Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Minh Dũng. Ảnh: Ngọc Liên
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp nên thu hút doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đầu tư vào công nghiệp, thương mại, dịch vụ là mục tiêu quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Minh Dũng cho biết, tỉnh sẽ luôn chuẩn bị môi trường đầu tư thuận lợi để các DN đầu tư vào tỉnh thành công.
Đến cuối tháng 4-2025, Đồng Nai đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn 36 tỷ USD. DN trong nước đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh hơn 3,4 tỷ USD. Các DN thành lập tại Đồng Nai có vốn đăng ký khoảng 20 tỷ USD.
Đồng Nai nằm trong tốp đầu về thu hút FDI
Từ nhiều năm nay, Đồng Nai luôn nằm trong tốp đầu các tỉnh, thành cả nước về thu hút FDI. Ông có thể cho biết rõ hơn về tình hình hoạt động của các DN FDI trong thời gian qua?
- Đồng Nai là một trong những địa phương đi đầu trên cả nước về thu hút dòng vốn FDI. Năm 1989, tỉnh đón dự án FDI đầu tiên trong lĩnh vực dịch vụ vận tải taxi do Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cấp cho Công ty liên doanh Vatadona. Từ năm 1994-1998, dòng vốn FDI vào Đồng Nai mới tạo sự đột phá lớn trong việc tăng trưởng công nghiệp và các lĩnh vực khác với nhiều dự án của các nhà đầu tư lớn như: Fujitsu, Kao, Samsung, Kolon, Chrysler, C.P., Cargill...
Các giai đoạn tiếp theo tuy có thăng trầm nhưng Đồng Nai luôn là điểm đến được nhiều tập đoàn FDI lớn trên thế giới chọn lựa. Tỉnh luôn nằm trong tốp 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Đến nay, Đồng Nai đã có 45 quốc gia, vùng lãnh thổ vào đầu tư. Phát triển công nghiệp tạo việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài tỉnh. Riêng các khu công nghiệp của tỉnh giải quyết việc làm cho gần 600 ngàn lao động, trong đó gần 50% lao động của các tỉnh, thành khác.
Các DN FDI góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng cao và trở thành một trong 6 tỉnh thành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, mỗi năm các DN FDI ở Đồng Nai đóng góp cho ngân sách nhà nước trên dưới 1 tỷ USD.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Minh Dũng (thứ hai từ phải qua) tham quan các gian hàng của các doanh nghiệp tại hội thảo về phát triển công nghệ tại Đồng Nai. Ảnh: Hải Quân
Năm 2025, mục tiêu của tỉnh tăng trưởng kinh tế 10%. Theo ông, vốn FDI đóng vai trò quan trọng như thế nào trong phát triển kinh tế của tỉnh?
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Đồng Nai đã được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh thông qua là 10%. Do đó, tỉnh đã đưa ra các giải pháp để khai thác các tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Trong phát triển kinh tế của tỉnh, đóng góp của cộng đồng DN rất quan trọng và không thể thiếu được khối DN FDI.
Để các DN đầu tư vào tỉnh thành công, Đồng Nai luôn chú trọng cải thiện môi trường đầu tư theo hướng tạo thuận lợi hơn cho DN trong triển khai các dự án. Cụ thể, tỉnh tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận thông tin về đất đai, quy hoạch, các chính sách, thủ tục đầu tư. Năm 2025, tỉnh dự kiến triển khai thêm nhiều khu công nghiệp mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các DN FDI, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp xanh.
Đồng Nai dự kiến sẽ thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, logistics, thương mại dịch vụ, bất động sản... Đây là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển.
Năm 2025, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia có tính liên vùng của tỉnh đã và đang được tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng như: Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường cao tốc như Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Biên Hòa - Vũng Tàu, vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh và các công trình trọng điểm của tỉnh là đường liên cảng, hương lộ 2, đường ven sông Đồng Nai... Những dự án này không chỉ cải thiện khả năng kết nối vùng mà còn giảm thời gian vận chuyển, giúp các DN giảm chi phí logistics, tăng hiệu quả kinh doanh.
Đồng Nai cam kết xây dựng môi trường đầu tư bền vững, khuyến khích các DN FDI áp dụng công nghệ hiện đại và tham gia vào chuỗi cung ứng xanh nhằm đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Bên cạnh các tiềm năng, lợi thế, nhiều DN cũng muốn biết rõ hơn các chính sách đồng hành, hỗ trợ của tỉnh. Ông có thể nói chi tiết về những hỗ trợ của tỉnh cho DN?
- Tỉnh Đồng Nai sẽ luôn đồng hành cùng DN vì thành công của DN sẽ đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì thế, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 109/QĐ-UBND ngày 13-1-2025 thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ DN và phát triển kinh tế tỉnh Đồng Nai. Trong năm 2025, ban chỉ đạo sẽ tập trung tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh công tác hỗ trợ DN, khơi thông mọi nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh tăng 10% so với với năm 2024.
Trong đó, tỉnh sẽ xây dựng các kế hoạch, chương trình thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics, du lịch, nông nghiệp, bất động sản, xúc tiến thương mại, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN trên địa bàn. Tỉnh hỗ trợ DN triển khai nhanh các dự án, sớm đưa vào khai thác tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Đồng Nai sẽ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trên nhiều lĩnh vực. Rà soát diện tích khu công nghiệp đã đủ điều kiện, mời gọi nhà đầu tư thực hiện dự án. Quy hoạch quỹ đất dành cho DN nhỏ và vừa… Xây dựng chính sách, hỗ trợ DN đầu tư dự án nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp để họ có nơi ở ổn định, an tâm làm việc tại Đồng Nai.
Hiện Chính phủ rất quan tâm đến kinh tế tư nhân - khối có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của đất nước. Với Đồng Nai, việc hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân như thế nào?
- Đồng Nai xác định kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Do đó, tỉnh xây dựng những chính sách để hỗ trợ các DN nhỏ, siêu nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh chuyển đổi loại hình kinh doanh lên DN. Trong đó, tỉnh tập trung giải quyết các điểm nghẽn, các nút thắt, rào cản để tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Bởi kinh tế tư nhân đóng góp hơn 60% nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.
Thưa ông, trong thời gian tới, DN muốn triển khai dự án ở Đồng Nai phải hội tụ đủ những điều kiện gì?
- Kế hoạch đến năm 2030, Đồng Nai sẽ hoàn thành 48 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 18,4 ngàn hécta. Tỉnh ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ cao, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Trên lĩnh vực công nghiệp, tỉnh sẽ tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm mũi nhọn gồm: công nghiệp hàng không, công nghiệp bán dẫn, sản xuất chíp và trí tuệ nhân tạo; thiết bị tự động hóa và thiết bị công nghệ thông tin. Với nông nghiệp, tỉnh sẽ thu hút các dự án nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo thực phẩm an toàn. Dự án trồng, sản xuất dược phẩm, dược liệu; dự án chế biến nông sản thực phẩm...
DN đáp ứng được các yêu cầu trên đều có thể đăng ký triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.
Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)