Ưu tiên mở rộng cao tốc theo phương án O&M kết hợp BOT

Ưu tiên mở rộng cao tốc theo phương án O&M kết hợp BOT
7 giờ trướcBài gốc
Sẽ nghiên cứu đầu tư theo hình thức PPP trong thời gian thu phí
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về tình hình nghiên cứu đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo Bộ Xây dựng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mở rộng các tuyến cao tốc quy mô phân kỳ, Bộ Xây dựng đã đề xuất mở rộng 18 dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Các dự án này nằm trong mục tiêu 3.000km đến năm 2025, hiện nay còn khoảng 402km đang thi công xây dựng.
Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn đang được đầu tư mở rộng lên 6 làn xe.
Để tránh trùng lặp dự án và hỗ trợ tăng trưởng 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ đầu tư bằng hình thức đầu tư công để có thể triển khai mở rộng ngay. Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo phương thức PPP.
Bộ Xây dựng cho biết, việc mở rộng theo phương thức PPP phải thực hiện theo dự án mới. Luật PPP cũng không cho phép trùng lặp dự án đang triển khai nên việc mở rộng theo hình thức PPP không thể triển khai ngay như phương án đầu tư công.
Vì lý do đó, trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp các đề xuất của các doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng: Đối với 15 dự án đầu tư công, cho phép triển khai thu phí các đoạn tuyến theo Nghị quyết của Quốc hội, Luật Đường bộ.
Quá trình thu phí, căn cứ vào tình hình thực tế, triển khai đầu tư mở rộng các đoạn tuyến theo hình thức PPP. Với 3 dự án PPP đang khai thác, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục làm việc với nhà đầu tư để nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng.
Về làm rõ phương án ưu tiên đầu tư toàn tuyến theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng sẽ ưu tiên phương án đầu tư PPP toàn tuyến nếu có nhà đầu tư đủ điều kiện.
Liên quan đến phương án đầu tư ngay dự án đang triển khai thi công để tránh lãng phí và sử dụng các nhà thầu đang thi công tiếp tục thi công mở rộng, Bộ Xây dựng cho hay, cơ chế sử dụng các nhà thầu đang thi công và mở rộng ngay các đoạn tuyến đang thi công chỉ phù hợp với hình thức đầu tư công. Phương án này không phù hợp với đầu tư theo phương thức PPP. Đầu tư theo phương thức PPP sẽ thực hiện theo các dự án độc lập và nhà đầu tư quyết định việc lựa chọn nhà thầu thi công.
Từ các phân tích trên, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư theo hình thức PPP trong năm 2025.
Sau khi hoàn thành toàn bộ các dự án thành phần trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ triển khai tổ chức thu phí các đoạn tuyến đầu tư công theo Nghị quyết của Quốc hội, quy định của Luật Đường bộ.
"Trong quá trình thu phí, Bộ Xây dựng sẽ lựa chọn các nhà đầu tư PPP theo quy định, trong đó ưu tiên đầu tư theo phương án O&M kết hợp BOT trên toàn tuyến để đồng bộ, phát huy hiệu quả toàn tuyến", Bộ Xây dựng cho biết.
Kết hợp BOT và O&M là thế nào?
Khẳng định việc mở rộng các tuyến cao tốc là cần thiết, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN cho biết, theo hợp đồng BOT (Xây dựng - Kinh Doanh - Chuyển giao), nhà đầu tư được nhượng quyền để xây dựng, kinh doanh, vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng trong thời hạn nhất định, hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình cho Nhà nước.
Hợp đồng O&M (Kinh doanh - Quản lý), nhà đầu tư được nhượng quyền để kinh doanh, quản lý một phần hoặc toàn bộ công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có trong thời hạn nhất định.
Theo ông Chủng việc triển khai mở rộng đòi hỏi các vấn đề khá phức tạp về mặt kỹ thuật như tổ chức công trường thi công trong điều kiện vừa khai thác vừa thi công, các giải pháp kỹ thuật làm sao không làm hư hỏng đến mặt đường kế bên.
Bản chất của hai hình thức hợp đồng này là khác nhau. O&M là hình thức đầu tư công, quản lý tư. Sau khi nhà nước đầu tư tuyến đường thì đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư O&M sẽ phải quản lý, khai thác, bảo trì toàn bộ tuyến đường. Hình thức BOT là nhà đầu tư bỏ kinh phí đầu tư xây dựng mới tuyến đường và tổ chức quản lý khai thác vận hành. Thay vì có 2 ông chủ tuyến đường thì việc kết hợp này rút xuống chỉ còn 1. Khi kết hợp hai hình thức này việc thì các nhiệm vụ được song hành và không xảy ra chuyện đổ lỗi cho nhau.
"Hai hình thức hợp đồng này nằm trong 6 hình thức hợp đồng theo phương thức đối tác công tư (PPP) là chủ trương đúng đắn. Việc mở rộng cao tốc áp dụng đồng thời hai hình thức hợp đồng này sẽ rất thuận lợi, giải quyết được bài toán tổ chức công trường phức tạp, bài toán chịu trách nhiệm đến cùng về chất lượng công trình hiện hữu khi thi công mở rộng và thuận lợi cho cả cơ quan quản lý Nhà nước và nhà đầu tư", ông Chủng nói.
Trần Duy
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/uu-tien-mo-rong-cao-toc-theo-phuong-an-om-ket-hop-bot-192250705162833397.htm