Hơn 100 học viên thi sát hạch mỗi ngày
TP Hà Nội có hơn 70.000 học viên thuộc nhiều trung tâm đã được cấp chứng chỉ thi giấy phép lái xe song chưa được sát hạch. Suốt một tuần qua, Phòng CSGT đã liên tiếp tổ chức thành công nhiều đợt sát hạch.
Sáng 24/6, Công an TP Hà Nội bắt đầu tổ chức kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô cho thí sinh đã được đào tạo và cấp chứng chỉ. Ảnh: Hoàng Lam.
Theo đó, trong các ngày từ 24 - 29/6, Phòng CSGT Công an thành phố phối hợp với các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe liên tiếp tổ chức kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe xe ô tô và mô tô cho những thí sinh đã được đào tạo và cấp chứng chỉ.
Theo thống kê, tại thời điểm chuyển giao công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an (tháng 3/2025), cả nước còn khoảng 705.000 học viên đã hoàn thành chương trình đào tạo nhưng chưa sát hạch. Trong đó, TP Hà Nội có hơn 70.000 học viên thuộc nhiều trung tâm.
Ghi nhận của PV, dù bắt đầu tổ chức muộn hơn một số địa phương khác trên cả nước, song ngay ngày đầu tiên tổ chức sát hạch (24/6), Đội Sát hạch lái xe (Phòng CSGT) và các trung tâm đã nhanh chóng bắt tay vào việc.
Trung bình mỗi ngày, lực lượng chức năng đã tổ chức thành công hơn 100 lượt học viên sát hạch cấp giấy phép lái xe các hạng dành cho ô tô, xe máy trên địa bàn thành phố.
Điển hình như tại Trung tâm Đào tạo sát hạch lái xe Hùng Vương (ở Thạch Thất), đây là nơi được chọn để khai mạc kỳ sát hạch đầu tiên tại Hà Nội. Sau thời gian khắc phục các vướng mắc về thủ tục chọn sân, ngày 24/6, đơn vị chức năng đã tổ chức cho các học viên sát hạch giấy phép lái xe hạng C.
Học viên Nguyễn Minh Đức (SN 2000, ở huyện Quốc Oai) đến thi bằng lái xe hạng C chia sẻ: "Việc thông báo mở lại kỳ thi khá gấp, nhưng không ảnh hưởng đến tâm lý bởi các học viên đã ôn tập và thực hành thử rất kỹ".
Về quy trình sát hạch, các học viên cho biết, các bước chuẩn bị hồ sơ rất nhanh chóng. Ở hầu hết khâu thủ tục, lực lượng CSGT trực tiếp giám sát và thực hiện, có thêm dữ liệu đã được đồng bộ hóa, nên thời gian rút gọn rất nhiều.
Đối với nội dung cấp giấy phép lái xe dành cho xe máy, sáng 26/6, Phòng CSGT Công an Hà Nội cũng bắt đầu tổ chức sát hạch lái xe cho hơn 110 học viên tại Trung tâm Sát hạch lái xe Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy.
Đại úy Nguyễn Thị Hồng Nhung (Đội Sát hạch lái xe của Phòng CSGT) cho biết, để kỳ sát hạch diễn ra minh bạch và chặt chẽ, lực lượng chức năng đã chuẩn bị hồ sơ kỹ càng.
"Ngay tại cửa phòng thi, sát hạch viên đều kiểm tra chặt chẽ từng học viên, đảm bảo thí sinh không thể vi phạm quy chế, không mang thiết bị gian lận… vào phòng thi", đại úy Nhung khẳng định.
Còn ở sân thi thực hành, CSGT áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ để chấm điểm tự động, kết nối dữ liệu với bộ phận giám sát ngay tại sân. Điều này nhằm đảm bảo mỗi phần thi được diễn ra chặt chẽ, minh bạch, rõ ràng.
Đảm bảo không ai phải chờ đợi lâu
Trao đổi với PV, một giáo viên dạy lái xe tại Trung tâm đào tạo lái xe V (ở Hà Nội) chia sẻ, từ nhiều tháng nay, họ vẫn chờ được thông báo lịch sát hạch dành cho các học viên đã được đào tạo và cấp chứng chỉ.
Nọc viên không đạt nội dung sát hạch lý thuyết vẫn được dự nội dung sát hạch thực hành lái xe trong hình.
"Hiện nay, một số sân sát hạch đang chỉnh sửa để phù hợp với nội dung thi theo phân hạng GPLX, chủ yếu là các hạng B và C vì liên quan đến hệ thống chấm điểm bằng chip", giáo viên này cho biết.
Bên cạnh đó, để đảm bảo cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc và học viên có thể đạt kết quả tốt nhất, việc chuẩn bị cơ sở vật chất là rất quan trọng. Do đó, nhiều nơi vẫn đang chờ bố trí lịch thi cũng là điều dễ hiểu.
Sau những ngày đầu tổ chức thành công các đợt sát hạch lái xe, đại diện Phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết, do có thời gian chuẩn bị kỹ càng, lực lượng chức năng đã chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, sát hạch viên, phương tiện, phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng để triển khai nhanh chóng, thuận lợi nhất.
Ngoài 3 trung tâm đã triển khai suốt một tuần qua, thời gian tới, Phòng CSGT sẽ tiếp tục tổ chức các đợt sát hạch lái xe tại 4 trung tâm khác, sau đó đồng loạt thực hiện trên toàn địa bàn thành phố.
Trước đó, Phòng CSGT đã chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho công tác sát hạch. Tuy nhiên, để hoàn tất thủ tục và sân thi cần phải hoàn thiện việc ký hợp đồng với các trung tâm, đảm bảo đấu thầu theo đúng quy định.
Hiện, những vướng mắc này đã được giải quyết. Do đó, cơ quan chức năng sẽ triển khai đồng loạt các đợt sát hạch trong thời gian tới, đảm bảo không ai phải chờ đợi lâu.
Còn theo trung tá Huỳnh Tấn Nam, Đội trưởng Đội Sát hạch, cấp giấy phép lái xe kiêm Phó chủ tịch Hội đồng sát hạch Hà Nội, với những học viên đã tham gia kỳ sát hạch vừa qua, nhiều người có phản hồi rất tích cực về công tác tổ chức.
"Điều đó thể hiện nỗ lực của lực lượng CSGT trong việc xây dựng môi trường sát hạch công bằng, minh bạch, chuyên nghiệp. Quy trình sát hạch nghiêm túc sẽ giúp hình thành đội ngũ lái xe có ý thức, kỹ năng, góp phần xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh", trung tá Nam nhìn nhận.
Chưa ghi nhận vướng mắc phát sinh
Tại TP.HCM, thời gian qua, công tác sát hạch cấp bằng lái cho người dân được triển khai suôn sẻ, hơn 13.000 người đã được tham gia sát hạch.
Thượng tá Đỗ Văn Đồng, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP.HCM cho biết, sau khi tiếp nhận nhiệm vụ từ của Sở Giao thông Vận tải (nay là Sở Xây dựng), đơn vị đã chủ động kết nối với các cơ sở đào tạo để thống kê, rà soát số lượng học viên còn tồn đọng.
Đơn vị cũng tích cực làm việc với các trung tâm sát hạch lái xe để chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tổ chức sát hạch, tổ chức cài đặt phần mềm thi lý thuyết tại các trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn nhằm giải quyết dứt điểm số lượng hồ sơ tồn đọng.
Việc giải quyết số lượng hồ sơ tồn được thực hiện theo hướng ưu tiên các đơn vị có học viên sắp hết hạn giấy khám sức khỏe, các khóa đào tạo đã được khai giảng mở khóa từ năm 2024. Theo thống kê, từ ngày 20/5 đến nay, Công an TP.HCM đã tổ chức 47 kỳ sát hạch, với hơn 13.400 thí sinh tham dự, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.
Thượng tá Đỗ Văn Đồng nói thêm, để đảm bảo kỳ sát hạch diễn ra nghiêm túc, đúng quy định, Công an TP.HCM sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra, phân công cán bộ trực tiếp giám sát toàn bộ quá trình sát hạch, từ khâu chuẩn bị, tổ chức thi lý thuyết, thi thực hành đến khi kết thúc; kiểm tra đột xuất đối với các trung tâm sát hạch, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm.
Bên cạnh đó, Công an TP.HCM cũng ứng dụng công nghệ để chống gian lận như áp dụng hệ thống camera giám sát phòng thi lý thuyết và sân thi thực hành. Dữ liệu giám sát được lưu trữ đầy đủ, đồng bộ để phục vụ công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra.
Tại TP Huế, đến nay lực lượng công an đã tổ chức 25 kỳ thi sát hạch lái xe ô tô và mô tô, với khoảng 6.500 học viên.
Theo ông Hoàng Liên Sơn, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP Huế, từ khi tiếp nhận nhiệm vụ từ Sở Xây dựng chuyển sang, đơn vị triển khai đảm bảo thông suốt, không để gián đoạn, ảnh hưởng đến nhu cầu của nhân dân.
Đơn vị đã chủ động phối hợp với Trường Cao đẳng Huế đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện, hệ thống máy móc và dữ liệu; chuẩn bị, sắp xếp lịch thi… đều được triển khai bài bản và khoa học. Từ đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp người dân an tâm hơn khi tham gia sát hạch.
Theo ông Sơn, từ khi tiếp nhận nhiệm vụ sát hạch đã có sự đổi mới, những phần thi nào học viên chưa đạt sẽ được đăng ký thi lại, các nội dung đạt sẽ được bảo lưu kết quả trong vòng 1 năm.
Tương tự, chỉ riêng khu vực Quảng Nam cũ (nay sáp nhập vào TP Đà Nẵng), đến cuối tháng 6/2025, Phòng CSGT Công an Đà Nẵng đã tổ chức 7 kỳ sát hạch cho người dân tại các cơ sở với số lượng khoảng 2.000 thí sinh, học viên trên địa bàn Quảng Nam (cũ).
Thượng tá Phan Thanh Hồng, Trưởng phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho biết, sau thời gian tiếp nhận, chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, trang thiết bị và tổ chức sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe, đến nay chưa ghi nhận vướng mắc, phát sinh.
Giám sát chặt chẽ, đảm bảo công bằng
Theo đại diện Cục CSGT (Bộ Công an), đến nay, Công an TP Hà Nội đã chính thức triển khai sát hạch, cấp giấy phép lái xe các hạng theo đúng phân cấp của Bộ Công an, bảo đảm chất lượng và minh bạch trong từng khâu tổ chức.
Hiện, Bộ Công an đã tiếp nhận dữ liệu với hơn 60,5 triệu giấy phép lái xe, đồng thời đã chỉnh sửa nâng cấp phần mềm sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Đến nay, hầu hết địa phương cũng đã hoàn tất các khâu chuẩn bị để tổ chức sát hạch.
Cục CSGT cũng cho biết đã yêu cầu các địa phương ưu tiên giải quyết trước các hồ sơ của học viên (đã được cấp chứng chỉ) bị tồn đọng. Bộ Công an đã yêu cầu trong các khâu tổ chức, lực lượng CSGT cần triển khai nghiêm túc, minh bạch, tuân thủ đúng quy trình theo quy định mới; Giám sát chặt chẽ bằng hệ thống camera và cảm biến hiện đại, bảo đảm tính công bằng, khách quan và độ chính xác cao trong chấm điểm đối với học viên.
Nhóm phóng viên