Uống thuốc nam chữa chó dại cắn, bé trai 13 tuổi nguy kịch

Uống thuốc nam chữa chó dại cắn, bé trai 13 tuổi nguy kịch
5 giờ trướcBài gốc
2 tháng sau chó cắn mới sốc nhiễm khuẩn – suy hô hấp
Ngày 13/5, khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận trường hợp bé trai 13 tuổi, ở Bình Gia – Lạng Sơn trong tình trạng mệt mỏi, ăn kém, sốt cao liên tục. Cháu được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn – suy hô hấp độ 3/Theo dõi bệnh dại. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, cho thở máy, truyền kháng sinh, sử dụng thuốc vận mạch… Tuy nhiên, tình trạng cháu bé rất nặng, không tiến triển, nguy cơ tử vong cao nên gia đình xin dừng điều trị.
Trước đó 2 tháng, cháu bị chó cắn, gia đình cho uống thuốc nam. Tuy nhiên, cháu không được tiêm phòng, không theo dõi con chó đã cắn mình.
Bệnh dại ở động vật, đặc biệt là thú nuôi trong gia đình như chó, mèo thường có nguy cơ tăng cao vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Theo các chuyên gia y tế, thời tiết nóng bức là điều kiện cho virus dại phát triển.
Trên thực tế, người dân còn khá chủ quan, khi bị chó mèo cắn không thực hiện tiêm phòng hay theo dõi chó, mèo đã cắn mình. Trong khi đó, thời gian ủ bệnh của bệnh dại có thể từ vài ngày đến vài tháng, thậm chí 1 năm. Nếu không thực hiện dự phòng tốt sẽ dẫn đến những nguy cơ đáng tiếc xảy ra.
Người dân cần lưu ý khi nuôi chó mèo phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó mèo, tiêm nhắc lại mũi dự phòng bệnh dại 12 tháng một lần. Sau khi bị chó, mèo hoặc động vật cắn cần phải tiêm phòng dại cho người để ngăn ngừa bệnh. Thời gian tiêm phòng sau khi bị chó mèo cắn tốt nhất là trong khoảng 24 giờ sau khi bị chó mèo cắn.
Tỷ lệ tử vong lên tới 100% nếu người bệnh đã phát cơn dại
Bệnh dại là một bệnh nguy hiểm, không có thuốc điều trị đặc hiệu và có nguy cơ tử vong rất cao. Do đó, khi bị động vật dại cắn hay bất kỳ động vật nào nghi ngờ bị dại cắn cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và tiêm phòng vắc-xin, điều trị phơi nhiễm kịp thời.
TS.BS Ngô Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo: “Chó nhà, kể cả chó nhỏ, nếu không được tiêm vắc xin định kỳ vẫn có thể mang virus dại, dù không có biểu hiện rõ ràng. Virus tồn tại trong nước bọt và có thể lây sang người qua vết cắn”.
Virus dại là một trong những tác nhân truyền nhiễm nguy hiểm nhất, với tỷ lệ tử vong lên tới 100% nếu người bệnh đã phát cơn dại. Người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi, không thả rông chó mèo, nếu đưa chó ra ngoài, phải đeo rọ mõm.
Tuyệt đối không để trẻ nhỏ tiếp xúc gần với chó lớn khi không có người giám sát. Khi bị chó cắn – kể cả chó đã được tiêm phòng – cần đến cơ sở y tế để được xử trí và tiêm phòng đúng phác đồ.
"Mùa hè là thời điểm bệnh dại dễ bùng phát. Nắng nóng khiến chó dễ kích động, hung dữ, trong khi tình trạng thả rông vật nuôi không tiêm phòng vẫn phổ biến.
Đây là điều kiện thuận lợi để virus dại lây lan trong cộng đồng. Mỗi sự chủ quan đều có thể phải đánh đổi bằng sức khỏe – thậm chí là tính mạng", các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo.
Trường hợp không may bị chó mèo cắn, cần chú ý như sau:
- Cần rửa kỹ vết thương trong vòng 15 phút với nước và xà phòng hoặc nước sạch.
- Sau đó sát khuẩn bằng cồn 45°-70° hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.
- Sau đó đến ngay cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng dại, ngay cả đối với vết cắn, vết cào nhẹ. Tiêm vắc-xin sớm để hình thành kháng thể bảo vệ cơ thể, tốt nhất, tiêm trong vòng 24 giờ sau khi bị cắn.
Thúy Nga
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/uong-thuoc-nam-chua-cho-dai-can-be-trai-13-tuoi-nguy-kich-post1541232.html