Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh: Vượt qua khó khăn, kinh tế - xã hội Đồng Nai phát triển khởi sắc

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh: Vượt qua khó khăn, kinh tế - xã hội Đồng Nai phát triển khởi sắc
3 ngày trướcBài gốc
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh.
Năm 2024, tình hình kinh tế và chính trị thế giới biến động khó lường, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh có dấu hiệu phục hồi và phát triển tích cực.
Trả lời phỏng vấn Báo Đồng Nai nhân dịp đầu năm mới 2025, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH cho biết, tổng sản phẩm GRDP tăng ở mức 8,02% trong năm 2024 thể hiện rõ sự nỗ lực lớn của tỉnh trong việc biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội để hiện thực hóa các mục tiêu mà Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh năm 2024 đề ra.
Bức tranh sáng về kinh tế - xã hội
Đồng chí đánh giá như thế nào về sự phát triển KT-XH của Đồng Nai trong năm 2024?
- Năm 2024, tình hình kinh tế của tỉnh có dấu hiệu phục hồi và phát triển (đặc biệt là từ quý II-2024); sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc, các doanh nghiệp ký được nhiều đơn hàng; cung cầu hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường; doanh thu dịch vụ du lịch, thương mại tăng trưởng khá; hoạt động đối ngoại gắn với xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại được thúc đẩy mạnh mẽ; công tác thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch đề ra. Sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản có sự tăng trưởng tích cực; công tác chăm lo an sinh xã hội, giáo dục, y tế, giải quyết việc làm đặc biệt được quan tâm, chú trọng và thực hiện hiệu quả; thực hiện tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được công bố và triển khai thực hiện, tạo được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tỉnh đã quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng trên địa bàn; công tác chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân có nhiều chuyển biến tích cực; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững ổn định, tạo điều kiện phát triển KT-XH.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh gặp gỡ già làng tiêu biểu dân tộc Chơro xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu. Ảnh:Công Nghĩa
Nhìn chung, tình hình KT-XH tỉnh Đồng Nai năm 2024 có nhiều chuyển biến tích cực.
Năm qua, điểm sáng nào trong bức tranh kinh tế của tỉnh được xem là bước tiến quan trọng đưa Đồng Nai dần phục hồi vị thế, thưa đồng chí?
- Tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai năm 2024 đạt nhiều kết quả nổi bật. GRDP trong năm 2024 đạt trên 260 ngàn tỷ đồng, tăng 8,02% so với cùng kỳ năm trước; thu ngân sách nhà nước gần 62 ngàn tỷ đồng, đạt 110% so với dự toán và bằng 106% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 23,4 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 16,7 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ; giá trị xuất siêu trên địa bàn tỉnh đạt 6,7 tỷ USD; thu hút đầu tư trong nước cấp mới 23 dự án (trong khu công nghiệp 9 dự án) với tổng vốn đăng ký khoảng 138 ngàn tỷ đồng, tăng 15% về số dự án và tăng gấp 21 lần vốn đăng ký cấp mới so với cùng kỳ; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1,45 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ; đăng ký thành lập mới hơn 4,3 ngàn doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 50 ngàn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người ước đạt 149 triệu đồng/người…
Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động KT-XH, mà còn là quá trình xác lập một lực lượng sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - lực lượng sản xuất số, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, tỉnh cần xây dựng chiến lược thu hút và đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng và tư duy đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số, chuyển đổi số trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, năm 2024, tỉnh Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư 4 dự án khu công nghiệp quy mô lớn (gồm: Long Đức 3, Bàu Cạn - Tân Hiệp, Xuân Quế - Sông Nhạn, Phước Bình 2); khánh thành, đưa vào hoạt động các dự án có quy mô lớn như: Dự án Thủy điện Phú Tân 2, Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, Dự án Cảng Phước An. Hoàn thành công tác bồi thường Dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành; hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với Sân bay Long Thành dần hoàn thiện…
Đây là những điểm sáng quan trọng trong bức tranh kinh tế của tỉnh năm 2024, tạo tiền đề quan trọng cho bước tiến trong thời gian tới.
Thưa đồng chí, trong các nhiệm vụ đột phá được tỉnh xác định, nhiệm vụ đột phá nào đạt được kết quả nổi bật?
- Trong 4 nhiệm vụ đột phá mà tỉnh đề ra trong năm 2024 (về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; về phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; về thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của đảng viên và trách nhiệm của người đứng đầu ở các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội), có thể thấy việc thực hiện nhiệm vụ đột phá thứ 4 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương đã tạo được chuyển biến tích cực.
Theo đó, cán bộ, đảng viên đã xác định được trách nhiệm của mình trong thực thi nhiệm vụ được giao, nêu cao tính tiền phong gương mẫu, nâng cao bản lĩnh chính trị, tính chiến đấu của Đảng, đặc biệt là ngăn ngừa và chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên…
Mở “chìa khóa” quy hoạch
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số chỉ tiêu của Đồng Nai vẫn chưa đạt như kỳ vọng, trong đó nổi lên là thực trạng giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn chưa đạt tiến độ đề ra. Theo đồng chí, nguyên nhân những hạn chế này do đâu, giải pháp khắc phục trong thời gian tới ra sao?
- Đúng là trong năm vừa qua vẫn còn một số “điểm nghẽn” gây cản trở sự phát triển của tỉnh, trong đó tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; đền bù, giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ; công tác lập quy hoạch đô thị, quy hoạch các phân khu, triển khai các dự án nhà ở xã hội, dự án chống ngập, dự án thoát nước, xử lý nước thải tiến độ thực hiện còn chậm, hiệu quả chưa cao; tiến độ khai thác sử dụng quỹ đất công trên địa bàn không đạt yêu cầu ảnh hưởng đến kế hoạch tạo nguồn vốn đầu tư phát triển của tỉnh...
Đồng Nai sẽ tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển KT-XH bền vững, thu hút đầu tư có chọn lọc, kiên quyết kiểm soát chặt chẽ môi trường, nâng cao năng suất lao động và đổi mới công nghệ. Do đó, từng đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, địa phương phải thấm nhuần tư duy chọn lọc để phát triển, kiên định với mô hình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững để đảm bảo cho một tương lai vững chắc của Đồng Nai trong giai đoạn tiếp theo.
Có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan dẫn đến tình trạng này, song một nguyên nhân được đề cập tới nhiều trong thời gian qua đó là bên cạnh phần lớn cán bộ, công chức ý thức được trách nhiệm đối với sự phát triển của tỉnh, vẫn còn tồn tại một bộ phận cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trong xử lý công việc, sợ đổi mới, không dám nghĩ, không dám làm. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng thực thi công vụ, tác động tiêu cực đến sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp để chấn chỉnh tình trạng này, trong đó có việc sẵn sàng thay thế những cán bộ, công chức có tâm lý sợ sai, né tránh, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm. Đồng thời, thông qua việc sắp xếp, tinh giản bộ máy thời gian tới, sẽ lựa chọn được những cán bộ, công chức thực sự tâm huyết, có năng lực, trách nhiệm, đặt lợi ích của tập thể lên trên hết, nỗ lực phụng sự nhân dân, vì sự phát triển của tỉnh nói riêng và đất nước nói chung.
Lãnh đạo tỉnh khảo sát thực tế khu vực đề xuất các dự án ven sông Đồng Nai đoạn qua huyện Vĩnh Cửu vào tháng 4-2024. Ảnh:P.Tùng
Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây được xem là “chìa khóa” mở ra nhiều cơ hội cho Đồng Nai, thúc đẩy KT-XH phát triển. Theo đồng chí, tỉnh sẽ làm gì để sử dụng tốt “chìa khóa” này?
- Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề và nền tảng để Đồng Nai định hướng, phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi tỉnh phải phát huy được những lợi thế so sánh so với các địa phương khác, nhất là lợi thế phát triển công nghiệp, du lịch và đặc biệt là Sân bay Long Thành, Cảng Phước An.
Khi có quy hoạch, nhà đầu tư sẽ dễ dàng tìm được vị trí đầu tư mình muốn vì tất cả rất rõ ràng, không thể làm trái quy hoạch được. Quy hoạch tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt xác định 5 khâu đột phá, 36 dự án động lực nên đòi hỏi phải đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 làm cơ sở thu hút kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn các huyện, thành phố đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Phượng (thực hiện)
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202501/uy-vien-trung-uong-dang-bi-thu-tinh-uy-nguyen-hong-linh-vuot-qua-kho-khan-kinh-te-xa-hoi-dong-nai-phat-trienkhoi-sac-8e178a6/