thể gây đại tiện ra máu nếu nghiêm trọng do phân cọ xát với đoạn cuối ruột già gây tổn thương và chảy máu.
+ Tiêu chảy: Tiêu chảy là tình trạng phổ biến thường gặp ở người nghiện rượu những cũng có thể gặp nếu tần suất uống ít nhưng mỗi lần lại uống rất nhiều. Uống rượu nhiều bị đau bụng, tiêu chảy là do lượng chất rượu được hấp thụ thúc đẩy cơ thể "giải phóng" chất lỏng và các cơ xung quanh ruột già co bóp nhanh hơn và đẩy chất thải quá mức.
Tiêu chảy có nghĩa là cơ thể đã mất rất nhiều chất lỏng, vì vậy điều quan trọng là phải bù lại bằng cách uống các chất lỏng như nước lọc, điện giải,...
+ Viêm ruột: Uống nhiều bia rượu cũng gây bùng phát các vấn đề tiêu hóa, chẳng hạn như viêm ruột gồm bệnh Crohn, viêm loét đại tràng khiến người bệnh bị tiêu chảy, đau bụng, đau thắt vùng bụng hoặc uống bia rượu nhiều bị đi ngoài ra máu.
Rượu làm suy yếu hệ miễn dịch, tăng cường tình trạng viêm trong cơ thể và có thể gây hại cho hàng rào bảo vệ trong ruột. Tất cả những điều này đều góp phần gây ra các triệu chứng của bệnh viêm ruột kể trên.
+ Bệnh trĩ: Uống nhiều rượu bia gây mất nước, phân cứng hơn và gặp khó khăn để di chuyển ra ngoài qua hậu môn. Khi di chuyển, phân cứng cọ vào búi trĩ và gây chảy máu, khiến phân có lẫn máu. Điều này cũng xảy ra tương tự với người bị nứt kẽ hậu môn.
Rượu có thể làm tổn thương gan (Ảnh: ST)
- Tổn thương gan ở bệnh nhân xơ gan do rượu:Thêm vào đó, rượu có thể làm tổn thương gan và dẫn đến xơ gan (nguy cơ uống bia rượu nhiều bị đi ngoài ra máu tăng lên nếu bị xơ gan do rượu) làm tăng áp lực trong hệ thống tĩnh mạch cửa tại gan (tăng trở kháng của dòng máu trong tĩnh mạch cửa), gây ra tình trạng giãn tĩnh mạch thực quản và có thể chảy máu nếu vỡ.
Màu sắc của máu trong phân cho biết điều gì?
Theo Healthline, ngoài việc dựa vào các triệu chứng kèm theo khi đi ngoài ra máu thì màu sắc của máu trong phân cũng có thể giúp phân biệt một số tình trạng cơ bản mà bạn có thể tham khảo, chẳng hạn như:
- Đại tiện lẫn máu màu đỏ: Nếu máu trong phân có màu đỏ tươi, nguyên nhân có thể nằm ở đường tiêu hóa hoặc vị trí thấp hơn gần trực tràng hoặc hậu môn, chẳng hạn như bệnh trĩ.
- Đại tiện lẫn máu màu hạt dẻ: Đại tiện lẫn máu có màu hạt dẻ hoặc đỏ sẫm cho thấy nguyên nhân đến từ đại tràng, chẳng hạn như ruột non.
- Đại tiện lẫn máu màu đen:Màu đen trong phân hoặc sẫm đen như hắc ín có thể chỉ ra nguyên nhân từ dạ dày, chẳng hạn như loét dạ dày.
Cần làm gì để giảm tác hại khi uống nhiều bia rượu? Ảnh: ST
- Đại tiện màu xanh lá cây thậm chí là xanh lam: Theo WebMD, xuất phát từ sự kết hợp giữa thức ăn đã tiêu thụ và một chất gọi là dịch mật, một chất lỏng màu vàng - xanh lục mà cơ thể tạo ra để tiêu hóa chất béo. Nhưng một số thứ trong chế độ ăn uống, bao gồm cả uống rượu, có thể khiến phân chuyển sang màu này.
Tuy nhiên các yếu tố này chỉ mang tính chất tham khảo, điều quan trọng là thăm khám bác sĩ để được chấn đoán và thăm khám bằng cách xét nghiệm cụ thể.
2. Cần làm gì để giảm tác hại khi uống nhiều bia rượu?
Trước tiên cần hiểu rằng, không có cách nào để giảm hoàn toàn tác hại khi uống nhiều bia rượu tới sức khỏe tốt hơn bằng việc ngừng uống. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp bất khả kháng cần uống bia rượu, bạn nên ghi nhớ các mẹo khi uống rượu sau để "an toàn" hơn:
- Uống vừa phải. Theo Bộ Y tế Vương Quốc Anh, bạn không nên uống quá 14 đơn vị cồn trong vòng 1 tuần đối với cả nam và nữ. Một đơn vị cồn là 10ml cồn nguyên chất trong rượu, bia. 14 đơn vị cồn tương đương với: 6 lon bia 330ml 4-5% độ cồn, 6 ly (tầm 175ml) rượu nhẹ 10-15% độ cồn (rượu vang, rượu Soju, rượu Champagne) hoặc 14 chén (25ml) rượu mạnh (rượu nếp; rượu Whiskey; Rum; Vodka). Ngoài ra, với phụ nữ đang mang thai thì tuyệt đối không được uống rượu bia.
- Không uống bia rượu khi đói bụng, sẽ làm tăng nồng độ cồn trong máu nhanh chóng, gây ra nhiều tác dụng khó chịu. Trước khi uống có thể uống sữa hoặc ăn sữa chua để giảm hấp thụ cồn và giảm tác động của rượu bia lên dạ dày. Không "uống rượu chay" mà nên vừa ăn vừa uống.
- Không uống rượu bia cùng lúc với các loại đồ uống có chứa caffeine như cà phê, nước tăng lực, điều này dễ khiến nguy cơ mất nước nhiều hơn.
- Khi uống rượu, hãy uống xen kẽ nhiều nước lọc để bù nước và làm giảm hấp thụ cồn vào máu.
- Nếu đã uống rượu, bạn cũng nên tránh dùng thuốc giảm đau như paracetamol hoặc aspirin nếu bị đau đầu sau uống bia rượu, vì chúng có thể phá hủy niêm mạc ruột và đặc biệt có hại cho gan.
Nhìn chung, uống bia rượu nhiều bị đi ngoài ra máu là trường hợp cần quan tâm, đặc biệt là khi kèm theo các triệu chứng nôn mửa nghiêm trọng, phân đen, đau tức thượng vị dữ dội, ngất xỉu,... cần được thăm khám sớm để được điều trị phù hợp, tránh nguy hiểm tới tính mạng.
Châu Anh (tổng hợp)