Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Linh chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo của Sở Tài chính, tổng nhu cầu vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 của tỉnh Thái Nguyên sau sáp nhập là 130.705 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) chiếm tỷ trọng lớn nhất với 77.598 tỷ đồng, tiếp đến là vốn ngân sách địa phương 44.547 tỷ đồng và vốn nước ngoài 8.560 tỷ đồng.
Riêng tỉnh Thái Nguyên trước sáp nhập dự kiến nhu cầu vốn 59.732 tỷ đồng, trong đó tập trung cho hai dự án trọng điểm là Tuyến đường kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang và đường hồ Núi Cốc, với tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ gần 6.900 tỷ đồng.
Tỉnh Bắc Kạn trước sáp nhập có tổng nhu cầu vốn 70.973 tỷ đồng, trong đó nổi bật là Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 279 kết nối các tỉnh Tuyên Quang - Bắc Kạn - Lạng Sơn, với nhu cầu vốn 2.139 tỷ đồng.
Các đại biểu tham gia ý kiến tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, thảo luận về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, các đại biểu tham gia nhiều ý kiến về nguyên tắc lập, thứ tự ưu tiên phân bổ kế hoạch vốn, xác định một số dự án trọng điểm có tác động lớn, như các công trình ngầm tràn, nâng cấp cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa,... phục vụ nhân dân sau sáp nhập.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Linh nhấn mạnh, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, kế hoạch đầu tư công năm 2026 tỉnh Thái Nguyên là một nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới.
Đồng chí đề nghị, đối với các công trình còn chậm quyết toán, các đơn vị cần sớm đôn đốc giải ngân đúng tiến độ. Các công trình thuộc kế hoạch trung hạn, các sở, ngành cần phối hợp rà soát lại kỹ lưỡng, theo thứ tự ưu tiên, đặc biệt là những công trình cấp thiết nằm trong khu vực sạt lở, ngầm tràn... Tập trung bố trí vốn nâng cấp hệ thống đường giao thông kết nối nội tỉnh; xây dựng các tuyến kết nối tỉnh Thái Nguyên mới với các tỉnh lân cận (Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang...).
Minh Tâm