Đây là ý kiến của ông Phan Đức Hiếu, ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính, nêu trong Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 với chủ đề: "Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì tổ chức ngày 17.4.
Năng lực nội tại của phần lớn doanh nghiệp còn yếu
Khảo sát toàn quốc do VCCI thực hiện cho thấy, chỉ 32% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất, kinh doanh trong hai năm tới. Dù hiện cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng phần lớn vẫn là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chiếm tới 98%. Chỉ khoảng 2% là doanh nghiệp quy mô lớn. Những điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn, thách thức; hoạt động sản xuất kinh doanh chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gãy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào... ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, nói tại diễn đàn.
Toàn cảnh diễn đàn
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, các doanh nghiệp nước ta vẫn thiếu sự liên kết chặt chẽ, bài bản và có tính hệ thống. Một số doanh nghiệp lớn đã có thể tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, tuy nhiên, mạng lưới liên kết chủ yếu vẫn giới hạn trong nội bộ các doanh nghiệp cùng hệ thống sở hữu. Chúng ta còn thiếu các doanh nghiệp lớn, cả ở khu vực nhà nước lẫn tư nhân, có khả năng dẫn dắt và kết nối hệ sinh thái doanh nghiệp nhỏ và vừa, để phát triển những ngành kinh tế chiến lược có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Một thực tế đáng chú ý là phần lớn doanh nghiệp trong nước chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đang được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thống kê cho thấy, chỉ khoảng 300 trên tổng số hơn 1.800 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước có tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, và chủ yếu chỉ cung ứng sản phẩm, dịch vụ đơn giản, giá trị gia tăng thấp.
Dữ liệu điều tra doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê) công bố giai đoạn 2018 - 2024 cho thấy, hơn 97% doanh nghiệp không có hoạt động liên quan đến xuất khẩu và tới 99% không thực hiện gia công hoặc sản xuất hàng hóa cho nước ngoài. Nghiên cứu của VCCI năm 2022 cũng cho thấy, 53,3% doanh nghiệp không đặt ra mục tiêu cụ thể khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu - cho thấy sự thiếu định hướng rõ ràng.
Theo bà Trần Thị Hồng Minh, năng lực nội tại của phần lớn doanh nghiệp trong nước còn yếu. Từ khả năng sản xuất, cung ứng sản phẩm - dịch vụ, năng lực cạnh tranh về giá, chất lượng, cho đến khả năng giao hàng đúng thời hạn, thực hiện đơn hàng lớn hay tiếp cận các kênh phân phối đều còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài còn lỏng lẻo, khiến việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu gặp nhiều trở ngại.
Đề xuất thành lập cơ quan giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhận định, để bứt phá trong năm 2025, cải cách thể chế, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp là những chìa khóa then chốt. Không chỉ cần hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng hấp thụ vốn, mà điều quan trọng hơn là nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt ở khu vực kinh tế tư nhân, để tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và làm chủ công nghệ lõi.
Toàn cảnh diễn đàn
Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính, cho rằng, doanh nghiệp đang đối mặt với cả những khó khăn từ thể chế và phi thể chế. Thể chế là công cụ quản lý nhà nước duy nhất và cần thiết. Tuy nhiên, khi thể chế chưa tốt, nó có thể tạo ra rào cản lớn, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Không chỉ là thủ tục hành chính, mà còn là chi phí tuân thủ, chi phí cơ hội và các chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải gánh chịu. Do đó, cải cách thể chế không chỉ dừng lại ở việc cắt giảm thủ tục, mà cần đi xa hơn - là giảm thiểu chi phí tuân thủ, ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo ông Hiếu, có ba việc cần làm ngay để cải cách thể chế hiệu quả. Đó là, nâng cao chất lượng các quy định hiện hành; cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật; và bảo đảm tính thống nhất, chất lượng các quy định pháp luật mới được ban hành. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước đang thay đổi mạnh mẽ, cải cách thể chế không chỉ nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mà cần tạo ra những đột phá thực sự. Ông Hiếu đề xuất, thay vì chỉ sửa đổi các quy định, cần ưu tiên bãi bỏ những văn bản, quy định không còn phù hợp; đồng thời, thiết lập một cơ chế bền vững để duy trì và thúc đẩy cải cách thể chế.
Dẫn kinh nghiệm của Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Australia… ông Hiếu cho biết, các quốc gia này đều thành lập cơ quan giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế (ROB). Cơ quan này có quyền bác đề xuất chính sách hoặc yêu cầu sửa đổi nếu không đạt chất lượng. Theo ông Hiếu, Việt Nam nên thành lập cơ quan giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế. Cơ quan này có các chức năng chính như kiểm soát chất lượng quy trình soạn thảo; xác định các lĩnh vực trọng tâm để nâng cao chất lượng quy định; nâng cao chất lượng quy định một cách có hệ thống; đầu mối, phối hợp trong soạn thảo, ban hành; xây dựng bộ công cụ, hướng dẫn, hỗ trợ, đào tạo, thực tiễn mới.
TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh, chính sách phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, các bộ, ngành và địa phương cần chú trọng ban hành chính sách đặc thù để thúc đẩy các hình thức liên kết doanh nghiệp, trong đó bao gồm các ưu đãi về thuế, tín dụng, bảo lãnh vay vốn, và hỗ trợ mặt bằng sản xuất - kinh doanh. Các chính sách này cần được thiết kế linh hoạt, theo mức độ doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng.
Vũ Quang