Ưu tiên phát triển cây mắc ca - tái cơ cấu nông nghiệp

Ưu tiên phát triển cây mắc ca - tái cơ cấu nông nghiệp
15 giờ trướcBài gốc
Đến nay, cây mắc ca đã bén rễ trên mảnh đất Điện Biên và mang lại những tín hiệu tích cực. Trong ảnh: Người dân xã Tuần Giáo chăm sóc cho cây mắc ca.
Là một trong những hộ tiên phong trồng khảo nghiệm cây mắc ca tại xã Tuần Giáo, ông Cà Văn Chanh nhớ lại những ngày đầu khá tâm tư, do dự. “Ban đầu trồng thử cây mắc ca, gia đình tôi trồng 260 cây, nhưng trong lòng luôn canh cánh một nỗi lo vì không biết cây có hợp với đất, có ra hoa kết trái hay không. Nhưng đến năm thứ sáu, cây bắt đầu ra hoa, bói quả, tôi mới dám thở phào nhẹ nhõm. Đặc biệt là khi những chùm quả đầu tiên thu hái, gia đình đã bán với giá 100.000 đồng/kg quả tươi. Thu bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, mà lại được giá cao. Hiệu quả kinh tế rõ rệt hơn hẳn so với trồng ngô, trồng sắn như trước kia nên chúng tôi phấn khởi lắm…” - ông Chanh tâm sự.
Không riêng gì ông Chanh, tại xã Chiềng Sinh, ông Lò Văn Khiên (bản Che Phai 1) cũng là một trong những người mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây mắc ca và cà phê vào vườn đồi của mình. Sau khi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật và tìm hiểu kinh nghiệm từ nhiều nơi, năm 2023 ông trồng thử 80 cây mắc ca. Dù chưa có kết quả nhưng sau đó, ông Khiên tiếp tục đầu tư thêm để mở rộng diện tích trồng mắc ca của gia đình. Ông Khiên chia sẻ: “Thấy cây phát triển xanh tốt, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu, tôi quyết định trồng thêm 160 cây vào năm 2024 và tiếp tục trồng 100 cây nữa trong năm nay”.
Sau khi hợp nhất 4 xã: Chiềng Sinh (cũ), Nà Sáy, Mường Thín và Mường Khoong thành xã Chiềng Sinh mới, địa phương này đã trở thành địa bàn có nhiều kết quả tích cực trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là phát triển mở rộng diện tích cây mắc ca. Riêng tại xã Nà Sáy trước đây, tổng diện tích trồng mắc ca trong năm 2023 và 2024 đã đạt hơn 90ha. Chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền để người dân chăm sóc tốt diện tích đã trồng và khuyến khích đăng ký trồng mới. Năm 2025, xã có kế hoạch trồng thêm gần 70ha, với 137 hộ đăng ký tham gia. Không nằm ngoài xu thế, xã Mường Thín cũ cũng đang đẩy mạnh phát triển cây mắc ca. Theo báo cáo, năm 2025, xã đã có 150 hộ đăng ký trồng mắc ca với tổng diện tích 46ha. Ông Đỗ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sinh cho biết: “Sau khi hợp nhất 4 xã, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển cây mắc ca thành cây trồng chủ lực. Hiệu quả kinh tế từ loại cây này hứa hẹn mở ra hướng đi bền vững cho người dân địa phương, mang lại nhiều tín hiệu tích cực trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn”.
Mắc ca đã trở thành một trong những cây được ưu tiên trồng trên địa bàn xã Pu Nhi.
Pu Nhi cũng là một trong những địa phương có quy mô trồng mắc ca khá lớn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn xã đã trồng khoảng 530ha mắc ca theo mô hình liên kết giữa hợp tác xã và tư nhân. “Chúng tôi xác định mắc ca sẽ là cây chủ lực, tạo sinh kế ổn định lâu dài cho người dân. Vì vậy, chính quyền xã sẽ luôn đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả của các dự án mắc ca” - ông Đinh Quang Bạo, Chủ tịch UBND xã cho biết.
Từ năm 2016, tỉnh Điện Biên đã đánh giá mắc ca là cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh đã trồng khoảng 12.000ha mắc ca. Kể từ năm 2015, một số diện tích trồng mắc ca đã bắt đầu cho thu hoạch. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.000ha mắc ca đã cho thu quả, với sản lượng trên 1.000 tấn quả tươi/năm. Ngoài những tín hiệu tích cực trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 600 lao động và hơn 1.000 lao động thời vụ, với mức lương từ 5 - 12 triệu đồng/tháng. Theo định hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp, đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ trồng khoảng 120.000ha mắc ca. Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh ta đã đưa ra những chính sách nhằm thu hút đầu tư phát triển cây mắc ca với 2 hình thức: Nhà nước cho doanh nghiệp thuê đất và người dân hợp tác với nhà đầu tư theo hợp đồng liên kết. Cùng với đó, việc lựa chọn giống cây trồng cũng được cơ quan chuyên môn, các địa phương và người dân đặc biệt quan tâm.
Một số diện tích mắc ca đã cho thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Người dân xã Tuần Giáo thu hoạch quả mắc ca.
Đến nay, các dòng mắc ca được trồng trên địa bàn tỉnh đều là những giống có năng suất, chất lượng cao và được Bộ Nông nghiệp và Môi trường công nhận. Trong đó, phần lớn giống cây được nhập từ các công ty giống uy tín tại Tây Nguyên. Ngoài ra, để chủ động nguồn giống tại chỗ, Điện Biên đã xây dựng 2 vườn cây đầu dòng với 595 cây đã được công nhận. Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Mắc ca hiện đang sản xuất khoảng 300.000 cây giống mỗi năm, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV, ông Lê Xuân Cảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường kiến nghị Trung ương xem xét đầu tư 4 công trình hồ chứa lớn với dung tích 40 triệu mét khối, tổng vốn khoảng 3.000 tỷ đồng. Mục tiêu nhằm tạo đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển cây mắc ca và ứng phó với biến đổi khí hậu. “Tỉnh Điện Biên đang chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng từ ngắn ngày sang dài ngày có giá trị kinh tế cao, với hai cây chủ lực là mắc ca và cà phê. Đến nay, tỉnh đã phát triển được 12.000ha mắc ca và hơn 8.000ha cà phê. Tuy nhiên, các diện tích này vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nước mưa” - ông Cảnh nhấn mạnh. Ý kiến của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường đã khẳng định tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng các hồ chứa nước nhằm đáp ứng nhu cầu tưới tiêu và hơn thế là mang ý nghĩa chiến lược lâu dài, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là đối với cây mắc ca - loại cây đang được tỉnh ưu tiên phát triển.
Các mô hình, dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh đang sinh trưởng, phát triển tốt; góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nông nghiệp.
Việc đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng từ ngắn ngày có giá trị kinh tế thấp sang các loại cây trồng dài ngày, có giá trị kinh tế cao như cây mắc ca đang trở thành hướng đi chủ lực của tỉnh. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các đơn vị, sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và phát triển bền vững; góp phần làm thay đổi diện mạo các bản làng vùng cao nơi cực Tây Tổ quốc trong tương lai.
Phạm Quang
Nguồn Điện Biên Phủ : https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/kinh-te/uu-tien-phat-trien-cay-mac-ca-tai-co-cau-nong-nghiep