Chủ tịch UBND huyện Đông Anh chỉ đạo khẩn trương xử lý hành loạt vi phạm đất đai tại xã Đại Mạch
Toàn cảnh từ trên cao khu vực Đầm Sen, thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch, ngoài một số hộ đã bị tháo dỡ hoặc tự tháo dỡ 1 phần thì vẫn còn nhiều hộ vi phạm chưa bị xử lý. Ảnh: Thái An
Những vi phạm nghiêm trọng tồn tại cả chục năm
Trong bài báo “Huyện Đông Anh: Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo khẩn trương xử lý hàng loạt vi phạm đất đai tại xã Đại Mạch” đã phản ánh về việc, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng chỉ đạo UBND xã Đại Mạch khẩn trương thực hiện các chỉ đạo của UBND huyện liên quan đến việc thực hiện các kết luận, việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai tại khu vực Đầm Sen, Hồ Cỏ, Ao Bến.
Trước đó, ngày 11/8/2023, ông Nguyễn Anh Dũng, khi đó là Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh đã ký Thông báo kết quả giải quyết tố cáo số 2355/TB-UBND. Theo Thông báo, ngày 7/8/2023, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh đã có kết luận nội dung tố cáo số 21/KL-UBND đối với UBND xã Đại Mạch xác định nhiều nội dung công dân tố cáo UBND xã Đại Mạch đã buông lỏng quản lý, không lập hồ sơ xử lý vi phạm về lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng tại khu Đầm Sen, Ao Đình, Cổng Bắc và Công Tây; xứ đồng Nách Quán và Cống Đá là tố cáo đúng một phần và trách nhiệm thuộc về UBND xã Đại Mạch.
Các công trình vi phạm trên đất công của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tân, tại khu vực Đầm Sen vẫn chưa bị xử lý như báo cáo của UBND xã Đại Mạch. Ảnh: Thái An
Những vi phạm đất đai tại xã Đại Mạch được cho là nghiêm trọng không chỉ được làm rõ tại Kết luận số 21/KL-UBND ngày 7/8/2023 của Chủ tịch UBND huyện Đông Anh mà tại Kết luận kiểm tra số 02/KL-TKT ngày 7/11/2008 của UBND xã Đại Mạch cũng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của UBND xã này và lãnh đạo thôn Đại Đồng đã buông lỏng quản lý đất đai, trật tự xây dựng để các hộ dân lấn chiếm đất tập thể lên tới nhiều nghìn m2, mua bán chuyển nhượng trái quy định, xây dựng trái phép trên đất tập thể thầu khoán, ký hợp đồng kinh tế trái quy định.
Nghiêm trọng hơn là việc cán bộ xã Đại Mạch đã sửa chữa bản đồ, sổ mục kê thửa đất hơn 800m2 đất có nguồn gốc là đất công thành đất cá nhân dẫn đến việc mua bán chuyển nhượng trái quy định. Thời điểm này, UBND xã Đại Mạch đề nghị UBND huyện Đông Anh kiểm tra, xử lý kỷ luật cán bộ đã sửa chữa bản đồ 364 khu vực giữa Hồ Cỏ với Đầm Sen và sửa chữa sổ mục kê ruộng đất gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý đất tập thể.
Công trình xây dựng trên đất công vẫn chưa bị xử lý của bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết.
Theo tìm hiểu của PV, ngày 28/8/2023, UBND xã Đại Mạch đã ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND về thực hiện Kết luận số 21/KL-UBND của Chủ tịch UBND huyện Đông Anh. Theo đó, UBND xã Đại Mạch sẽ tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các tập thể và cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng từ giai đoạn năm 2008 đến 2023, đồng thời tổ chức làm việc với các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất sai mục đích; trường hợp các hộ gia đình, cá nhân không chấp hành sẽ lập hồ sơ xử lý theo quy định.
Để làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và các cán bộ liên quan đến việc buông lỏng quản lý đất đai, cũng như việc xử lý dứt điểm hàng loạt sai phạm tại xã Đại Mạch, tránh khiếu kiện kéo dài, ngày 3/10, PV đã đăng ký nội dung làm việc với lãnh đạo UBND huyện Đông Anh và UBND xã Đại Mạch. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, UBND huyện Đông Anh vẫn chưa có bất cứ phản hồi gì, còn UBND xã Đại Mạch mới chỉ cung cấp một số tài liệu liên quan mà chưa sắp xếp lịch làm việc trực tiếp với PV.
Báo cáo có đúng thực tế?
Mặc dù Kết luận số 21/KL-UBND của Chủ tịch UBND huyện Đông Anh đã chỉ ra chi tiết hàng loạt hành vi vi phạm đất đai của những cá nhân, tổ chức ở xã Đại Mạch. Tuy nhiên, các báo cáo của UBND xã Đại Mạch về kết quả xử lý vi phạm chưa rõ ràng, mới chỉ tập trung xử lý một số vi phạm tại khu vực Đầm Sen và có dấu hiệu báo cáo chưa đúng với thực tế.
Theo tìm hiểu của PV, thực hiện chỉ đạo của Thanh tra TP Hà Nội, UBND huyện Đông Anh, Thanh tra huyện Đông Anh, ngày 24/08/2024, UBND xã Đại Mạch đã có báo cáo 247/BC-UBND về kết quả xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, TTXD tại khu vực Đầm Sen, thôn Đại Đồng. Theo đó, UBND xã Đại Mạch đã chia việc xử lý giải quyết vi phạm tại khu vực Đầm Sen theo 2 giai đoạn.
Một số công trình vi phạm trên đất công của Công ty Cổ phần y sinh học Tuyết Thái vẫn tồn tại.
Đối với giai đoạn 1, sau khi thanh lý hợp đồng với ông Hà Minh Tuấn, UBND xã Đại Mạch đã tuyên truyền, vận động các cá nhân (bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, ông Hà Minh Tuấn, bà Nguyễn Thị Thùy Dương, ông Nguyễn Văn Tân) tự tháo dỡ toàn bộ công trình trên đất, bàn giao đất để UBND xã Đại Mạch quản lý với diện tích khoảng 9ha.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, việc tháo dỡ này vẫn chưa hoàn thiện, nhiều công trình vi phạm vẫn hiện hữu trên đất công, chưa bị tháo dỡ. Riêng hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tân vẫn còn có rất nhiều công trình như: nhà trọ, trường mầm non, nhà xưởng,... vẫn tồn tại và chưa có dấu hiệu bị xử lý.
Đối với giai đoạn 2, UBND xã Đại Mạch đã tổ chức tuyên truyền vận động được 5 hộ gia đình (ông Nguyễn Văn Điệp, ông Nguyễn Văn Quế, bà Trần Thị Dần, ông Nguyễn Văn Tân, ông Trần Văn Hoàn) tự tháo dỡ công trình do vi phạm về đất đai xây dựng. Kèm theo đó vận động bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết tự tháo dỡ hơn 900m2 nhà kho xây dựng trên đất công, trả lại diện tích đất cho UBND xã quản lý. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, 900m2 nhà kho này vẫn đang hiện hữu và chưa hề được tháo dỡ như báo cáo của UBND xã Đại Mạch.
Báo cáo của UBND xã Đại Mạch cũng thể hiện, ngày 20 và 21/8/2024, sau khi được tuyên truyền vận động, 2 cá nhân (ông Lưu Văn Liêm và Lưu Văn Khánh) và 1 tổ chức (Công ty Cổ phần y sinh học Tuyết Thái) đã tự tháo dỡ công trình, trả lại diện tích đất đã lấn. Song, thực tế, Công ty Cổ phần y sinh học Tuyết Thái mới chỉ tháo dỡ một phần, còn lại rất nhiều công trình vi phạm trên đất công vẫn đang tồn tại.
Chủ tịch UBND xã Đại Mạch có bị xử lý trách nhiệm?
Để tăng cường hiệu quả của công tác quản lý TTXD nói riêng và công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đô thị nói chung, ngày 2/3/2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU. Trong đó có nội dung đáng chú ý là yêu cầu các cấp, ngành, đặc biệt là UBND các quận, huyện, thị xã chấn chỉnh kỷ cương, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý có hành vi vi phạm hoặc buông lỏng quản lý, để xảy ra các sai phạm.
Có thể thấy, Kết luận số 21/KL-UBND của Chủ tịch UBND huyện Đông Anh đã chỉ ra hàng loạt sai phạm về đất đai, trật tự xây dựng tại xã Đại Mạch và việc xử lý vi phạm vẫn chưa triệt để nhưng việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu là Chủ tịch UBND xã Đại Mạch và cán bộ liên quan theo Chỉ thị số 14-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vẫn chưa được công khai.
Quốc Doanh