Tại chương trình phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Trình bày tóm tắt nội dung dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, mặc dù đạt được một số kết quả quan trọng nhưng việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một hạn chế là chưa có Quỹ phát triển nhà ở quốc gia hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để hỗ trợ nguồn lực tài chính cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai các dự án nhà ở xã hội đảm bảo dài hạn, bền vững.
Tại báo cáo tổng kết thi hành Luật Nhà ở năm 2014 đã nêu: "Hiện nay, cả nước chỉ có một số quỹ phát triển nhà ở như: Quỹ phát triển nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương, Quỹ phát triển nhà ở tỉnh Đồng Nai, Quỹ phát triển nhà ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu…
Quốc hội tán thành việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia. Ảnh BTC.
Các quỹ này có chức năng và hoạt động chủ yếu là cho vay đối tượng có thu nhập thấp để tạo lập nhà ở; cho vay các dự án nhà ở thuộc chương trình nhà ở của thành phố; cho vay vốn đối với các hộ gia đình, cá nhân xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà trọ cho công nhân thuê; đầu tư trực tiếp tạo lập quỹ nhà ở xã hội cho thành phố, quản lý quỹ nhà ở xã hội, nhà tái định cư; quản lý, khai thác các khu nhà lưu trú công nhân...
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện nay, trên cả nước có 43 quỹ đang hoạt động tại các địa phương. Tuy nhiên, các quỹ phát triển địa phương này đều đang gặp khó khăn trong hoạt động do không được cấp bổ sung vốn, dẫn đến khó có thể cung cấp vốn ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội dài hạn, bền vững...
Do vậy, đề xuất cần thiết phải nghiên cứu, thành lập "Quỹ phát triển nhà ở quốc gia" từ nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn hợp pháp khác để giải quyết các vướng mắc nêu trên, đồng thời tạo nguồn vốn bền vững, dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội.
Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Hoàng Văn Liên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật-Tư pháp cho biết, Ủy ban tán thành việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia; đồng thời đề nghị làm rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của Quỹ để có cơ sở giao Chính phủ quy định chi tiết; làm rõ các nhiệm vụ chi của Quỹ để bảo đảm nhiệm vụ chi của Quỹ không trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, tránh sơ hở, thất thoát, lãng phí.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia, theo đó cần huy động và sử dụng được nhiều nguồn lực xã hội tham gia có hiệu quả vào quỹ này; tham khảo kinh nghiệm các nước, có thể hình thành quỹ này theo mô hình quỹ đầu tư phát triển nhà ở quốc gia.
Thống nhất đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia
Trước đó, ngày 21/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã họp với các bộ, ngành liên quan về việc nghiên cứu thành lập quỹ phát triển nhà ở (bao gồm nhà ở xã hội; nhà ở cho công nhân thuê; nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi thuê, mua…).
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng cho biết, triển khai nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trao đổi ở cấp kỹ thuật với Bộ Xây dựng để xác định các tồn tại trong việc phát triển nhà ở xã hội. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo lãnh đạo Chính phủ về việc nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia.
Trước đó, ngày 24/5/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở trong tình hình mới.
Triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 927/QĐ-TTg trong đó giao: Bộ Tài chính chủ trì "nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để phát triển nhà ở xã hội dài hạn, bền vững"; Bộ Xây dựng chủ trì "nghiên cứu thành lập, thiết lập cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chuyên đầu tư phát triển nhà ở xã hội"...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ, việc thành lập một quỹ về phát triển nhà ở để thực hiện nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người dưới 35 tuổi thuê mua, mua nhà ở… là có cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Do đó, thống nhất tên quỹ là "Quỹ phát triển nhà ở quốc gia".
Quỹ phát triển nhà ở quốc gia là quỹ nhà nước ngoài ngân sách, do nhà nước thành lập (không trùng với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước).
Dự kiến, nguồn của Quỹ phát triển nhà ở quốc gia sẽ được huy động từ các nguồn: Ngân sách nhà nước cấp; Huy động từ sự tự nguyện đóng góp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; nguồn thu từ quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại theo quy định; nguồn huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân; các nguồn hợp pháp khác.
Về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, mô hình quản lý của Quỹ phát triển nhà ở quốc gia,... Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ: Chức năng chính của Quỹ phát triển nhà ở quốc gia là đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thuê; nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi… Quỹ phát triển nhà ở quốc gia có 2 cấp. Cấp trung ương do Bộ Xây dựng quản lý; ở địa phương, UBND cấp tỉnh quản lý.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến phát biểu tại cuộc họp để hoàn thiện Đề án thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia và dự thảo Nghị định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đông Bắc