Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku
4 giờ trướcBài gốc
Đây là buổi họp cuối cùng của Phiên họp thứ 45. Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơ Peiku; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
Cao tốc Quy Nhơn – Pleiku cần tính toán kết nối vùng và quốc tế
Cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, các thành viên Thường vụ Quốc hội cho rằng việc thực hiện dự án nhằm mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải trên trục Đông - Tây; tạo ra không gian mới phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH
Theo tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, tổng chiều dài đường cao tốc Quy Nhơn là 125 km. Trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định khoảng 40 km, qua địa phận tỉnh Gia Lai khoảng 85 km.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trầg Phương nêu vấn đề và phân tích: Vì sao dự án chỉ giới hạn từ An Nhơn đến thành phố Pleiku mà không mở rộng đến cửa khẩu Lệ Thanh?
Theo ông Trần Quang Phương, việc kéo dài tuyến đến cửa khẩu này sẽ hình thành hành lang giao thông thuận lợi, kết nối trực tiếp Tây Nguyên với các nước láng giềng như Campuchia, Lào trong bối cảnh hội nhập ASEAN. Đồng thời góp phần thúc đẩy giao thương, xuất nhập khẩu, phát triển kinh tế khu vực biên giới gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh.
Dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku được triển khai với quy mô 4 làn xe. Tuy nhiên, có ý kiến đề xuất trong giai đoạn đầu chỉ nên thi công 2 làn xe và giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn để tiết kiệm chi phí đầu tư sau này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH
Theo tờ trình, dự án được thực hiện theo hình thức đầu tư công, với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 43.734 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước từ tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách năm 2024, cùng nguồn ngân sách trung ương và địa phương trong các giai đoạn 2021 – 2025 và 2026 – 2030.
Về phân chia các dự án thành phần, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chot: Chính phủ đề xuất phân chia Dự án thành 02 dự án thành phần theo địa giới hành chính của tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, tới đây dự kiến tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai sẽ sáp nhập thành một tỉnh.
"Nên chia tách thành 02 dự án thành phần mà làm sao sau sáp nhập Dự án sẽ nằm trọn trong địa bàn một tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả và gắn với năng lực quản lý của địa phương"- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, dự án sau khi hoàn thành đưa vào vận hành khai thác có khả năng sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của dự án BOT hiện hữu trên Quốc lộ 19.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị bổ sung đánh giá kỹ tác động của Dự án của tuyến đường liên quan và đề xuất giải pháp phù hợp, hiệu quả đối với dự án BOT song hành.
Đồng thời, cần thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công. do trong giai đoạn 2026 - 2030 có rất nhiều dự án lớn đồng thời được triển khai cũng được đề xuất sử dụng các nguồn vốn trên. "Do đó, đề nghị Chính phủ cân đối tổng thể các dự án, tránh chồng lấn nguồn kinh phí dự kiến và khi triển khai thực hiện không bảo đảm khả năng giải ngân"- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Làm rõ nguyên nhân dự án Biên Hòa – Vũng Tàu bị đội vốn
Theo tờ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1), Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, phê duyệt việc tăng tổng mức đầu tư từ 17.837 tỷ đồng lên 21.551 tỷ đồng. Nguyên nhân điều chỉnh là do chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư và chi phí xây dựng thực tế tăng so với dự toán ban đầu.
Liên quan nội dung này, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Minh Khương lưu ý: Chi phí giải phóng mặt bằng của dự án thành phần 3 tăng gấp ba lần so với tính toán ban đầu. Ông cũng đề nghị rà soát mức chênh lệch lớn giữa chi phí đầu tư hệ thống giao thông thông minh và hệ thống thu phí không dừng giữa ba dự án thành phần do ba chủ đầu tư khác nhau phụ trách, dù chiều dài tuyến không quá chênh lệch.
Giải trình làm rõ tại sao nguồn vốn đầu tư cao và có sự điều chỉnh, Bộ trưởng Bộ xây dựng Trần Hồng Minh cho biết: "Chi phí đầu tư phụ thuộc vào điều kiện địa chất, thủy văn của công trình. Tại sao đoạn Biên Hòa - Vũng Tàu chỉ có được 135 tỷ trên 1 km bởi vì đoạn này giải phóng xong mặt bằng thì chỉ ra đá và làm nhựa. Hai đoạn dưới là dự án thành phần 2, thành phần 3 thì phải xử lý nền đất yếu và phụ thuộc vào công trình trên tuyến nữa".
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku và Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1). Ảnh: VPQH
Cho ý kiến kết luận về chủ trương, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, với chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, đề nghị Chính phủ làm rõ tiến độ cũng như phương án phân chia các dự án phân kỳ để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, khả năng đáp ứng, năng lực kinh nghiệm của các địa phương để phân cấp cũng như cần có thuyết minh cụ thể hơn đánh giá tác động kỹ lưỡng.
Đối với dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân của việc điều chỉnh, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các chủ thể liên quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: VPQH
Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã tham gia trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực thi hành; xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 45. Ảnh: VPQH
Phiên họp thứ 45 xem xét, cho ý kiến kịp thời nhiều nội dung quan trọng
Phát biểu bế mạc tại phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 07 nội dung quan trọng để kịp thời trình Quốc hội, trong đó có những nội dung cấp thiết, cần trình Quốc hội thông qua sớm, vừa phục vụ yêu cầu thể chế hóa kịp thời chủ trương lớn của Đảng, vừa tháo gỡ các vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
Trong bối cảnh thời gian gấp rút, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khẩn trương xem xét, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý hai nghị quyết của Quốc hội liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển kinh tế tư nhân và tạo đột phá trong xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật.
"Hai nghị quyết này được trình Quốc hội biểu quyết thông qua ngay trong sáng 17/5, nhằm kịp thời phục vụ việc thông tin tại Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị diễn ra vào sáng 18/5/2025"- Chủ tịch Quốc hội nêu.
Các phiên họp trong khuôn khổ Phiên họp thứ 45 được tổ chức ngay sau thảo luận tại tổ của Quốc hội, thể hiện rõ tinh thần tranh thủ tối đa thời gian, điều hành linh hoạt và xử lý công việc quyết liệt, liên tục, đầy trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục tổ chức Phiên họp thứ 46 trong thời gian giữa hai đợt của Kỳ họp, cũng như các phiên họp khác để cho ý kiến về: Các nội dung còn lại trình Quốc hội tại Đợt 2; Việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý đối với các dự thảo luật, nghị quyết đã được Quốc hội thảo luận trước khi trình Quốc hội thông qua; Các nghị quyết về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã cần hoàn thành trước ngày 30/6; cũng như xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh mới nếu có.
Thu Hường
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-xem-xet-chu-truong-dau-tu-cao-toc-quy-nhon-pleiku-388073.html