Vá lỗ hổng về trật tự xây dựng

Vá lỗ hổng về trật tự xây dựng
13 giờ trướcBài gốc
UBND TP HCM vừa có tờ trình dự thảo Nghị quyết thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện gửi Thủ tướng Chính phủ.
Chắt lọc kinh nghiệm
Trước đó, từ năm 2001, UBND TP HCM cho phép thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng quận, huyện. Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 89/2007 cho phép thí điểm thành lập thanh tra xây dựng quận, huyện và thanh tra xây dựng phường, xã, thị trấn tại TP Hà Nội và TP HCM. Tháng 11-2007, UBND TP HCM ra Quyết định 133/2007 về thí điểm thành lập thanh tra xây dựng quận, huyện và tổ quản lý trật tự đô thị phường, xã, thị trấn.
Đến năm 2013, thực hiện Luật Thanh tra năm 2010 và Nghị định 26/2013, lực lượng thanh tra xây dựng quận, huyện, phường, xã, thị trấn chính thức được sắp xếp tổ chức lại và sáp nhập về Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM.
Nếu đề xuất của TP HCM thành hiện thực, công tác quản lý trật tự xây dựng được tin tưởng tốt hơn hiện nay. Trong ảnh: Một căn biệt thự cũ ở quận 3 được sửa chữa, cơi nới
Quãng thời gian trên, qua đánh giá những mặt được cũng như chưa được, UBND TP HCM rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường lòng, lề đường.
Tại tờ trình dự thảo nghị quyết trên, UBND TP HCM thông tin trong một số trường hợp, quan điểm xử lý công trình vi phạm giữa đội Thanh tra địa bàn quận, huyện với UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn chưa thống nhất, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Công tác phối hợp giữa lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng và UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn có lúc chưa đồng bộ, thiếu sự phối hợp, trao đổi thông tin trong xử lý công trình vi phạm.
Biên chế Đội Quản lý trật tự được tính toán tiếp nhận nguyên trạng từ Đội Thanh tra địa bàn các quận, huyện thuộc Thanh tra Sở Xây dựng và biên chế công chức thực hiện chức năng trật tự đô thị, vệ sinh môi trường lòng, lề đường, nơi công cộng của Phòng Quản lý đô thị thuộc UBND các quận, huyện.
Đơn cử là có trường hợp 1 công trình vi phạm nhưng đến 2 đơn vị lập biên bản vi phạm hành chính cho cùng 1 hành vi. Ngoài ra, tại UBND phường, xã, việc kiểm tra, xử lý công trình xây dựng không phép chỉ có 1 cán bộ địa chính đảm nhiệm mà khối lượng công việc khá lớn.
UBND TP HCM khẳng định từ các quy định của pháp luật, tình hình thực tiễn và khó khăn trong quản lý, việc thành lập thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện quản lý là cần thiết.
Điều này đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, thực hiện tốt hơn công tác quản lý trật tự xây dựng, đô thị và vệ sinh môi trường lòng, lề đường cũng như bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế hoạt động công vụ hiện nay.
Chấn chỉnh sự chệch choạc
Liên quan việc thực hiện quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng khi giải quyết thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất, Sở Tài nguyên và Môi trường mới có công văn gửi UBND TP HCM.
Sở này cho hay căn cứ Quyết định số 17/2024 của UBND TP HCM, Văn phòng Đăng ký đất đai khi phát hiện công trình vi phạm xây dựng thì chuyển cơ quan chức năng kiểm tra xử lý và đây là trách nhiệm trong công tác phối hợp
Ngoài ra, Luật Đất đai 2024 và 2 Nghị định 101/2024, 102/2024 không quy định Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình khi giải quyết thủ tục đăng ký biến động. Việc kiểm tra xác minh hiện trạng nhà ở, công trình sai phép, không phép không thuộc quy trình, thủ tục và không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Đăng ký đất đai.
Sự diễn giải chưa đúng Quyết định 17/2024 dễ dẫn tới khiếu nại đối với hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai và điều này đã được chấn chỉnh
Tuy vậy, thực tiễn giải quyết hồ sơ, một số chi nhánh đã thực hiện kiểm tra hiện trạng khi quyết thủ tục đăng ký biến động dù nhà ở, công trình xây dựng đã được chứng nhận quyền sở hữu trên sổ hồng và chủ sở hữu không yêu cầu đăng ký thay đổi tài sản. Nếu phát hiện có vi phạm xây dựng hoặc hiện trạng tài sản thay đổi so với sổ hồng đã cấp thì thông tin chuyển đến UBND quận, huyện có ý kiến xử lý và tạm dừng giải quyết hồ sơ.
"Việc này gây chậm trễ, ách tắc trong giải quyết thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất và dẫn đến tình trạng phản ánh, khiếu nại, khiếu kiện đối với hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai" - Sở Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
Từ đó, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND TP HCM giao Sở Xây dựng rà soát lại quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP HCM ban hành kèm theo Quyết định số 17/2024; đối chiếu với quy định pháp luật đất đai hiện hành để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.
Việc này bảo đảm yêu cầu mọi cơ quan, đơn vị đều phối hợp, trao đổi thông tin trong thực hiện công tác quản lý xây dựng; phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý của từng cơ quan, đơn vị, không để xảy ra chồng chéo.
Trước đó, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM gửi văn bản tới hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai để chấn chỉnh việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình khi giải quyết thủ tục đăng ký biến động về đất đai. Theo đó, một số chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tiến hành việc kiểm tra hiện trạng nhà ở, công trình khi giải quyết thủ tục đăng ký biến động. Văn bản khẳng định đây là thêm thủ tục, không đúng chủ trương cải cách hành chính và không đúng quy định, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân.
Bài và ảnh: QUỐC ANH
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/va-lo-hong-ve-trat-tu-xay-dung-196241113210034631.htm