Vai trò của cộng đồng trong bảo vệ 'lá phổi xanh'

Vai trò của cộng đồng trong bảo vệ 'lá phổi xanh'
6 giờ trướcBài gốc
Một buổi tuần rừng của cán bộ kiểm lâm huyện và Tổ bảo vệ rừng bản Háng Đồng, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên.
Cùng nhân dân cam kết giữ rừng
Bắc Yên hiện có hơn 50.000 ha rừng, trong đó hơn 44.000 ha là rừng tự nhiên, gần 5.800 ha rừng đặc dụng, trên 20.600 ha rừng phòng hộ, gần 24.500 ha rừng sản xuất, độ che phủ rừng đạt 45,8%. Với người dân các xã vùng cao, như: Háng Đồng, Xím Vàng, Phiêng Ban... rừng là tài nguyên và là nguồn sống, gắn bó bao đời này với người dân nơi đây.
Ngay trong quý I năm 2025, Hạt Kiểm lâm Bắc Yên đã chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn phối hợp với các xã tổ chức 20 cuộc tuyên truyền, thu hút hơn 2.000 lượt người tham dự. Nội dung tập trung vào Luật Lâm nghiệp, các quy định xử phạt vi phạm hành chính và trách nhiệm của từng hộ, từng bản trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Một điểm nhấn đáng chú ý là việc tổ chức ký cam kết trách nhiệm giữa Chủ tịch UBND huyện với Chủ tịch UBND 16 xã, giữa UBND các xã với các trưởng bản và giữa trưởng bản với các chủ rừng. Hệ thống cam kết “ba lớp” này giúp tạo thành mạng lưới bảo vệ rừng chặt chẽ từ cấp huyện xuống từng hộ dân.
Để việc cam kết thực sự đi vào thực chất, lực lượng kiểm lâm địa bàn cũng thường xuyên đồng hành với trưởng bản, hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức kiểm tra định kỳ, kịp thời phát hiện những khó khăn trong quá trình thực hiện. Tính đến hết quý I năm 2025, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bắc Yên đã hoàn thành việc ký cam kết bảo vệ rừng và tổ chức phổ biến đến từng hộ dân. Đáng chú ý, nhiều bản còn chủ động xây dựng nội quy bảo vệ rừng của bản, thể hiện rõ việc chuyển giao trách nhiệm bảo vệ rừng từ chính quyền về tận tay cộng đồng.
Tại xã Háng Đồng, một trong những địa phương được đánh giá làm tốt công tác bảo vệ rừng. Anh Hờ A Mang, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Xã hiện có gần 11.000 ha đất rừng, trong đó rừng đặc dụng chiếm trên 7.314 ha. Hằng năm, chúng tôi tổ chức họp bản để người dân tự đọc, tự hiểu các nội dung cam kết. Mỗi trưởng bản còn được giao thêm nhiệm vụ theo dõi, nhắc nhở các hộ dân trong quá trình thực hiện. Nhờ đó, ý thức trách nhiệm của bà con trong việc bảo vệ rừng đã nâng lên rõ rệt.
Anh Giàng A Khư, Bí thư chi đoàn, Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng bản Háng Đồng, xã Háng Đồng, chia sẻ: Bản có trên 974 ha rừng đặc dụng, 1.138 ha rừng phòng hộ. Do số lượng hộ dân đông với 224 hộ, diện tích rừng rộng nên Tổ bảo vệ rừng của bản có tới 30 người. Trước kia, nhiều hộ còn tự ý phát nương làm rẫy xâm lấn vào rừng vì chưa hiểu luật. Khi xảy ra cháy rừng, nhiều khi bà con còn ngại tham gia chữa cháy vì không biết ai có trách nhiệm. Giờ có ký cam kết rõ ràng, mọi người đều hiểu và sẵn sàng vào cuộc, mỗi người dân đều hiểu giữ rừng là giữ sinh kế, môi trường sống và tài nguyên quý giá cho con cháu mình sau này.
Chủ động từ sớm, bảo vệ từ xa
Ở một huyện miền núi như Bắc Yên, nơi có hàng chục nghìn hecta rừng tự nhiên nằm rải rác, phân tán qua nhiều sườn núi cao, việc “nghe được tiếng rừng” để hành động kịp thời chưa bao giờ là dễ dàng. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, linh hoạt trong công tác PCCCR, huyện Bắc Yên đang từng bước xây dựng thế trận phòng ngừa toàn diện, nơi mà mọi nguy cơ cháy rừng đều được dự đoán, giám sát và ngăn chặn từ xa.
Nhân dân bản Háng Đồng phát đường băng cản lửa.
Ngay từ đầu mùa khô, Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Yên đã chỉ đạo các kiểm lâm viên địa bàn trực 24/24 giờ, thiết lập chế độ theo dõi và báo cáo thường xuyên về Đội cơ động số 1, Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Thông qua hệ thống giám sát cháy rừng trực tuyến của Cục Kiểm lâm, mỗi điểm có nguy cơ phát sinh cháy đều được phân tích, định vị và phản hồi kịp thời. Bên cạnh đó, các xã trọng điểm, như: Hang Chú, Xím Vàng, Háng Đồng, Chim Vàn… đều có kế hoạch riêng về kiểm tra, tuần tra và duy trì đường băng cản lửa tại các khu vực rừng trọng yếu.
Đáng chú ý, nhờ cơ chế phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở và cộng đồng dân cư, các tổ PCCCR tại chỗ được kích hoạt nhanh chóng khi có sự cố. Mỗi bản có ít nhất một tổ phản ứng nhanh từ 5-10 người, được tập huấn đầy đủ kỹ năng sử dụng dụng cụ chữa cháy và xử lý tình huống khẩn cấp.
Bên cạnh công tác PCCCR, các phương án bảo vệ rừng trước các hành vi xâm hại rừng, khai thác lâm sản trái phép cũng được triển khai đồng bộ. Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Yên thường xuyên tổ chức kiểm tra lưu động, phối hợp tuần tra tại các “điểm nóng”, như: Xã Tà Xùa, Phiêng Ban, Làng Chếu, Háng Đồng… Qua đó, đã xử lý kịp thời 2 vụ phá rừng, ngăn chặn nhiều hành vi vận chuyển gỗ trái phép, góp phần ổn định tình hình. Cùng với đó, Hạt Kiểm lâm huyện còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý rừng. Hoạt động cập nhật diễn biến rừng qua hệ thống vệ tinh, theo dõi biến động rừng bằng phần mềm chuyên dụng, kết hợp báo cáo từ người dân địa phương đã giúp “tăng tai, mở mắt” cho công tác bảo vệ rừng từ xa.
Song song, các dự án bảo vệ và phát triển rừng, điển hình như Dự án phát triển lâm nghiệp bền vững, Chương trình hỗ trợ bảo vệ rừng đối với rừng phòng hộ và rừng sản xuất tự nhiên được triển khai tại nhiều xã, như: Háng Đồng, Phiêng Ban, Làng Chếu... đã góp phần huy động sự tham gia của cộng đồng bản trong công tác quản lý tài nguyên rừng. Đặc biệt, việc thực hiện dự án giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho cộng đồng bản tại 5 xã: Chim Vàn, Hồng Ngài, Làng Chếu, Phiêng Ban, Song Pe đã giúp người dân thực sự làm chủ những cánh rừng của mình.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Yên kiểm tra biến động rừng trên bản đồ.
Ông Hoàng Trọng Lưu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bắc Yên, cho biết: Thực tế cho thấy, muốn bảo vệ rừng hiệu quả thì không thể chỉ dựa vào lực lượng kiểm lâm, mà cần cả một mạng lưới từ cán bộ thôn bản đến từng hộ dân, mỗi người một việc, mỗi người một trách nhiệm. Khi cộng đồng được trao quyền, hướng dẫn cụ thể, họ sẽ trở thành những người bảo vệ rừng hiệu quả nhất. Hạt Kiểm lâm Bắc Yên cũng đang từng bước đổi mới phương pháp tuyên truyền để phù hợp với điều kiện, tập quán của từng nhóm dân cư.
Trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục triển khai các chương trình giao rừng cho cộng đồng, trồng rừng phân tán, huyện Bắc Yên hướng tới xây dựng một mô hình bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng hiệu quả, bền vững, đi vào thực chất. Đồng thời, tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của cộng đồng, từ công tác phòng cháy chữa cháy đến phát triển rừng và quản lý sử dụng rừng hiệu quả. Phát huy nội lực từ nhân dân, biến rừng thành nguồn tài nguyên là “nguồn lực xanh” cho phát triển bền vững.
Huyền Trang
Nguồn Sơn La : https://baosonla.org.vn/moi-truong/vai-tro-cua-cong-dong-trong-bao-ve-la-phoi-xanh-VKyFne0NR.html