Lúc gần 10h trưa nay (7/2), giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á gần như không đổi so với mức đóng cửa phiên ngày 6/2 tại thị trường New York, giao dịch ở mức 2.865 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Giá vàng thế giới đang có xu hướng chững lại khi các nhà giao dịch hợp đồng tương lai ngắn hạn thực hiện chốt lời sau đợt tăng mạnh gần đây.
Thị trường kim loại quý cũng đang trong giai đoạn củng cố trước thềm dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Sáu.
Diễn biến giá vàng thế giới trong 24 giờ qua
Trong các báo cáo mới được phát hành hôm 6/2, chiến lược gia tại cả Citigroup và UBS đều nhận định rằng xu hướng đi lên của kim loại quý sẽ vẫn tiếp tục trong trung hạn.
Cụ thể, UBS nâng dự báo giá trong 12 tháng tới lên ngưỡng kỷ lục 3.000 USD/oz, sau khi vàng giữ vững được mốc quan trọng 2.850 USD/ounce.
Chiến lược gia Mark Haefele của UBS tự tin rằng giá sẽ duy trì đà tăng trong suốt năm 2025, được hỗ trợ bởi chu kỳ cắt giảm lãi suất trên toàn cầu, tình hình kinh tế còn nhiều bất ổn cũng như nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà đầu tư cá nhân và ngân hàng trung ương.
Tương tự như UBS, Citi cũng nâng mục tiêu giá vàng lên 3.000 USD/oz và nâng mốc trung bình cho năm 2025 từ 2.800 USD lên 2.900 USD/oz.
“Vàng sẽ tiếp tục khởi sắc dưới thời chính quyền Trump 2.0 khi chiến tranh thương mại và bất ổn địa chính trị thúc đẩy xu hướng đa dạng hóa dự trữ và phi đô la hóa, từ đó khuyến khích chiến lược mua vàng của các ngân hàng trung ương tại nhiều thị trường mới nổi”, báo cáo của Citi lưu ý.
Ở một khía cạnh khác, Citi lưu ý giá vàng tại Mỹ có thể tăng rất mạnh nếu các tuyên bố ban đầu về thuế quan không miễn trừ vàng một cách rõ ràng hoặc vàng thực sự bị đưa vào danh sách áp thuế. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng trấn an rằng vàng sẽ khó có khả năng bị áp thuế bởi đây là một tài sản tài chính.
Cho đến ngày 5/2, thị trường vàng ước tính xác suất Tổng thống Trump sẽ áp thuế 10% đối với vàng nhập khẩu vào Mỹ là khoảng 20%. Con số này thấp hơn đáng kể so dự đoán áp thuế các kim loại khác như đồng, bạc và bạch kim.
Trong khi đó, diễn biến của đồng bạc xanh vẫn đang được các thị trường theo dõi sát sao. Chỉ số US Dollar Index - đo lường biến động đồng USD với 6 loại tiền chủ chốt - vẫn dao động gần mức thấp nhất kể từ đầu tuần trước ở mức 107,7 điểm.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC ở khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM sáng 7/2 niêm yết ở mức 86,8 triệu đồng/lượng mua vào và 90,3 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua và 700.000 đồng/lượng ở chiều bán so với chiều qua.
Nếu quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 88,1 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, vàng trong nước đang chênh với giá thế giới 1,3 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước sáng 7/2
Giá vàng nhẫn trong nước hiện giao dịch quanh ngưỡng 86,6 - 90,3 triệu đồng/lượng (mua-bán). Như vậy, giá vàng nhẫn bán ra đang cao hơn 3 triệu đồng/lượng so với giá vàng miếng SJC mua vào.
Cụ thể, vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 đứng ở mức 86,6 - 90,3 triệu đồng/lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá nhẫn tròn trơn ở mức 86,8 - 90,25 triệu đồng/lượng (mua - bán). Giá vàng nhẫn tròn Phú Quý 999 của Công ty Cổ phần Đầu tư vàng Phú Quý được niêm yết ở mức 86,7 triệu đồng/lượng mua vào và 90,2 triệu đồng/lượng bán ra.
Về thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm USD/VND hôm nay 7/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố mức 24.462 VND, tăng 37 VND so với phiên trước. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, tỷ giá được phép giao dịch của các ngân hàng thương mại dao động trong khoảng 23.239 - 25.685 VND.
Tại Vietcombank, giá USD có mức mua vào là 25.120 VND và mức bán ra là 25.510 VND. Eximbank có giá mua vào là 25.130 VND và bán ra 25.530 VND.
Trên thị trường tự do, giá USD sáng 7/2 được giao dịch ở mức 25.580 VND mua vào và 25.680 VND bán ra.
My Vũ