Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại buổi làm việc.
Tỉnh Đồng Nai đang được xem như đại công trường các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và một loạt tuyến đường cao tốc đi qua. Nghịch lý là ở "thủ phủ" khai thác đá của miền nam và cả nước với 32 mỏ quy mô lớn được cấp phép, nhưng lại đang xảy ra nguy cơ thiếu đá để cung cấp cho các dự án trọng điểm giao thông quốc gia do sự thiếu chủ động từ các nhà thầu cần vật liệu và doanh nghiệp cung cấp.
Sân bay Long Long cần 4,9 triệu m3 đá
Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, hiện nay, khu vực phía nam đang triển khai 15 dự án giao thông trọng điểm, với tiến độ chủ yếu hoàn thành năm 2025 và 2026. Do đó, nếu không cung cấp đủ vật liệu đất đắp, đá xây dựng theo tiến độ thi công cho dự án sẽ không thể đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Nhu cầu vật liệu đá cho các dự án khoảng 21,5 triệu m3. Đến nay, đã đưa về công trường hơn 4,6 triệu m3; khối lượng còn lại cần huy động là gần 17 triệu m3, trong đó đã xác định được nguồn hơn 5,2 triệu m3.
Đối với vật liệu đất đắp nền đường dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu cần 5,2 triệu m3, hiện còn thiếu 4,7 triệu m3. Cơ quan chức năng đã xác định được nguồn 5,01 triệu m3, nhưng các vị trí khai thác tại huyện Long Thành, thành phố Biên Hòa, đang chờ hướng dẫn thủ tục để hoàn thiện hồ sơ cấp phép.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, trên địa bàn, ngoài Cảng hàng không quốc tế Long Thành, có 6 dự án, gồm: Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức-Long Thành, cao tốc Dầu Giây-Tân Phú, cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc, Vành đai 3, Vành đai 4 đang thi công xây dựng.
Tổng nhu cầu vật liệu các dự án trên là: Đá xây dựng 3,78 triệu m3; đất đắp: 2,01 triệu m3; cát xây dựng và cát san lấp 2,39 triệu m3.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, đá xây dựng có thể đáp ứng nhu cầu cung cấp cho các dự án trọng điểm.
Qua rà soát trữ lượng đang cấp phép khai thác trên địa bàn Đồng Nai so với nhu cầu vật liệu xây dựng hiện nay, chỉ có đá xây dựng có thể đáp ứng nhu cầu của tỉnh. Các khoáng sản còn lại như: cát xây dựng, cát san lấp, đất đắp chưa đáp ứng so với nhu cầu thi công xây dựng.
Trong quá trình thực hiện cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, tỉnh Đồng Nai gặp một số khó khăn vướng mắc về gia hạn; điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản; về cấp phép khai thác tại khu vực không đấu giá; về thực hiện thủ tục đất đai khi cấp phép khai thác khoáng sản nhóm IV còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Nguyễn Tiến Việt cho biết, nhu cầu về đá với tổng khối lượng 7,2 triệu m3, hiện đơn vị đã nhập về và sử dụng 2,2 triệu m3, còn lại trong năm 2025 cần khoảng 4,9 triệu m3 nhưng nguồn cung hiện nay gặp khó khăn, có thể nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Do đó, đề nghị tỉnh Đồng Nai tăng công suất, tăng năng lực khai thác, thêm dây chuyền ở các mỏ khai thác đá. Cùng với đó, nới khung thêm thời gian vận chuyển, vì mỗi ngày phải có hơn 1.000 lượt xe tải (loại từ 20 đến 25 tấn) ra vào công trường mới đáp ứng được nhu cầu vật liệu cho dự án sân bay Long Thành đang tăng tốc đẩy nhanh tiến độ.
Tổng Giám đốc ACV Nguyễn Tiến Việt cho biết, Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đang cần 4,9 triệu m3 đá trong năm nay.
Cần xác định rõ cung cầu
Tại buổi làm việc, đại diện một số doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho rằng, trữ lượng khai thác đá và đất trên địa bàn hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu cung cấp các công trình trọng điểm đang triển khai. Tuy nhiên, hiện nay nhiều mỏ đang vướng mắc thủ tục về đầu tư, đất đai.
Ngoài ra, lâu nay việc các mỏ bán vật liệu qua đại lý, sau đó từ đây mới cung cấp cho các nhà thầu thi công các dự án: “Chúng tôi sẵn sàng ưu tiên cung cấp đá cho các dự án trọng điểm. Tuy nhiên, lâu nay công ty không thể liên hệ trực tiếp với các nhà thầu. Trong năm 2025 công ty sẽ tìm cách kết nối với các nhà thầu để cung cấp”, đại diện Công ty cổ phần Hóa An nói.
Trong khi đó, đại diện nhà thầu thi công đường băng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đề cập: ‘Giữa “thủ phủ” khai thác vật liệu xây dựng như ở Đồng Nai lại thiếu vật liệu cung cấp các dự án là điều không hợp lý. Khi chúng tôi đề cập vấn đề mua vật liệu đá không thể mua được hoặc chỉ mua được nhỏ giọt. Đơn vị mong muốn, địa phương giải quyết các vấn đề pháp lý để tăng công suất khai thác, cung cấp phục vụ thi công dự án đúng tiến độ đề ra”.
Quang cảnh buổi làm việc tại Tỉnh ủy Đồng Nai.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, cả hai phía là các nhà thầu thi công các dự án và doanh nghiệp khai thác khoáng sản đều chưa thực sự chủ động. Do đó, cần phải xác định và đánh giá rõ cung cầu từ hai phía.
Đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu xác định nhu cầu cụ thể của từng loại vật liệu đối với các công trình, lập biểu mẫu chi tiết cho từng chủng loại. Từ đó, đề xuất nhu cầu tiếp cận các mỏ khoáng sản trên địa bàn đáp ứng sử dụng của công trường.
Các doanh nghiệp khoáng sản đã và đang được cấp mỏ khai thác phải xác định rõ khả năng cung cấp vật liệu. Trong đó, ưu tiên cung cấp cho các dự án, công trình trọng điểm đối với các mỏ được gia hạn, cấp mới. Đây là yêu cầu của Nhà nước trong trường hợp cấp bách đối với các dự án trọng điểm quốc gia.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, trong bối cảnh hiện nay phải có vai trò điều tiết của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và các đơn vị liên quan về cung cấp vật liệu xây dựng cho các dự án. Cùng với đó, đề nghị tỉnh Đồng Nai hỗ trợ tối đa về thủ tục, rút ngắn thời gian cấp phép cho các mỏ; quản lý nghiêm ngặt về giá vật liệu xây dựng, nếu không sẽ xảy ra tiêu cực.
THIÊN VƯƠNG